Tiểu thương TP.HCM chuẩn bị thích nghi với tình hình mới

01/10/2021 11:38

TP.HCM đang có kế hoạch sau ngày 30/9 sẽ dần mở cửa các chợ truyền thống và chợ đầu mối.

Sau thời gian dài đóng cửa, nhiều tiểu thương ở TP.HCM rất muốn buôn bán trở lại và đang chuẩn bị các điều kiện để thích nghi với tình hình mới. Tuy nhiên, tiểu thương cũng lo lắng về chi phí xét nghiệm, kênh phân phối hàng hóa từ chợ đầu mối về chợ truyền thống chưa thông suốt...

Chi phí chi phí xét nghiệm, nỗi lo của tiểu thương 

Sau hơn 1 tháng tạm dừng hoạt động, chợ Đa Kao, Quận 1, TPHCM dự kiến sau ngày 1/10 sẽ hoạt động trở lại. Mấy ngày nay, nhiều tiểu thương ở đây đang chờ UBND TP cho phép mở cửa trở lại để chuẩn bị quầy sạp, kết nối các đầu mối mua- bán.  Ban quản lý chợ đang rà soát danh sách các tiểu thương đã tiêm vaccine đủ 2 mũi để  họ tham gia buôn bán. Đồng thời, yêu cầu tiểu thương bố trí lại các quầy sạp, đảm bảo khoảng cách từ 2 mét trở lên, có vách ngăn trong suốt, tránh tiếp xúc gần giữa người mua và người bán. Bước đầu, chợ dự kiến chỉ cho khoảng 50 tiểu thương kinh doanh trong tổng số hơn 300 tiểu thương tại chợ.

Chị Cúc bán thịt heo ở chợ Đa Kao kiến nghị: “Mình cũng đi ra xem ban quản lý chợ xem việc bố trị lại quầy sạp như thế nào để bán. Việc xét nghiệm 2-3 ngày lần/ thì tiền xét nghiệm như thế nào. Vì hôm trước xét nghiệm phí khoảng 238 ngàn đồng/người, nhà mình 4 người tham gia mua bán nếu trả phí xét nghiệm rất nhiều tiền, trong khi mới bán lại thì doanh thu chưa nhiều, không biết có đủ chi phí. Tiểu thương mong nhà nước hỗ trợ, giảm phí xét nghiệm, còn giấy đi đường thủ tục nên tạo thuận lợi, thông thoáng để mình giao hàng cho khách”.

Để đảm bảo phòng chống dịch bệnh, khi mở cửa hoạt động, chợ Đa Kao sẽ duy trì việc phát phiếu đi chợ để kiểm soát số người đến mua hàng, tránh tình trạng tập trung đông người . Ông Nguyễn Công Trí, Trưởng Ban quản lý chợ Đa Kao cho biết: “Thường người lớn tuổi hay đi chợ truyền thống nhiều, những người này ít sử dụng điện thoại thông minh để quét thẻ QR khai báo y tế vào chợ nên không làm được. Vì vậy, Ban quản lý chợ phải tổ chức khai y tế báo giấy, việc khai báo sẽ làm tốn thời gian, chậm và dồn người lại đông. Chợ sẽ phân luồng, thực hiện giãn cách chỉ cho 20-30 người vào chợ 1 lần xong rồi ra, tốp khác vào”.

Thích nghi với dịch bệnh để không phải đóng cửa chợ

Còn tại Quận 5, nơi tất cả 7 chợ truyền thống đều ngừng hoạt động, để chuẩn bị mở cửa các chợ, Phòng Kinh tế quận đã tổ chức các phiên chợ lưu động tại đường Trần Bình Trọng và Tản Đà phục vụ cho người dân tạm thời. Dự kiến, sau ngày 1/10, Quận 5 sẽ dần tổ chức cho 2 chợ truyền thống hoạt động trở lại, đó là Chợ Thực Phẩm 96 Hùng Vương ở phường 9 và Chợ Hòa Bình, phường 5.

Theo Phòng Quản lý kinh tế Quận 5 thì trước khi mở lại các chợ truyền thống thì Ban Quan lý các Chợ phải có phương án đảm bảo phòng chống dịch bệnh COVID-19.  Các chợ chuẩn bị cho tình huống thích với tình hình mới, khi chợ có F0 sẽ xử lý như thế nào để duy trì được hoạt động của chợ. Tránh tình trạng như trước đây, khi có vài F0 thì đóng cửa cả chợ.

Ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng Phòng Kinh tế Quận 5 cho biết: Trước khi mở cửa các chợ, Phòng Kinh tế Quận 5 và các cơ quan chức năng sẽ kiểm tra đảm bảo điều kiện an toàn phòng chống dịch bệnh mới cho hoạt động. “Trước khi mở lại chợ,  Ban quản lý các chợ phải có các phương án nếu khi xảy ra tình huống F0 thì xử lý như thế nào để không phải  cứ co F0 thì phải  đóng cửa chợ nữa. Mình kiểm tra test nhanh, khoanh vùng như thế nào khu vực nào an toàn thì mình vẫn tiếp tục cho mở chợ, còn khu vực nào không an toàn và có ca nhiễm thì khoanh vùng lại”, ông Dũng nói.

Chợ truyền thống mở cửa thì chợ đầu mối mới tiêu thụ được hàng

Hiện nay, TP.HCM chỉ có khoảng 30 chợ truyền thống đang hoạt động (trong tổng số 234 chợ truyền thống). Riêng 3 chợ đầu mối thì vẫn chưa hoạt động trở lại mà chỉ tổ chức điểm trung chuyển hàng hóa với khoảng 300 tấn thực phẩm tươi sống/ngày đêm... Nhiều thương nhân chợ đầu mối cũng mong muốn sớm được buôn bán trở lại. Nhưng muốn như vậy thì các truyền thống phải mở cửa trước, vì đây là kênh tiêu thụ, phân phối hàng hóa chủ yếu của các chợ đầu mối.

Các chợ đầu mối cũng xây dựng phương án cho chợ hoạt động trở lại sau ngày 30/9 và chờ cơ quan chức năng thẩm định, phê duyệt. Bà Nguyễn  Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết: Sở sẽ phối hợp với các quận, huyện, cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra chặt chẽ việc đáp ứng các điều kiện về an toàn phòng, chống dịch và đánh giá các nguy cơ, khả năng kiểm soát trước khi đưa vào hoạt động của các chợ đầu mối trên địa bàn.

“Sở Công thương đã đề nghị UBND TP.Thủ Đức cũng như các quận, huyện có rà soát, xây dựng phương án hoạt động chợ phù hợp trong điều kiện hoạt động an toàn. Sở sẽ tổ chức, rà soát đánh giá tình hình cung ứng lương thực, thực phẩm trên địa bàn thành phố, xây dựng các mô  hình hoạt động bền vững hơn trong tình hình sắp tới”, bà Ngọc chia sẻ.

Chợ truyền thống và chợ đầu mối cung cấp khoảng 75% nhu cầu lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân Thành phố. Thời gian qua, gần 90% chợ đóng cửa làm tê liệt hệ thống bán lẻ truyền thống. Việc khôi phục lại các chợ là nhu cầu cấp thiết. Thực tế, việc khôi phục này sẽ gặp không ít khó khăn nên cần từng bước thận trọng, vừa mở cửa hoạt động vừa đảm bảo phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, các chợ phải luôn có phương án thích nghi tốt với dịch bệnh để khi có F0 thì xử lý nhanh và duy trì được hoạt động, không để chợ lại phải đóng cửa./.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tiểu thương TP.HCM chuẩn bị thích nghi với tình hình mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO