Nở rộ dịch vụ học hộ, thi hộ trên mạng xã hội
Do dịch Covid-19, các trường đang phải dạy học, thậm chí tổ chức thi học kỳ, học phần, thi tốt nghiệp hay bảo vệ khoá luận tốt nghiệp theo hình thức trực tuyến. Vấn đề tiêu cực, gian lận thi cử cũng theo đó mà phát sinh.
Trên mạng xã Facebook đã xuất hiện hàng loạt hội nhóm mang tên “Hỗ trợ sinh viên học tập - Làm bài”, “Hỗ trợ - Giúp đỡ học tập”, “Hỗ trợ học tập”... thu hút hàng nghìn thành viên tham gia. Số lượng thành viên tăng lên nhanh hơn trong những ngày cuối năm khi sinh viên các trường chuẩn bị thi kết thúc môn học bằng hình thức trực tuyến.
N.V.T. (một sinh viên tại Hà Nội) đã đăng bài trên nhóm “Hỗ trợ học tập” để tìm người thi giúp mấy môn kiến thức chung như Lý luận Mác - Lênin, tiếng Anh với giá 300 nghìn đồng/buổi. Nếu điểm cao sẽ thưởng thêm 100 nghìn còn nếu điểm dưới 6 phải hoàn tiền.
T. cũng cho biết hiện nay việc thuê người học hộ, thi hộ là phổ biến và em biết đến nhóm này cũng là do một sinh viên khóa trên mách cho.
Dưới bài viết của T. có rất nhiều người vào nhận làm bài thi hộ sinh viên này.
Ngang nhiên tìm người thi hộ |
Thực tế, việc tìm người học thuê, thi thuê lâu nay đã xuất hiện nhan nhản trên các trang mạng xã hội. Các mức giá thi hộ, làm tiểu luận dao động trong khoảng vài trăm nghìn đồng.
Để tránh bị lộ thông tin cá nhân, đa số thành viên tham gia các nhóm tìm người thi hộ đều không công khai danh tính mà dùng nick ảo để tránh bị phát hiện.
Trong một nhóm có hơn 17.000 thành viên tham gia cũng có hoạt động tương tự với việc thỏa thuận giá cả học hộ, thi hộ diễn ra công khai. Có trường hợp mới sinh viên năm nhất đã cần thuê người thi hộ qua môn.
Trường đại học làm gì để chống gian lận?
Theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Cương - Trưởng phòng khảo thí, Đại học Lâm nghiệp, để đảm bảo công bằng minh bạch cho kỳ thi, nhà trường đã thay đổi nhiều hình thức thi.
Hiện tại, ĐH Lâm nghiệp áp dụng 3 hình thức thi. Hai hình thức đầu là nộp tiểu luận/ bài tập lớn và thi vấn đáp. Hình thức thi cuối cùng là thi trực tuyến trên phần mềm.
Với hình thức nộp tiểu luận, sinh viên gửi bài theo hình thức trực tuyến. Còn với thi vấn đáp, giảng viên sẽ tham gia hỏi, đề được bốc ngẫu nhiên, toàn bộ quá trình thi được ghi âm, ghi hình nên gian lận gần như không có.
Trong suốt quá trình diễn ra thi, mỗi phòng thi sẽ có 2 giám thị bao quát toàn bộ sinh viên. Khi sinh viên vào thi trực tuyến phải có 2 thiết bị, một thiết bị chiếu thẳng mặt, một máy chiếu toàn cảnh ngồi làm bài và phải bật camera và bật mic để kiểm soát trong quá trình thi.
"Phần mềm sẽ hỗ trợ tính năng chống gian lận như cảnh báo khi người thi mở trình duyệt khác và tự động chụp màn hình của thí sinh vào nhiều thời điểm ngẫu nhiên và lưu hệ thống. Như vậy, sinh viên thoát ra hoặc truy cập tài liệu trong quá trình thi nhiều khả năng sẽ bị phát hiện", thầy Cương nhấn mạnh.
Đối với các sinh viên ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, Trường ĐH Lâm Nghiệp sẽ hoãn thi và có thể linh hoạt trong các đề mở để khắc phục khó khăn về đường truyền.
Về vấn đề chống gian lận thi cử, Tiến sĩ Trần Mạnh Hà - Trưởng phòng Đào tạo Học viện Ngân hàng cho biết, hiện trường áp dụng 4 hình thức thi để hạn chế tối đa những gian lận. Khi nộp tiểu luận, sinh viên gửi bài theo hình thức trực tuyến, còn với thi vấn đáp, hai giảng viên sẽ tham gia hỏi, đề được bốc ngẫu nhiên, toàn bộ quá trình thi được ghi âm, ghi hình nên gian lận là không có.
Ngoài ra còn thi viết tự luận, tức thí sinh làm bài ra giấy trước sự giám sát trực tuyến từ cán bộ coi thi. Ở những môn thi theo hình thức này, giảng viên sẽ chuẩn bị ngân hàng câu hỏi đủ lớn để bộ phận khảo thí bốc ngẫu nhiên.
Trong quá trình thi, 30 sinh viên một phòng được giám sát bởi hai cán bộ, các em phải bật camera và micro. Khi nộp bài, sinh viên scan bản viết tay. Trường sẽ hậu kiểm ngẫu nhiên, đối chiếu chữ viết tay với các bài thi trước đó và với tờ khai sinh viên khi vào trường. Nếu có dấu hiệu bất thường, trường có chế tài xử lý, ví dụ đình chỉ học tập 1 năm.
Hình thức cuối cùng là thi online trên phần mềm trực tuyến, đây là phần mềm có thể thi cả trắc nghiệm và tự luận và có tính năng chống gian lận như cảnh báo khi người thi mở trình duyệt khác, tự động chụp màn hình của thí sinh vào nhiều thời điểm ngẫu nhiên và lưu hệ thống.
Trải qua hai đợt thi online vào năm ngoái và đang ở đợt thi thứ ba, nhà trường chưa phát hiện sinh viên thi hộ. Tuy nhiên, những sự cố trong quá trình thi như rớt mạng, đột ngột camera hỏng hay scan bài gửi lên hệ thống không đủ thời gian quy định vẫn xảy ra.
Hoàng Thanh