Với sự phát triển quá mạnh, TikTok trở thành mảnh đất màu mỡ để giới showbiz cật lực khai thác. Không khắt khe về nội dung, mạng xã hội hấp dẫn nhiều nghệ sỹ vì đây là nơi giúp họ đưa sản phẩm của mình tiếp cận nhanh nhất tới khán giả mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, sự lan toả quá nhanh này đôi khi lại như con dao 2 lưỡi đối với nhiều nghệ sỹ.
Khi nghệ sỹ ra nhạc để "làm hài lòng" TikTok
Sự bùng nổ và khả năng lan truyền nhạc nhanh chóng của TikTok khiến nhiều nghệ sỹ Việt chạy theo nó để quảng bá sản phẩm. Đây cũng chính là nơi khiến nhiều sản phẩm nghệ thuật bị bóp méo.
Trước khi TikTok bùng nổ, nghệ sỹ phải làm việc chăm chỉ và sáng tạo để tạo ra ca khúc, hòa âm và bản nhạc hoàn chỉnh, chất lượng. Quá trình đó có thể kéo dài một tháng hoặc nhiều tháng trời. Nhưng giờ đây, với TikTok, họ chỉ cần tạo ra clip 15 giây là đã có thể làm hài lòng khán giả; càng có lợi nếu giai điệu trong 15 giây đó thật sôi động, phù hợp để thực hiện vũ đạo.
Với xu hướng làm nội dung ngắn, các bài hát muốn thành công phải có giai điệu bắt tai. Điều này kéo theo sự lên ngôi của những sản phẩm được làm theo kiểu “mỳ ăn liền”, không được đầu tư một cách bài bản và hoàn chỉnh. Đó chỉ là những đoạn riêng biệt dễ "lên" thành xu hướng.
See tình của Hoàng Thuỳ Linh là một minh chứng rõ ràng nhân cho thấy sức mạnh của TikTok. Ca khúc nhanh chóng gây bão toàn cầu. Tuy nhiên phân đoạn được chú ý của ca khúc này chỉ là đoạn nhạc ngắn được remix lại. Phần lời này cũng được chỉnh tốc độ khá nhanh, khiến cho chúng đôi khi nghe không rõ về mặt ngôn ngữ. Đây chính là một lợi thế lớn giúp cho chúng nổi bật ở thị trường quốc tế khi khán giả không cần quá chú trọng về ca từ. Có lẽ vì lẽ đó nên dù See tình có gây sốt nhưng cái tên Hoàng Thuỳ Linh cũng chưa được chú ý nhiều ở quốc tế.
Cũng bởi sự bùng nổ và khả năng lan truyền bản nhạc nhanh chóng nên nhiều nghệ sỹ Việt chạy theo TikTok để quảng bá sản phẩm. Ca khúc Chạy về khóc với anh vốn được Erik phát hành với chất pop và chưa được nhiều khán giả đón nhận. Khi bản remix được lan truyền trên TikTok, ca khúc mới trở nên nổi tiếng. Kể từ đó, Erik sử dụng bản remix để biểu diễn.
Sau đó, ca khúc càng được biết đến nhiều hơn do được ghép vào câu nói tục tĩu của một hot TikToker. Tuy nhiên với Erik, sự gia tăng độ nổi tiếng này lại là tai vạ. Nam ca sĩ phải lên tiếng xin lỗi khi khán giả hô theo những câu từ phản cảm này trong một chương trình lớn mà anh biểu diễn.
Tương tự, ngoài Sau lưng anh có ai kìa phiên bản ballad, Thiều Bảo Trâm tung thêm bản remix để bắt kịp xu thế. Cô cũng làm video vũ đạo dựa trên bản remix của ca khúc vốn chỉ để phát hành trên TikTok. Nhiều khán giả bày tỏ sự khó hiểu và ngán ngẩm khi một ca khúc buồn, đầy tâm trạng bỗng chốc biến thành bản nhạc sôi động cho khán giả nhún nhảy.
Hay như Hương của Văn Mai Hương cũng từng không mấy khá khẩm khi phát hành nhưng lại là "con quái vật" trên xu hướng nhờ quảng bá ở TikTok.
Và theo xu thế, hàng loạt ca khúc nhảm nhí ra đời trong năm qua với ca từ vô nghĩa, mục đích chỉ để "phục vụ" cho TikTok. Thậm chí là nhiều ca sỹ có tên tuổi đã chạy theo xu hướng này để cho ra đời những ca khúc bắt kịp trend.
Tất cả đứng im đánh dấu sự trở lại của Ngô Kiến Huy sau một năm im ắng, thuộc thể loại nhạc dance. Ca khúc này là một sáng tác của nhạc sỹ RIN9, nội dung là lời chất vấn của chàng trai khi phát hiện người mình yêu đang lừa dối. Tuy giai điệu bắt tai, phần thông điệp của ca khúc lại chẳng mang lại ý nghĩa gì ngoài câu: "Tất cả đứng im, không được nhúc nhích" được "nhai đi nhai lại". Câu điệp khúc này sau đó tràn lan trên các trang mạng xã hội để dân tình tạo trend nhảy nhót theo.
Ừ! Thì em xin lỗi của Hoàng Yến Chibi cũng là sản phẩm đánh dấu sự trở lại của cô sau 3 năm im ắng. Phần nhạc dễ nghe, nhưng ca từ bị phần lớn khán giả chỉ trích là nhảm nhí và vô nghĩa. Nữ ca sỹ nỗ lực PR bằng cách đưa ca khúc lên TikTok nhằm tạo trend, nhưng lại nhận về phản ứng ngược. Ngoài câu hát: "Anh muốn xin lỗi á, không dễ đâu anh" gây đau đầu, ca khúc chẳng đọng lại gì cho người nghe.
Chi Pu ra loạt MV được đầu tư mạnh tay về hình ảnh, tiết tấu bắt tai và tạo được trend trên TikTok nhưng ca từ lại nông cạn, thậm chí có phần dung tục. Lời bài hát của Sashimi với những câu: “Sashimi kimochi/ Đồ ăn phải ngon thì anh mới thèm/ Phải tươi thật tươi thì anh mới quay lại” từng trở thành tâm điểm chỉ trích của dư luận.
"Bóp méo" ca khúc để chiều lòng TikTok
Nhận thấy tiềm năng của TikTok trong việc tiếp cận khán giả, nhiều nghệ sỹ đã tung ra các sản phẩm remix một cách ồ ạt. Thậm chí phải bằng mọi cách tạo nên một vài câu hát có giai điệu bắt tai, dài khoảng mấy chục giây theo quy định của TikTok.
Công thức chung để các ca khúc dễ dàng lên xu hướng trên TikTok sẽ là remix (hoặc tua nhanh) đi kèm là những trend như vũ đạo, biến hình,... Từ đó dẫn đến sự nhàm chán và một màu trong tất cả các bản nhạc trên TikTok. Chưa kể, những đoạn nhạc này còn được dùng vào những đoạn clip phản cảm một cách không kiểm soát.
Chia sẻ với phóng viên VTC News về xu hướng sáng tác nhạc để bắt trend TikTok, nhạc sỹ Nguyễn Văn Chung nhận định: "Việc các nhạc sĩ trẻ thay đổi gu sáng tác để có tập khách hàng riêng là không sai. Giới trẻ hiện nay chính là đối tượng khán giả chính. Thay đổi thế nào để hợp xu hướng là lựa chọn của mỗi nhạc sĩ. Có thể khi lựa chọn thay đổi để đáp ứng thị hiếu khán giả, họ vô tình đánh mất đi điều có giá trị đối với mình, nhưng đôi khi lại đem lại giá trị cho người mình phục vụ".
"Là nhạc sỹ, tôi vẫn muốn có những ca khúc được yêu thích, lan toả rộng rãi. Tôi cũng đang suy nghĩ đến việc thay đổi xu hướng theo cái khán giả thích, nhưng phải cân bằng giữa xu thế và cái tôi của mình trong nghệ thuật. Điều quan trọng là cái chất riêng trong sáng tác của mình vẫn không được để mất", nhạc sỹ nói.
Nam nhạc sỹ cho rằng một bài hát phải đẹp từ giai điệu đến ca từ, đẹp từ nội dung ý nghĩa đến cả tựa đề, đó mới là sự hoàn mỹ. Người sáng tác phải miêu tả cái đẹp, tôn vinh cái đẹp, giữ gìn cái đẹp. Theo anh, việc đánh giá thế nào là một sản phẩm thành công phụ thuộc vào tiêu chí khác nhau của mỗi nghệ sỹ. Có những ca sỹ chỉ cần lên Top 1 Trending đã coi là thành công, nhiều người khác cho rằng thành công là được khắc sâu trong tim khán giả, được giới chuyên môn đánh giá cao.
"Với cương vị là một nhạc sỹ, để được gọi là một bài hát thì phải có cả nội dung lẫn giai điệu. Một bài hát hay thì cần có thêm cảm xúc, sống lâu trong lòng khán giả. Với tôi, một sáng tác hay là sẽ được nghe đi nghe lại trong mỗi năm, tác động mạnh mẽ tới tâm hồn mỗi người chứ không phải chỉ gây sốt nhất thời trong thời điểm nào đó. Âm nhạc là phải đẹp từ ca từ, giai điệu đến nội dung, thậm chí cả cái tên bài hát. Dù thể loại nhạc nào cũng cần phải có giá trị nhân văn, tính nghệ thuật", tác giả Nhật ký của mẹ nói.
Khi âm nhạc chạy theo xu hướng TikTok cũng đẩy các nghệ sỹ chân chính vào cuộc chơi không công bằng. Tâm lý muốn sản phẩm của mình được nhiều khán giả biết đến là điều mà bất kỳ nghệ sỹ nào cũng mong muốn. Tuy nhiên, người nghệ sỹ cũng cần phải tỉnh táo để cân bằng giữa những trào lưu mang tính nhất thời với chất lượng các sản phẩm. Hãy tìm cách để cả sản phẩm của mình chinh phục khán giả, chứ không chỉ là 15 giây trên mạng xã hội.