Tìm đường 'giải cứu' cho thanh long

THANH PHƯỢNG (tổng hợp)| 04/01/2022 17:56

Nhiều doanh nghiệp chung tay hỗ trợ tiêu thụ thanh long cho người nông dân. Nhiều giải pháp tìm hướng khác để xuất khẩu thanh long cũng được triển khai.

Hiện nay, phần lớn trái thanh long của tỉnh Bình Thuận, Long An,… vẫn chủ yếu được xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc và qua đường tiểu ngạch, tiềm ẩn nhiều rủi ro, khiến người nông dân trồng thanh long dễ lâm vào tình cảnh được mùa rớt giá.

Nhiều doanh nghiệp hỗ trợ “giải cứu” thanh long. Ảnh: Tấn Thanh

Doanh nghiệp hỗ trợ tiêu thụ thanh long

Đại diện hệ thống siêu thị GO!, Big C, Tops Market và go! thuộc tập đoàn Central Retail ngày 4/1 cho hay đã triển khai chương trình đồng hành cùng nông dân, đẩy mạnh tiêu thụ trái thanh long. Theo đó, khi mua sắm tại hệ thống siêu thị Big C, GO! và Tops Market, go!, người tiêu dùng sẽ có thể lựa chọn những trái thanh long chất lượng, được thu mua trực tiếp từ hộ nông dân và Hợp tác xã, đảm bảo chất lượng tươi ngon vừa có giá bán tốt (giá bán ngày 4/1/2022, thanh long ruột đỏ tại GO!, Big C miền Nam là 12.900 đồng/kg, và tại khu vực Hà Nội là 15.900 đồng/kg).

Hệ thống bán lẻ của Central Retail cho hay còn chế biến ra các món đồ ăn, thức uống từ trái thanh long như: ánh mì thanh long, thạch thanh long, sinh tố thanh long, nước ép thanh long, bánh bông lan từ thanh long,... để cung cấp cho người tiêu dùng. Dự kiến, ngay trong tuần đầu tiên áp dụng chương trình, các siêu thị của Central Retail sẽ tiêu thụ khoảng 20 tấn thanh long, và sẽ nâng dần sản lượng tiêu thụ căn cứ vào sức mua đang tăng mạnh từng ngày, dịp cuối năm.

Nền tảng bán hàng cộng tác viên Cuccu.vn cho hay hiện đã tiêu thụ được 21 tấn thanh long cho doanh nghiệp xuất khẩu bị ùn ứ tại Lạng Sơn. Các sàn Vỏ Sò, Postmart cũng đang khởi động hỗ trợ vận chuyển nông sản cho tỉnh này.

Với 2 doanh nghiệp bưu chính Vietnam Post và Viettel Post, mặc dù mới nhận được đề nghị của Lạng Sơn, tuy nhiên 2 đơn vị đều đang xúc tiến các hoạt động để tham gia hỗ trợ tiêu thụ nông sản bị ùn ứ các cửa khẩu ở địa phương này.

Dự kiến, việc hỗ trợ sẽ được Vietnam Post và Viettel Post, 2 đơn vị chủ quản các sàn thương mại điện tử Vỏ Sò và Postmart triển khai theo 2 phương án. Với nông sản đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, 2 đơn vị sẽ hỗ trợ đưa lên sàn để bán tới người tiêu dùng toàn quốc. Bên cạnh đó, Vietnam Post và Viettel Post cũng sẽ hỗ trợ vận chuyển với chi phí ưu đãi. Ngoài ra, với thế mạnh về mạng lưới rộng, 2 doanh nghiệp có thể mở các điểm bán trực tiếp nông sản tại các địa phương để hỗ trợ khâu tiêu thụ tại địa bàn.

Thông tin từ tỉnh Lạng Sơn cho hay, ngay trong ngày 30/12, đã có 2 container với tổng sản lượng hơn 40 tấn được Viettel Post vận chuyển về Hà Nội tiêu thụ. Với Vietnam Post, đơn vị này đang tiếp xúc với các chủ hàng để khảo sát và có phương án chi tiết hơn.

Ngày 4/1, Thành đoàn Kon Tum (Kon Tum) cho biết vừa phối hợp cùng công ty 4ways Việt Nam hỗ trợ tiêu thụ 1.000 thùng thanh long Bình Thuận. Để hỗ trợ nông dân, công ty 4ways Việt Nam đã liên hệ nhà xe chở thanh long về Kon Tum để hỗ trợ tiêu thụ. Chỉ trong hai ngày 3 và 4/1, đã có hơn 1.000 thùng thanh long với tổng khối lượng khoảng 20 tấn, trị giá 90 triệu đồng được người dân chung tay cứu trợ.

Tìm đường khác để thanh long “xuất ngoại”

Dù phía Trung Quốc thông báo ngừng nhập thanh long Việt Nam trong dịp Tết và “công bộ” đang tắc ở các cửa khẩu phía Bắc nhưng tại Long An có một doanh nghiệp rục rịch xuất khẩu thanh long bằng “công biển”.

Theo Sở Công Thương tỉnh Long An cho biết doanh nghiệp này sẽ đưa thanh long đi bằng “công biển”. Vì đây là một lối thoát cho thanh long của tỉnh này khi vụ thu hoạch đang đến gần.  Hiện, doanh nghiệp đang phối hợp với cảng Long An để xuất thanh long bằng “công biển”. Doanh nghiệp sẽ thuê công rỗng xuống tận địa phương mua thanh long, Sở Công Thương tỉnh Long An cho hay.

Trước mắt, các doanh nghiệp thanh long tỉnh Bình Thuận sẽ tìm đến giải pháp chuyển hướng sang xuất khẩu qua đường biển, cùng với tìm thị trường mới như châu Âu và Mỹ; đầu tư sang chế biến sau thu hoạch như thanh long sấy và những sản phẩm khác, Sở Công Thương Bình Thuận cho hay.

Trung Quốc hiện đang ngừng nhập khẩu mặt hàng thanh long của Việt Nam từ ngày 29/12, khiến hàng nghìn tấn nông sản chưa có đầu ra, nhà vườn đứng ngồi không yên. Theo ghi nhận mới nhất, thanh long đang vào mùa thu hoạch, tại các nhà vườn trái chín đỏ rực thậm chí có trái nứt nẻ nhưng không có bóng dáng thương lái đến thu mua.

Tại huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang được xem là thủ phủ thanh long lớn nhất tỉnh với 7.419 ha thanh long, đạt năng suất 25-30 tấn/ha. Nông dân trên địa bàn tỉnh đang vào mùa thu hoạch thanh long nghịch vụ nhưng thương lái không mua hoặc chỉ mua với số lượng ít vì không thể xuất khẩu sang Trung Quốc. Hiện tại các vườn, giá thanh long chỉ còn 4.000-5.000 đồng/kg. Khoảng 3 tháng trước giá thanh long loại nhất phải từ 17.000-20.000 đồng/kg.

Hiện nay, cùng với việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, các ngành chức năng của tỉnh Tiền Giang và huyện Chợ Gạo đang triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ nông sản cho nông dân, trong đó có trái thanh long, nhằm thực hiện tốt mục tiêu vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang cho hay.

Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn) cho biết, từ tháng 1 – 3/2022, các tỉnh trồng thanh long như Bình Thuận, Long An, Tiền Giang sẽ thu hoạch khoảng 300.000 tấn thanh long.

Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn)

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tìm đường 'giải cứu' cho thanh long
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO