Ngư dân Campuchia sống ở vùng ven sông Mekong mới đây đã câu được một con cá đuối khổng lồ nặng xấp xỉ 300 kg, được cho là loài cá nước ngọt lớn nhất từng được ghi nhận.
Được đặt tên là Boramy, theo từ tiếng Khmer có nghĩa là "trăng tròn", con cá dài gần 4 mét được phát hiện ở ngoài khơi đảo Koh Preah, phía bắc sông Mekong vào ngày 13/6. Theo nguồn tin địa phương, phải cần tới 12 người trưởng thành mới đưa được con cá vào bờ.
Ngay sau khi sinh vật này được phát hiện, một nhóm các nhà nghiên cứu hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn động vật hoang dã trên sông đã nhanh chóng có mặt để đưa những đánh giá về giống loài có nguy cơ tuyệt chủng này.
Trả lời CNN, nhà sinh vật học Zeb Hogan khẳng định đây nhiều khả năng là loài cá nước ngọt lớn nhất thế giới. Theo ông, đây là tín hiệu đáng mừng, vì điều này cho thấy mức độ ô nhiễm ở lưu vực sông Mekong vẫn còn khá thấp, và có nhiều dấu hiệu cho thấy những con cá khổng lồ này vẫn còn sinh sống nơi đây.
Sự việc cho thấy sông Mekong đóng vai trò là môi trường sinh sống và sinh sản quan trọng của loài cá đuối khổng lồ. Chỉ trong năm qua, ít nhất 3 con cá đuối gai độc khổng lồ đã được phát hiện thấy trong khu vực. Lần gần nhất vào tháng 5, các ngư dân cũng vừa mới , nặng gần 180 kg.
Được biết, cá đuối sông Mekong là một trong những loài cá nước ngọt lớn nhất thế giới. Ở phần đuôi của chúng chứa chất độc cực kỳ nguy hiểm. Khi mang thai, chúng thường hung dữ hơn so với các thời điểm khác trong năm.
Các chuyên gia hiện chưa thể ước tính số lượng loài này, tuy nhiên chúng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng liên quan tới các hoạt động của con người. Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên (IUCN) đã xếp loài cá đuối này vào nhóm nguy cấp.
Theo các nhà bảo tồn, cá đuối sông Mekong và tất cả các loài cá nước ngọt khổng lồ khác sống ở lưu vực này đang đối mặt với nhiều mối đe dọa. "Khoảng 70% cá nước ngọt khổng lồ trên toàn cầu đang đối mặt nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng, bao gồm tất cả các loài sống ở sông Mekong", Hogan cho biết.
Đại diện của Ủy ban sông Mekong cho rằng sông Mekong là nơi có quần thể cá đa dạng thứ 3 trên thế giới, chảy qua 6 nước gồm: Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Tuy nhiên, việc xây đập, đánh bắt quá mức, ô nhiễm xả thải và xâm nhập mặn đang là những tác động chính đe dọa tới hầu hết các sinh vật sinh sống dưới nước, đặc biệt là những loài có kích thước lớn, vì chúng rất cần không gian để sinh sống và tồn tại.
Sông Mekong vốn là môi trường sống của nhiều sinh vật lớn nhỏ. Trưởng dự án Zed Hogan, một nhà sinh vật học về cá đến từ Đại học Nevada cho biết, hệ sinh thái dưới nước của sông Mekong vẫn chưa được giới chuyên gia trên thế giới tìm hiểu hết.
Đối với Boramy, các nhà nghiên cứu đã thực hiện "gắn thẻ" con cá đuối này bằng một loại thiết bị thu, và họ hy vọng rằng sẽ sớm phát hiện ra những quần thể cá khổng lồ tại một trong những lưu vực ít được nghiên cứu nhất trên thế giới. Được biết, đây cũng là nơi sinh sống của cá heo nước ngọt và cá da trơn khổng lồ.