Tik Tok và tham vọng toàn cầu có nguy cơ bị chặn đứng

17/07/2020 14:20

Các quốc gia phải mất rất nhiều năm mới có thể chuyển trạng thái từ nghi ngờ vấn đề an ninh đi tới cấm Huawei tham gia các mạng 5G. Tuy nhiên, sự chuyển trạng thái đối với trường hợp Tik Tok chỉ tính theo tháng, thậm chí theo tuần.

Tuần này so với tuần trước, hoặc tuần trước nữa, Tik Tok đã chuyển sang thái cực hoàn toàn khác, thậm chí bị cấm.

1. Khi Ấn Độ cấm Tik Tok cùng với 58 ứng dụng di động khác của Trung Quốc cho dù với lí do được đưa ra là "an ninh quốc gia" thì cũng không khó để hiểu rằng lệnh cấm này bị tác động rất mạnh từ vụ đụng độ tại biên giới hai nước ở thung lũng Galwan, vùng Ladakh, nơi cả Ấn Độ và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền.

Cuộc đụng độ dẫn đến 20 binh sĩ Ấn Độ tử vong. Đó là nỗi đau, khiến người dân Ấn phẫn nộ dẫn đến làn sóng tẩy chay hàng Trung Quốc. Chính quyền chịu sức ép không nhỏ, lệnh cấm được đưa ra như một sự trả đũa cho cái chết của 20 binh sĩ, và cũng giúp xoa dịu dư luận Ấn Độ tại thời điểm đó.

Chính vì thế, các phát ngôn từ phía Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau đó về lệnh cấm này không cho thấy sự phản ứng quá gay gắt. Trung Quốc đang cần thị trường Ấn Độ hơn bao giờ hết trong bối cảnh thương chiến với Mỹ suốt hai năm qua. Ấn Độ cũng là nơi các sản phẩm công nghệ Trung Quốc như Xiaomi, Tik Tok… đã chiếm lĩnh thị trường vài năm trở lại đây. Mặt khác, lệnh cấm tại Ấn Độ vẫn được hiểu là có tính chất giải quyết tình huống. Và nó có thể cải thiện, thay đổi khi tranh chấp, đụng độ biên giới lắng xuống, mối bang giao hữu hảo quay trở lại, đặc biệt là mối quan hệ về kinh tế và đầu tư khá lớn giữa hai bên trong những năm qua.

Hơn nữa, việc cấm các ứng dụng Trung Quốc ở thị trường Ấn Độ có đến 1,35 tỉ dân là một lệnh cấm tự thân, riêng lẻ chỉ của Ấn Độ, chứ không phải bị tác động, lôi kéo bởi Mỹ.

2. Tuy nhiên, ở đời người tính không bằng trời tính. Sau lệnh cấm riêng lẻ của Ấn Độ đối với Tik Tok và nhiều ứng dụng Trung Quốc khác, sóng gió bắt đầu nổi lên mạnh mẽ hơn đối với ứng dụng này hơn bất cứ lúc nào hết từ trước tới nay.

Sóng gió ập lên đầu Tik Tok vẫn không khác gì so với kịch bản gây sóng gió đối với Huawei những năm qua. Vẫn là vấn đề được cho rằng xuất phát từ an ninh quốc gia, rằng ứng dụng Trung Quốc này thu thập dữ liệu người dùng, có thể là kênh tình báo Trung Quốc.v.v… Cho dù Tik Tok trong hai năm qua đã kịp "phân thân" thành hai ứng dụng nội địa Trung Quốc và hải ngoại, Tik Tok đã tiến hành đặt máy chủ tại Singapore, thậm chí thuê CEO người Mỹ với mục đích nhằm thể hiện tính minh bạch và ngày càng không dính dáng nhiều đến công ty mẹ ByteDance ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, "mẹ" vẫn là "mẹ", cái gốc của Tik Tok đến thời điểm này vẫn chưa thể thoát li khỏi ByteDance. Bởi chí ít, về mặt vốn đầu tư hay cổ phần, Tik Tok vẫn thuộc về ByteDance của Trung Quốc chứ chưa hề được pha loãng với trạng thái ByteDance chỉ nắm giữ một tỉ lệ cổ phần không đủ quyền chi phối để xua tan đi nỗi lo Tik Tok thu thập dữ liệu người dùng gửi về cho chính quyền Trung Quốc.

Và cái gốc đó, trong bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung mới tạm kí thỏa thuận xong giai đoạn 1, nhưng thay vào đó lại bùng nổ quá nhiều những căng thẳng khác tới mức những ứng dụng di động của Trung Quốc dễ bị chính trị chi phối cuốn vào vòng xoáy đang mỗi lúc một dâng lên cao trào giữa hai bên. Tik Tok, với tham vọng toàn cầu hóa và trên thực tế nó đã hiện thực hóa được một quãng đường khá dài về tham vọng đó, đang có nguy cơ bị chặn đứng khi Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo cho biết rằng chính quyền Tổng thống Donald Trump đang xem xét việc cấm TikTok và có thể cả các ứng dụng gốc gác Trung Quốc.

Dù chưa có lệnh cấm Tik Tok chính thức được chính quyền Tổng thống Trump đưa ra song thời gian qua, một số tổ chức thuộc chính quyền cũng như tư nhân, doanh nghiệp tại Mỹ cũng đã đưa ra lệnh cấm dùng Tik Tok, như lực lượng quân đội, ngân hàng Wells Fargo...

3. Tik Tok đã thành công khi đi vào thị trường ngách mà có lẽ "vua mạng xã hội video" YouTube cũng không ngờ: Phát kiến ra thể loại video ngắn 15 giây, nhảy nhót… Dần dà, clip ngắn trên Tik Tok không chỉ có nhảy nhót mà thêm những kiểu trạng thái, động tác.v.v… khác theo nhu cầu của người dùng mà đa phần là giới trẻ ở lứa tuổi teen.

Sự phát triển vũ bão của Tik Tok khiến cho YouTube cũng phải dè chừng và chạy theo bằng cách đã tung ra tính năng video ngắn 15 giây giống như đối thủ. YouTube lo lắng trước Tik Tok cũng là điều dễ hiểu. Bởi một khi lượng người dùng Tik Tok trên toàn cầu đủ lớn ngang hoặc thậm chí nhiều hơn YouTube, nó sẽ san sẻ bớt một phần người dùng và người xem trẻ từ YouTube. Và biết đâu, khi đã mạnh, Tik Tok cũng có thể lấn một phần sang "lãnh địa" video truyền thống của YouTube.

Câu chuyện này còn nằm ở tương lai và chưa thể đoán định được rõ ràng. Tuy nhiên có thể sòng phẳng nói rằng, từ nhiều mặt, Tik Tok đang gây lo lắng cho nhiều mạng xã hội lớn khác, các đối thủ cạnh tranh, và cả vấn đề an ninh, dữ liệu người dùng.

Chính quyền Mỹ có khả năng sẽ cấm Tik Tok nhưng ông Trump sẽ không dễ dàng lôi kéo các đồng minh và những nước phương Tây vào cuộc cấm cửa Tik Tok như đối với trường hợp Huawei. Bởi theo nghi án mới nhất phát hiện Tik Tok tự động quét dữ liệu clipboard trên điện thoại của người dùng, "đồng hành" còn có cả chục ứng dụng gốc gác của Mỹ cũng tự động quét dữ liệu như Tik Tok. Chính vì thế, chính quyền Trump chưa cho thấy rõ được một cơ sở thuyết phục "buộc tội" Tik Tok để từ đó có thể thuyết phục đồng minh và các nước phương Tây hưởng ứng theo.

Tuy nhiên, về dài hạn thì chưa biết thế nào. Việc tạo dư luận còn phụ thuộc vào cách truyền thông chớp thời điểm để lôi kéo. 5 năm về trước, nghi án về Huawei được nêu ra và bàn tán rồi vuột qua. Nhưng hai năm qua, câu chuyện đã chuyển trạng thái nhanh hơn và đi tới lệnh cấm được nhiều nước phương Tây và đồng minh của Mỹ ban hành.

Vậy thì Tik Tok, cũng chưa chắc là không trở thành một Huawei thứ hai…

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tik Tok và tham vọng toàn cầu có nguy cơ bị chặn đứng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO