Đang làm việc, bác sĩ Cần Thơ bỗng nhiên ngưng tim ngưng thở 90 phút

Phương Linh| 22/10/2020 14:29

Việt BáoNgày 22/10, BS.CK2 Dương Thiện Phước, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, nơi đây vừa cứu sống bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim, ngưng tim ngưng thở 90 phút.

Người bệnh là ông NTT, 62 tuổi là bác sĩ tại một bệnh viện ở Cần Thơ. Vị bác sĩ này có bệnh tăng huyết áp, phổi tắc nghẽn mãn tính.

Người nhà cho biết, ngày 7/10, trong lúc đang làm việc, ông T. đột ngột khó thở, ngưng tim ngưng thở. Ông được các đồng nghiệp cấp cứu ngay. Sau 45 phút cấp cứu, người bệnh có nhịp tim trở lại và được chuyển đến Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ.

Trên đường đến bệnh viện, ông T. lại ngưng tim ngưng thở một lần nữa. Nhận được tin báo bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ nhanh chóng báo động đỏ nội viện, huy động nhiều trưởng khoa cùng Ban giám đốc tham gia cứu đồng nghiệp.

Sau hai tuần cấp cứu, ông T. đã tỉnh táo và đang các đồng nghiệp chăm sóc. Ảnh: BVCC.

Bác sĩ Phước cho biết, ông T. đến bệnh viện trong tình trạng hôn mê sâu, đồng tử hai bên giãn 4 mm, phản xạ ánh sáng chậm, đang bóp bóng qua nội khí quản và ép tim ngoài máy, sử dụng thuốc vận mạch liều cao. Nhận thấy tình trạng người bệnh vẫn nguy kịch, nguy cơ tử vong cao nhưng ê-kíp cấp cứu không bỏ cuộc. Các bác sĩ thay nhau ép tim ngoài lồng ngực, bóp bóng, cho bệnh nhân thở máy, sốc điện phá rung, dùng thuốc vận mạch, điều chỉnh toan kiềm liên tục.

Sau 35 phút cấp cứu liên tục, bệnh nhân có nhịp tim trở lại, được hỗ trợ hô hấp thở máy, sử dụng thuốc vận mạch liều cao. Sau hai tuần cấp cứu, bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt.

Sáng 22/10, bệnh nhân đã ngưng lọc máu liên tục, tiên lượng khả quan hơn. Đặc biệt, ông không mắc di chứng thần kinh dù đã ngừng tim 90 phút.

Nói về ngưng tuần hoàn (ngưng tim ngưng thở), bác sĩ Phước cho biết đây là một biến cố trầm trọng, tỉ lệ tử vong cao. Tại Mỹ, ngừng tuần hoàn xảy ra ngoài bệnh viện có tỉ lệ tử vong trên 90%. Trong đó, hỉ có 45% số ca sống sót. Số bệnh nhân ra viện chỉ có 30%.

Theo bác sĩ Phước, Nguyên nhân quan trọng nhất là tác động của hội chứng sau ngừng tuần hoàn là tổn thương não gây ra. Thông thường, thời gian từ khi cấp cứu ngưng thở đến khi tim đập trở lại là 3,8 đến 5,1 phút cấp cứu cơ bản và 8,4 đến 9 phút cấp cứu chuyên sâu. Trong khi đó, bệnh nhân này ngưng tim ngưng thở đến 90 phút. Vì vậy, để cứu sống đồng nghiệp là một kỳ tích của các y bác sĩ Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ. 

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Đang làm việc, bác sĩ Cần Thơ bỗng nhiên ngưng tim ngưng thở 90 phút
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO