TikTok và Douyin: Khán đài cho người hâm mộ tại Thế vận hội Tokyo 'không khán giả'

Lan Phương| 06/08/2021 09:48

Baoquocte.vn. Mạng xã hội đã trở thành những khán đài cho người hâm mộ khi Thế vận hội mùa Hè Tokyo 2020 phải tổ chức không khán giả do tác động của đại dịch Covid-19.

Tiktok và Douyin: Khán đài cho người hâm mộ tại Thế vận hội Tokyo không khán giả
Tài khoản TikTok của thợ lặn người Australia Sam Fricker có hơn 1,1 triệu người theo dõi. (Nguồn: SCMP)

“Ngôi sao” thể thao và mạng xã hội

Khi vận động viên môn lặn người Australia Sam Fricker đến Tokyo tham dự Thế vận hội, anh đã có hơn 600.000 người theo dõi và 20,4 triệu lượt thích trên TikTok.

Chỉ hơn một tuần sau đó, lượng người theo dõi của vận động viên 19 tuổi đã tăng gần gấp đôi nhờ các video ghi lại cảnh tập luyện, nói chuyện với người hâm mộ và thưởng thức chocolate trong nhà ăn của làng vận động viên.

Tilly Kearns, vận động viên bóng nước của đội tuyển Australia, cũng nhận được sự quan tâm trên các mạng xã hội.

Anh nổi tiếng nhờ chia sẻ video trên TikTok và Instagram về đồ ăn và những chiếc giường làm từ bìa cứng mà một số người dùng mạng xã hội cho là để ngăn chuyện "giường chiếu" của những vận động viên tham gia Thế vận hội.

Một trong những video của Kearns ghi lại cảnh phòng ăn của các vận động viên đã thu hút được 10 triệu lượt xem.

Trong thời đại dịch Covid-19, khi mà Thế vận hội khán giả không được phép đến xem, các vận động viên như Fricker và Kearns đã sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để chia sẻ những trải nghiệm với gia đình, người hâm mộ và bạn bè, cũng như xây dựng thương hiệu cá nhân.

Không chỉ các vận động viên, mà cả huấn luyện viên, cũng trở thành những “ngôi sao” trên mạng xã hội Douyin.

Huấn luyện viên bóng bàn người Trung Quốc Liu Guoliang đã thu hút được 3,5 triệu người theo dõi và 4,6 triệu lượt thích, mặc dù người dùng này chỉ có 20 bài đăng trên Douyin kể từ tháng 2/2018.

Video anh Liu đánh ba quả bóng cùng một lúc, hoặc đánh một cú bóng qua khe hẹp đã truyền cảm hứng cho những thử thách bắt chước đang thịnh hành trên nền tảng này.

Huấn luyện viên Liu cũng sử dụng Douyin để cảm ơn người hâm hộ đã giúp đỡ và cứu trợ sau trận lũ lụt ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc.

Hai khán đài lớn của Thế vận hội không khán giả

Bên cạnh Instagram, TikTok và Douyin đã chứng minh được sức ảnh hưởng lớn lao của mình.

Trên cả hai nền tảng, các vận động viên Olympic đã nhận được hàng triệu lượt xem và lượt thích trên mỗi video - mức độ hiển thị vượt trội so với Thế vận hội 2016 ở Rio.

Các ứng dụng TikTok và Douyin do tập đoàn ByteDance sở hữu đã bùng nổ và phổ biến trên toàn thế giới vào năm 2020, nhờ hàng triệu người dùng chia sẻ trải nghiệm cá nhân trong thời gian phải cách ly vì dịch bệnh kéo dài.

Ra mắt vào năm 2017, TikTok đã phá vỡ kỷ lục 315 triệu lượt tải xuống trong quý đầu tiên của năm 2020 và thêm 120 triệu lượt tải chỉ riêng trong tháng 4/2020. Hiện tại, mạng xã hội video này có 1 tỷ người dùng đang hoạt động.

Douyin, được ra mắt vào tháng 9/2016 - một tháng sau Thế vận hội Rio, đã được tải xuống 600 triệu lần.

Định dạng của TikTok và Douyin, vốn cho phép người dùng chia sẻ các video ngắn, đã giúp kết nối vận động viên với người hâm mộ.

Vận động viên - những người không được phép rời khỏi làng vận động viên trừ khi thi đấu - có thể sử dụng hai mạng xã hội này để đưa hình ảnh cá nhân ra khắp thế giới.

Còn những người hâm mộ lại được cung cấp những góc nhìn về cuộc sống, quá trình tập luyện và con đường đến vinh quang của các vận động viên.

Sáng - tối trên mạng xã hội

Mặc dù các ứng dụng đã giúp mang lại cái nhìn sâu sắc chưa từng có về cuộc sống của hơn 11.000 vận động viên tại Thế vận hội, nhưng đồng thời chúng cũng làm nổi lên một số mặt tối.

Khi các sân vận động phần lớn không có khán giả, thì vô số “bình luận viên” vô danh đã được hiện thị trên mạng xã hội.

Vận động viên bóng bàn Nhật Bản Jun Mizutani đã trở thành mục tiêu của vấn nạn lạm dụng trực tuyến và bắt nạt trên mạng sau chiến thắng giành huy chương vàng trước Trung Quốc trong trận chung kết đôi nam nữ. Một số người dùng cáo buộc anh và đồng đội đã phạm luật.

Cung thủ Hàn Quốc An San cũng phải chịu sự chỉ trích từ phía những người dùng về kiểu tóc ngắn của cô.

Nhưng các nền tảng này cũng có tác dụng tích cực, trở thành nơi để người hâm mộ ủng hộ tinh thần các vận động viên, như vận động viên thể dục dụng cụ người Mỹ Simone Biles và vận động viên lặn người Trung Quốc Shi Tingmao.

Cả hai gần đây đều đã mở lòng về cuộc đấu tranh cá nhân của họ.

Vận động viên Shi Tingmao - người đã giành huy chương vàng ở cả nội dung cá nhân và đồng đội 3m - tiết lộ rằng, cô đã gần như bỏ lặn hoàn toàn sau cuộc "vật lộn" với chứng trầm cảm.

Trong khi đó, Simone Biles đã rút khỏi một số nội dung thi đấu vào tuần trước với lý do bảo vệ sức khỏe tinh thần.

Sau quyết định của Biles, nhiều người hâm mộ đã đăng bài trên TikTok để ủng hộ và động viên tinh thần cho cô.

Một người dùng bình luận: “Thi đấu trong một không gian tinh thần tồi tệ có thể dẫn đến chấn thương tinh thần hoặc thể chất. Tôi rất vui vì cô ấy đang làm những gì tốt nhất cho bản thân”.

Lời động viên của người dùng này sau đó đã nhận được hơn 6.000 lượt thích.

Có rất nhiều thông điệp ấm áp đã giúp xóa bỏ phần nào những suy nghĩ tiêu cực.

Bài đăng Douyin gần đây nhất của vận động viên bóng bàn Trung Quốc Liu Shiwen vào ngày 16/7 - trước khi Thế vận hội bắt đầu, đã nhận được nhiều bình luận tích cực và khích lệ sau khi cô gái 30 tuổi thua trận tranh huy chương vàng trước Nhật Bản vào tuần trước trong trận đấu đôi nam nữ.

Một người dùng viết: “Đừng xin lỗi bất cứ ai! Bạn đã cố gắng hết sức. Chúng tôi không làm gì khác ngoài việc chia sẻ niềm vui vinh quang của các bạn. Có một điều chúng tôi muốn nói với bạn, đó là 'cảm ơn!'".

Bài liên quan
  • Đau đáu đóng góp cho quê nhà
    Ở Đài Loan (Trung Quốc) có một phụ nữ Việt Nam luôn hướng về quê hương, luôn dành trọn vẹn tâm huyết để vun đắp mối quan hệ hữu nghị, phát triển của 2 cộng đồng
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
TikTok và Douyin: Khán đài cho người hâm mộ tại Thế vận hội Tokyo 'không khán giả'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO