Khởi động chương trình tìm kiếm lỗ hổng cho các nền tảng hỗ trợ chống dịch
Hôm nay (25/8), tại Việt Nam, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT đã công bố ra mắt chương trình tìm kiếm lỗ hổng bảo mật cho các nền tảng số hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Phạm vi của chương trình gồm gần 20 nền tảng thành viên của Trung tâm công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia. Thời gian tới, các nền tảng công nghệ số khác hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 khác sẽ tiếp tục được công bố và đưa lên chương trình.
Chương trình tìm kiếm lỗ hổng bảo mật cho các nền tảng số hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19 được Trung tâm NCSC phối hợp triển khai trên nền tảng BugRank tại địa chỉ https://bugrank.io
Qua BugRank, hiện các chuyên gia bảo mật đã có thể tham gia tìm kiếm lỗ hổng cho những nền tảng công nghệ hỗ trợ chống dịch Covid-19. |
Kể từ khi được thành lập vào đầu tháng 6 đến nay, Trung tâm công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia do 2 Bộ TT&TT và Y tế đồng chủ trì, đã tìm kiếm, nghiên cứu và phát triển được gần 20 nền tảng và công cụ hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19, tiêu biểu như: Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19; nền tảng hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm và quản lý kết quả xét nghiệm; nền tảng hỗ trợ truy vết; nền tảng quản lý cách ly; nền tảng điều phối nguồn lực y tế; nền tảng kết nối người dân với các bác sĩ, nhân viên y tế và hỗ trợ người khó khăn vì dịch...
Theo đại diện Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch Covid-19 quốc gia, các nền tảng công nghệ hỗ trợ phòng dịch đều được đặc biệt chú trọng vấn đề an toàn, bảo mật thông tin. Dữ liệu của các nền tảng liên quan đến sức khỏe của người dân, vì thế yêu cầu tính bảo mật phải cao, phải đảm bảo an toàn dữ liệu.
Để đáp ứng yêu cầu trên, mỗi nền tảng trước khi đưa vào vận hành chính thức đều đã được các chuyên gia an toàn thông tin của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ TT&TT và các doanh nghiệp thành viên Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) kiểm tra, đánh giá toàn bộ các yếu tố bảo mật và an toàn thông tin của hệ thống. Quá trình hoạt động, việc kiểm tra, giám sát về an toàn, bảo mật thông tin cũng như có giải pháp bảo vệ vẫn thường xuyên được các đơn vị thực hiện.
Dẫu vậy, theo các chuyên gia, trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh và nóng như hiện nay, bất kỳ một hệ thống thông tin nào cũng phải đối mặt với các nguy cơ tấn công mạng. Việc phát hiện sớm và khắc phục kịp thời các lỗ hổng bảo mật của các ứng dụng, hệ thống sẽ giúp giảm thiểu rủi ro và các thiệt hại.
Thực tế, để tăng tính an toàn cho sản phẩm thì các tổ chức phải tìm cách phát hiện và khắc phục gần như tất cả các lỗ hổng, điểm yếu đang tồn tại trên hệ thống. Tuy nhiên, trong an toàn thông tin nếu đảm bảo an toàn 99,99 % thì vẫn là chưa an toàn, vì hacker chỉ cần khai thác vào 1 lỗ hổng bảo mật bất kỳ còn chưa được phát hiện ra thì mọi nỗ lực của tổ chức đều có thể sẽ trở thành vô nghĩa.
“Chính vì nhận thức rõ các nguy cơ tiềm ẩn có thể sẽ xảy ra với các hệ thống công nghệ đang được triển khai phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam, chúng tôi đã quyết định triển khai Chương trình tìm kiếm lỗ hổng bảo mật cho các nền tảng số hỗ trợ công tác phòng, chống dịch”, đại diện Trung tâm NCSC chia sẻ.
Việt Nam có thêm 1 nền tảng tìm kiếm lỗ hổng bảo mật
Cùng với việc công bố chương trình tìm kiếm lỗ hổng bảo mật cho các nền tảng số hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19, Trung tâm NCSC cũng vừa phối hợp với VNSecurity ra mắt nền tảng tìm kiếm lỗ hổng bảo mật BugRank.
BugRank là nền tảng Bug Bounty nguồn mở và phi lợi nhuận được phát triển bởi tổ chức VNSecurity. Tại nền tảng này, các tổ chức, doanh nghiệp có thể đưa các chương trình của tổ chức mình lên và sẽ được đánh giá, kiểm thử bởi tất cả các Researcher (nhà nghiên cứu, chuyên gia bảo mật...) trên toàn thế giới.
Ngoài ra, nền tảng BugRank còn có tính năng nổi bật như OpenPGP Encryption dành cho các báo cáo, để đảm bảo tối đa về bảo mật cho các Researcher cũng như các tổ chức, doanh nghiệp tham gia vào.
Các chương trình Bug Bounty không còn là mô hình xa lạ tại các quốc gia trên thế giới trong lĩnh vực an toàn, an ninh mạng. Hầu hết các quốc gia phát triển về công nghệ đều đã triển khai các chương trình tương tự qua nhiều hình thức khác nhau và gần như các công ty lớn trên thế giới đều đã tham gia vào.
Các nền tảng Bug Bounty nổi tiếng trên thế giới có thể kể đến hackerone.com và bugcrowd.com. Tại Việt Nam, trước BugRank cũng có 2 nền tảng Bug Bounty đang hoạt động là safevuln.com của Công ty An ninh mạng Viettel và whitehub.net/ của Công ty CyStack Việt Nam.
Vân Anh