Vũ công Thái Lan trong buổi biểu diễn ở Bangkok. Ảnh: AFP |
Thư ký thường trực Bộ Y tế công cộng Thái Lan Kiattiphum Wongrajit công bố ý định này sau cuộc họp của Ủy ban Các bệnh Truyền nhiễm Quốc gia của Bộ vào ngày 27/1 - Bangkok Post đưa tin.
Tiến sĩ Kiattiphum cho biết, ủy ban đã lên kế hoạch công bố COVID-19 là bệnh đặc hữu trước cuối năm nay dựa trên các tiêu chí có thể chấp nhận được về mặt học thuật.
Các tiêu chí là: Không quá 10.000 ca mắc mới mỗi ngày, tỉ lệ tử vong không vượt quá 0,1% và hơn 80% những người có nguy cơ đã được tiêm 2 liều vaccine COVID-19, ông nói.
Bộ Y tế Công cộng Thái Lan cho rằng COVID-19 đã lây lan trong hơn 2 năm. Các xu hướng cho thấy căn bệnh này đã được kiểm soát và hiện không quá nghiêm trọng, ông Kiattiphum lưu ý.
"Về nguyên tắc, bệnh có thể lây lan nhưng không nghiêm trọng. Tỉ lệ tử vong có thể chấp nhận được. Có thể có từng đợt dịch bệnh nhưng quan trọng là mọi người phải có đủ miễn dịch. Mọi người phải được tiêm chủng và hệ thống điều trị hiệu quả" - ông nói.
Theo Thư ký thường trực Bộ Y tế công cộng Thái Lan Kiattiphum Wongrajit, khi các tiêu chí này đã được đáp ứng một thời gian, COVID-19 có thể được công bố là bệnh đặc hữu ở Thái Lan. "Khi tình hình có triển vọng và các tiêu chí được đáp ứng, Bộ sẽ đưa ra thông báo" - ông nói.
Theo quan chức Bộ Y tế công cộng Thái Lan, giới chức sẽ hành động để đẩy nhanh quá trình tiến tới công bố COVID-19 là bệnh đặc hữu thay vì chờ đợi căn bệnh này tự nhiên trở thành bệnh đặc hữu hoặc chờ WHO tuyên bố đây là bệnh đặc hữu.
Sau khi COVID-19 được công bố là bệnh đặc hữu, chính phủ Thái Lan sẽ điều trị bệnh nhân theo nhu cầu của cá nhân bệnh nhân và có thể yêu cầu tất cả mọi người hoặc chỉ bệnh nhân đeo khẩu trang, ông Kiattiphum nói.
Hiện tại, Ủy ban Các bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Thái Lan yêu cầu tất cả mọi người phải đeo khẩu trang khi ở nơi công cộng.
Ông Kiattiphum cho hay, các tiêu chí chi tiết để công bố COVID-19 là bệnh đặc hữu và các biện pháp thích hợp để áp dụng trong tương lai vẫn chưa hoàn thiện.