Tin công nghệ 1/11: Phone 14 phiên bản Pro khan hàng, người dân có tiền cũng khó mua

Việt Báo (Tổng hợp)| 01/11/2022 06:00

Phone 14 phiên bản Pro khan hàng, người dân có tiền cũng khó mua; từ hôm nay, người dân nhận cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo hãy phản ánh qua đầu số 156

- Phone 14 phiên bản Pro khan hàng, người dân có tiền cũng khó mua

Theo khảo sát, hiện nay các mẫu iPhone 14 phiên bản Pro, Pro Max đang rất khan hàng tại các đại lý ủy quyền chính hãng. Có nhiều khách hàng đã đặt cọc từ nửa tháng trước đến nay vẫn chưa thể mua được.

Sau hơn 2 tuần mở bán chính thức tại Việt Nam, đến nay các mẫu iPhone 14 chính hãng đang trong tình trạng khan hiếm. Nhiều khách hàng đặt cọc mua từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa mua được máy.

Tình trạng khan hiếm khiến nhiều đại lý AAR tại Việt Nam phải lùi ngày trả hàng, trong đó nếu khách hàng đặt cọc các mẫu máy nhận được lượng quan tâm lớn như iPhone 14 Pro, Pro Max 128GB và 256GB sẽ phải chờ tới tận giữa tháng 11 hoặc sang tháng 12.

Theo khảo sát, do lượng iPhone 14 Pro, Pro Max trên thị trường cung không đủ cầu nên mẫu máy này đang bị lái buôn trục lợi đẩy giá cao.

- Từ hôm nay, người dân nhận cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo hãy phản ánh qua đầu số 156

Theo Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), trước tình hình mới, cần phải có một kênh tiếp nhận các thông tin phản ánh của khách hàng một cách thống nhất và thuận tiện nhất.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc phản ánh, bên cạnh đầu số 5656, Bộ TT&TT cùng các doanh nghiệp viễn thông đã thống nhất từ ngày 1/11/2022 sẽ triển khai, mở rộng việc tiếp nhận phản ánh về cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo thông qua hình thức cuộc gọi tới đầu số 156.

Đây là đầu số được sử dụng thống nhất trên toàn quốc và triển khai với tất cả các nhà mạng cung cấp dịch vụ viễn thông cố định, di động. Theo đó, bắt đầu từ ngày mai 1/11/2022, người dùng dịch vụ viễn thông tại Việt Nam có thể phản ánh qua đầu số 156.

Trong thời gian này, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục duy trì đầu số 5656 để tiếp nhận tin nhắn như hiện nay. Sau một thời gian khi lưu lượng phản ánh gửi đến Tổng đài 5656 giảm, Bộ TT&TT sẽ sửa lại các quy định để còn lại duy nhất đầu số 156 tiếp nhận các thông tin phản ánh của người dùng.

- Các vụ hack xảy ra dồn dập ở Úc do thiếu hụt nhân tài an ninh mạng

Gần đây, Úc đối mặt với sự gia tăng đột biến các cuộc tấn công mạng trên khắp các doanh nghiệp.

Một số công ty hàng đầu Úc, bao gồm Optus (hãng viễn thông lớn thứ hai Úc, thuộc sở hữu của Singapore Telecommunications Ltd) và Medibank Private Ltd (công ty bảo hiểm sức khỏe lớn nhất Úc) đã bị tấn công dữ liệu gần đây, có khả năng làm lộ thông tin chi tiết của hàng triệu khách hàng.

Các chuyên gia công nghệ cho biết Úc đã trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công mạng chỉ vì sự thiếu hụt kỹ năng khiến lực lượng an ninh mạng thiếu nhân lực, làm việc quá sức không đủ trang bị để ngăn chặn chúng.

- Sự cố tấn công mạng vào các hệ thống tại Việt Nam trong tháng 10 giảm hơn 13%

Trong tháng 10/2022, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 857 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, giảm 13,3% so với tháng 9.

Theo thống kê, trong tháng 10/2022, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 857 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, giảm 13,3% so với tháng 9/2022 và tăng 8,1% so với cùng kỳ tháng 10 năm ngoái.

Như vậy, sau 2 tháng liên tiếp – tháng 8 và tháng 9/2022, các cuộc tấn công mạng vào hệ thống thông tin tại Việt Nam gây ra sự cố gia tăng hơn so với tháng trước đó, đến tháng 10 vừa qua số sự cố tấn công mạng đã giảm 131 cuộc, tương ứng trên 13,3%.

Tính lũy kế từ đầu năm 2022 đến hết tháng 10, Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 10.376 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam. Như vậy, trung bình trong 10 tháng đầu năm nay, mỗi tháng có hơn 1.037 sự cố tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam.

- Digiworld thu gần 2.400 tỷ đồng nhờ kinh doanh điện thoại

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III vừa được công bố, công ty cổ phần Thế giới số (Digiworld) đã ghi nhận mức doanh thu thuần đạt 6.065 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh đó, lợi nhuận sau thuế trong quý III của nhà phân phối Xiaomi và Apple tại Việt Nam cũng đạt 180 tỷ đồng, tăng đến 68% so với quý III/2021.

Trong đó, ngành hàng máy tính xách tay và máy tính bảng đóng góp 2.457 tỷ đồng vào doanh thu thuần.

Đáng chú ý, mảng kinh doanh điện thoại di động của Digiworld đã tăng trưởng 74% so với quý III/2021, đạt 2.399 tỷ đồng doanh thu thuần. Sự gia tăng thị phần của Xiaomi cùng mức đóng góp doanh thu từ các dòng iPhone được cho là nguyên nhân dẫn đến sự tăng trưởng này.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tin công nghệ 1/11: Phone 14 phiên bản Pro khan hàng, người dân có tiền cũng khó mua
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO