- 6 đơn vị thành viên của Viettel được trao giải TOP 10 doanh nghiệp CNTT Việt Nam 2022
Trong 6 thành viên của Viettel được trao giải, Tổng công ty (TCT) giải pháp DN Viettel (VTS) có mặt tại 3 hạng mục về giải pháp chính phủ số; giải pháp thành phố thông minh và dịch vụ, giải pháp chuyển đổi số (CĐS). Các đơn vị khác của Viettel được vinh danh gồm TCT Bưu chính Viettel, TCT Mạng lưới Viettel, Công ty Truyền thông Viettel, TCT Dịch vụ số Viettel và Viettel IDC.
Lợi nhuận trước thuế của Viettel các năm gần đây luôn duy trì trên 40 nghìn tỷ/năm, tỷ suất lợi nhuận trước thuế/doanh thu luôn duy trì trên 25%. Viettel đã phát triển nhiều hệ sinh thái giải pháp, công nghệ, nền tảng số phục vụ Chính phủ, DN, cộng đồng, hướng tới sự phát triển bền vững của quốc gia.
Viettel đã hoàn thiện 6 lĩnh vực nền tảng chính gồm: Hạ tầng số, giải pháp số, tài chính số, nội dung số, an ninh mạng và công nghiệp công nghệ cao. Trong lĩnh vực giải pháp số, Viettel đã triển khai nhiều dự án nổi bật trong chương trình CĐS số quốc gia như hệ thống hỗ trợ xử lý toàn trình công việc Chính phủ e-Cabinet, Giải pháp Trung tâm Điều hành Thông minh cho chính quyền địa phương tại hơn 30 tỉnh, thành…
- Nhà mạng nhắn tin giục khách hàng phản hồi để chặn cuộc gọi rác
Mới đây, Bộ TT&TT đã chỉ đạo các nhà mạng nhắn tin cho khách hàng của mình, đề nghị chung tay góp sức cùng nhà mạng ngăn chặn cuộc gọi rác. Theo đó, người dân nhận được tin nhắn khảo sát của doanh nghiệp được gửi tới ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ cuộc gọi rác sẽ nhắn tin phương án trả lời là “Có” hoặc “Không” trên tin khảo sát. Các nhà mạng sẽ dùng thuật toán lọc ra các thuê bao nghi ngờ phát tán cuộc gọi rác và gửi tin nhắn khảo sát tới khách hàng.
Ngoài việc trả lời tin khảo sát của nhà mạng, người dân có thể chủ động phản ánh về trường hợp nghi ngờ đã thực hiện hành vi cuộc gọi rác thông qua tổng đài 5656, website https://thongbaorac.ais.gov.vn của Bộ TT&TT hoặc tổng đài CSKH, các ứng dụng của nhà mạng. Mỗi người dân chỉ cần dành ra 3-5 giây gửi phản ánh khi có cuộc gọi rác thì vấn nạn này sẽ được xử lý triệt để.
- Vietcombank và J&T Express hợp tác ứng dụng QR trong thanh toán đơn hàng
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và hãng chuyển phát nhanh J&T Express vừa hợp tác để triển khai thanh toán đơn hàng bằng hình thức quét mã QR.
Theo đó, chỉ cần người dùng có cài app của ngân hàng bất kì trên điện thoại khi thanh toán đơn hàng bằng cách quét mã QR động do J&T Express sinh ra, các thông tin như số tiền cần thanh toán, số tài khoản, thông tin đơn hàng… sẽ tự động hiển thị đầy đủ trên app giúp J&T Express dễ dàng đối soát các thông tin và hạn chế tối đa nhầm lẫn có thể xảy ra do các thao tác nhập tay.
Điều này cũng giúp đẩy nhanh quá trình thực hiện giao dịch khi người dùng không phải nhập thêm thông tin, cũng như không cần chuẩn bị tiền mặt. Đối với đơn vị giao nhận, việc thanh toán QR sẽ giúp thời gian xử lý vận đơn của nhân viên được rút ngắn, giúp tăng năng suất làm việc. Đặc biệt, tiền từ tài khoản của khách hàng được chuyển thẳng về hệ thống sẽ tránh các rủi ro nhầm lẫn hoặc mất mát khi shipper cầm nhiều tiền mặt trong người khi rong ruổi giao hàng cả ngày.
- Apple bị cảnh báo không nên mua chip nhớ flash từ Trung Quốc
Các nhà lập pháp thuộc Đảng Cộng hòa của Hoa Kỳ đã đưa ra lời cảnh báo nghiêm khắc đối với Apple. Cụ thể, nếu Apple tìm nguồn cung cấp chip nhớ flash Nand lưu trữ dữ liệu cho iPhone từ Công ty công nghệ bộ nhớ Yangtze của Trung Quốc (YMTC), công ty này sẽ phải đối phó với sự giám sát gia tăng từ Quốc hội.
Theo PhoneArena, các nhà lập pháp cho rằng Apple sẽ phải đối phó với sự giám sát gia tăng của Quốc hội nếu vẫn tiếp tục thực hiện hành động này. Điều này được đưa ra sau khi Apple tuyên bố họ không sử dụng chip từ YMTC trong bất kỳ sản phẩm nào nhưng đang đánh giá nguồn cung ứng từ YMTC đối với chip nhớ flash NAND được sử dụng trong một số iPhone bán ở Trung Quốc. Apple cũng khẳng định tất cả dữ liệu người dùng được lưu trữ trên chip flash NAND trong thiết bị của hãng sẽ được mã hóa hoàn toàn.
- Thương mại điện tử Việt Nam năm 2022 ước đạt 16,4 tỷ USD
Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2022 vừa công bố đã dự báo quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ (B2C) của Việt Nam năm 2022 sẽ đạt 16,4 tỷ USD, tăng trưởng 20% so với năm trước...
Mức tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam được các hãng dự báo sẽ tiếp tục bùng nổ trong những năm tới và sẽ cán mốc 39 tỷ USD vào năm 2025, đứng thứ 2 sau Indonesia (104 tỷ USD), ngang bằng Singapore. Tổng doanh thu kinh tế Internet Việt Nam đến năm 2025 dự báo đạt mức 57 tỷ USD, chỉ đứng sau Indonesia. Việt Nam cũng có tỷ lệ người tiêu dùng mua sắm trực tuyến cao thứ 2 trong khu vực, chỉ sau Singapore.
Ước tính, số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến ở Việt Nam lần đầu tiên có thể sẽ chạm mốc 60 triệu. Giá trị mua sắm trực tuyến của một người dùng sẽ tiếp tục tăng mạnh, dự báo sẽ đạt 260- 285 USD/người trong năm nay. Tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử B2C so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước sẽ vượt mốc 7% của năm 2021, đạt từ 7,2%- 7,8%.