"Một ngày của nữ diễn viên múa rối nước"
8h sáng, Thúy Lan (38 tuổi) có mặt tại Nhà hát Múa rối Việt Nam nằm trên đường Trường Chinh (Hà Nội). Hôm nay có buổi diễn nên chị đến sớm để cùng các đồng nghiệp trang điểm, chuẩn bị đạo cụ.
Vở diễn hôm nay, mở màn sẽ là tiết mục hóa thân thành những nhân vật cổ tích biểu diễn một ca khúc chủ đề đại đoàn kết toàn cầu.
Sau khi nhảy múa tưng bừng với vai một cô công chúa, Thúy Lan cùng đồng nghiệp nhanh chóng thay đồ bảo hộ, dầm mình trong nước điều khiển những con rối cho tiết mục Trò cổ: Nông nghiệp, tái hiện không khí lao động của người nông dân vùng quê Bắc Bộ.
Tiết mục "Cày đồng" kết thúc, vừa dầm mình dưới nước, nữ nghệ sĩ lại nhanh chóng lao ra ngoài, "hầm" người trong bộ đồ thú, lại tưng bừng nhảy múa.
Những giọt mồ hôi túa ra chưa kịp lau lại bị những giọt mồ hôi khác lăn đè lên, khiến mớ tóc của Thúy Lan bết dính trên trán. Cởi được bộ đồ thú, Thúy Lan và các nghệ sĩ múa rối lại tiếp tục khoác lên bộ đồ cao su nặng tới 5kg, nhảy ào xuống nước biểu diễn tiết mục "Ếch con tinh nghịch"...
Trong suốt hơn 1 tiếng đồng hồ, Thúy Lan dường như không có thời gian nghỉ ngơi. Các tiết mục cứ nối tiếp nhau, khoảng nghỉ giữa các tiết mục cũng chính là thời gian để họ hóa trang, thay đồ.
"Có những ngày chúng tôi diễn 7 ca diễn, thoại vở và thay 5-6 lần quần áo trong hơn 1 tiếng đồng hồ. Sau mỗi ca diễn tuy có mệt, nhưng cứ bắt đầu lên sân khấu, dường như mọi sự mệt nhọc tan biến hết, chỉ còn tình yêu dành cho các cháu nhỏ, dành cho nghệ thuật.
Có người hỏi: "Diễn 1 vở diễn 7 buổi/ngày, trong suốt một đợt như vậy có chán không?". Ai trong chúng tôi đều nói: "Không". Bởi vì mỗi lần bước lên sân khấu lại là một cảm xúc khác, một nụ cười khác, là một nhân vật đó nhưng được khoác lên mình tâm hồn khác. Nên nghề của chúng tôi ai ai cũng trẻ, trẻ từ tâm hồn trẻ ra.
Còn những ngày diễn ít hoặc không có buổi diễn, chúng tối sẽ tranh thủ tập luyện cho vở mới. Thông thường, một vở diễn sẽ được tập trong khoảng một tháng, cá biệt có những vở phức tạp thì tập tới 2, 3 tháng", Thúy Lan nói.
Sau buổi biểu diễn, Thúy Lan cùng đồng nghiệp tranh thủ cất đạo cụ, thay trang phục rồi trở về với cuộc sống thường ngày. Nữ diễn viên chia sẻ, hôm nay chỉ diễn một ca nên chị có thời gian để tự mình đi chợ, nấu bữa trưa cho cậu con trai, chăm sóc cây cảnh...
Đầu giờ chiều, chị và các đồng nghiệp lại có buổi tập cho vở diễn liên quan đến hầu đồng sắp được công chiếu. 2h chiều, Thúy Lan ra thủy đình tập luyện. Lúc này, nhiệt độ ngoài trời lên tới 37 - 38 độ, lại phải diện bộ đồ cao su nặng nề nên các nghệ sĩ đều thấm mệt.
Thúy Lan cho biết: "Vở diễn này rất quan trọng nên chúng tôi sẽ tập luyện kỹ hơn. Trước mỗi buổi diễn, chúng tôi sẽ còn một buổi "chạy thử" nữa".
17h30, buổi tập kết thúc, Thúy Lan cùng anh chị em trở về. Nữ nghệ sĩ lại tất bật với việc chăm chút nhà cửa, đồng hành cùng cậu con trai nhỏ đang ở tuổi trưởng thành.
"Cuối tuần nếu không có vở diễn, chúng tôi sẽ được nghỉ. Nghề múa rối nước cũng như nghề múa vậy, phải tập luyện đều đặn để chân tay linh hoạt. Nhiều tiền bối của chúng tôi đã về hưu, nhưng vẫn ngày ngày ghé qua nhà hát xem anh em tập luyện, vì khi nghỉ rồi, sẽ nhớ nghề lắm", nữ diễn viên múa rối nước tâm sự.
19 năm ngâm mình dưới nước và áp lực mưu sinh
Thúy Lan bộc bạch, ở lĩnh vực phim ảnh, kịch nói, múa…, sự cống hiến vất vả của nghệ sĩ có thể bù đắp bằng những khoảnh khắc thăng hoa dưới ánh đèn sân khấu, được khán giả biết mặt nhớ tên. Nhưng với đặc thù riêng của nghề múa rối, chị và các đồng nghiệp phải ẩn mình thật kỹ trong bóng tối, sau tấm mành tre. Khán giả không nhìn thấy dung mạo thật, cũng chẳng biết tên những diễn viên múa rối như chị.
Ở trên sân khấu, khán giả chỉ thấy những con rối sinh động đang cày bừa, đang hoạt bát cử động mà đâu biết sau lớp mành tre, các diễn viên vẫn còn nguyên gương mặt được trang điểm khá đậm cho nhân vật trước đó, cười - khóc với cảm xúc của khán giả.
Theo Thúy Lan, đặc trưng của nghề rối nước là sẽ phải dầm mình trong nước bất kể thời tiết nóng lạnh, và với các nghệ sĩ múa rối nước luôn phải đối diện với những vấn đề về xương khớp.
"Có hôm trời lạnh dưới 10 độ nhưng chúng tôi vẫn phải biểu diễn và tập luyện. Chúng tôi thường đốt những đống lửa lớn ở ngay trên bờ thủy đình để khi tập xong, anh em nghệ sĩ sẽ lao ngay lên bờ, lập tức sưởi ấm tay chân cho khỏi cóng. Dù đã mặc cả mấy lớp quần áo và còn có đồ cao su tránh nước nhưng chân tay vẫn cóng, hết vở diễn không thể bước lên cầu thang được.
Những hôm trời nóng, cứ phải liên tục dầm nước, hóng gió điều hòa rồi lao ra ngoài thay đồ làm nhiệt độ liên tục biến đổi, chúng tôi cảm sốt, mất tiếng là chuyện hết sức bình thường.
Đặc thù của nghề rối nước là phải cúi người lâu, nên bệnh nghề nghiệp mà hầu như ai cũng mắc phải là thoát vị đĩa đệm, là những vấn đề về xương khớp.
Rồi có những khi biểu diễn quá nhiều, chúng tôi cũng sẽ kiệt sức. Năm 2018 khi tham gia biểu diễn ở Liên hoan múa rối quốc tế tại Nga, tôi vào vai chính, vừa áp lực vừa khá vất vả nên khi biểu diễn xong, tôi hoàn toàn kiệt sức, thậm chí không thể bước ra chào khán giả", chị kể.
Dù công việc vất vả, đối diện nhiều áp lực nhưng theo Thúy Lan, mức lương của chị khá khiêm tốn: "Học 4 năm thì tôi ra trường và trở thành diễn viên của Nhà hát Múa rối. Tính đến nay, tôi có gần 20 năm thâm niên, với mức lương cơ bản khoảng 5 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra, mỗi buổi diễn chúng tôi sẽ được cộng thêm một chút tiền nữa. Làm nghề múa rối nước, thú thực là mức lương không đủ để trang trải cuộc sống cho mẹ con tôi. Để có thêm đồng ra đồng vào, tôi bắt đầu bán thực phẩm online. Để tiết kiệm kinh phí, tôi còn tự mình đi ship luôn".
Bên cạnh công việc kinh doanh online, Thúy Lan còn có nghề tay trái đó là … chụp ảnh "dạo". Bản thân nữ nghệ sĩ có sở thích đặc biệt với nghề nhiếp ảnh, chị đã từng giành giải Nhì trong một cuộc thi nhiếp ảnh không chuyên.
"Tôi đam mê việc bắt những khoảnh khắc tự nhiên, những thần thái đặc trưng của mỗi người. Ảnh của tôi thường không có sự sắp đặt mà tôn trọng tối đa cá tính, vẻ đẹp tự nhiên của mỗi người. Rồi dần dần, mọi người thấy tôi chụp "cũng được" nên giới thiệu cho nhau và thuê tôi chụp.
Thực tế thì mỗi buổi chụp của tôi cũng chỉ có mức giá hết sức "tượng trưng". Nhưng công việc này không chỉ đem đến cho tôi thêm một nguồn thu nhập mà còn khiến tôi có thể thỏa sức sáng tạo với sở thích của mình nên tôi rất thích", Thúy Lan bộc bạch.
"15 người vào múa rối thì "rơi rụng" còn 4-5 người"
"Sau khi tôi thi trượt đại học, đang loay hoay tìm hướng đi cho mình thì mẹ tôi gợi ý rằng tôi nên thử sức với nghề múa rối nước. Thú thực, khi đó tôi không thích các bộ môn nghệ thuật truyền thống, nhất là múa rối lại còn phải vừa múa rối vừa hát chèo, vừa hát tuồng, rất lạ lẫm.
Nhưng nhờ sự thuyết phục của bố mẹ và sau khi đi xem 2 buổi tập của các nghệ sĩ múa rối nước, tôi bắt đầu cảm thấy thích thú.
NSND Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam đang chỉ đạo diễn xuất trong buổi tập luyện vở diễn liên quan đến hầu đồng.
Tôi còn nhớ, người truyền cảm hứng cho tôi trở thành nghệ sĩ múa rối là anh Nguyễn Tiến Dũng. Khi ấy, anh mới chỉ là một diễn viên trẻ của Nhà hát Múa rối Việt Nam. Nhìn anh tập luyện say sưa, cách anh giao tiếp với đồng nghiệp, với "đàn em" trong nghề khiến tôi thực sự bị ấn tượng.
Khi tôi quyết định theo nghề, chính anh Dũng là người hỗ trợ, uốn nắn cho tôi từng chút một. Mọi người đừng nghĩ múa rối thì chỉ cần học việc điều khiển con rối. Chúng tôi cũng phải học hát, học diễn, học nhảy, học rất nhiều bộ môn nghệ thuật khác.
Khi ấy, tôi chỉ là một con số 0 tròn trĩnh về mọi mặt, đến cả cách nhả từ, cách thể hiện cảm xúc tôi cũng phải tập từ đầu. Anh Dũng đã vô cùng kiên nhẫn để tập cho tôi từng câu thoại. Thậm chí, khi tôi thoại một câu chưa đúng, tập mãi không được, anh đã đưa tôi về nhà để vợ anh - một nghệ sĩ của Nhà hát kịch Quân đội - hỗ trợ tập luyện đến khi nào tôi thoại đạt mới thôi.
Năm ấy, lớp chúng tôi thi vào được 15 người, nhưng dần dần "rơi rụng" hết, đến nay chỉ còn đâu 4, 5 người theo nghề múa rối nước. Nếu không có những tiền bối nhiệt tình với nghề nghiệp, với đàn em như anh Dũng, bản thân tôi chưa chắc đã có thể trụ lại với nghề", Thúy Lan nói.
Thúy Lan chia sẻ, môi trường của nghề múa rối nước rất đặc trưng nên đã khiến tình đồng nghiệp cũng trở nên gắn bó, keo sơn hơn:
"Các ngành nghệ thuật khác thì có sự phân cấp rất rõ ràng về vai chính vai thứ, ngay cả mức lương dành cho các vai diễn cũng có sự khác biệt, nhưng với múa rối nước thì không. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ nhau, cho dù mình chỉ là người phụ giúp việc điều khiển con rối hay là đóng các vai phụ.
Vì với những con rối phức tạp, phải có tới 3, 4 người điều khiển là chuyện bình thường. Khi đó, sự thấu hiểu, sự đồng điệu giữa chúng tôi phải đạt đến độ tuyệt đối, nếu không chỉ cần một động tác sai, con rối sẽ "chết", vở diễn sẽ hỏng".
Không chỉ có cơ duyên gặp gỡ những lãnh đạo, những đồng nghiệp tốt, Thúy Lan còn bén duyên với chồng nhờ nghề múa rối nước:
"Khi tôi vào Nhà hát không lâu thì quen với mẹ chồng tôi, cũng là nghệ sĩ múa rối nước trong đoàn. Quý mến tôi nên bà giới thiệu tôi với con trai bà và chúng tôi nên duyên vợ chồng.
Chỉ tiếc là sau vài năm chung sống, chúng tôi không hợp nhau nên quyết định đường ai nấy đi. Dù vậy, bố mẹ chồng và chồng cũ vẫn luôn tôn trọng, quý mến và hỗ trợ mẹ con tôi rất nhiều trong cuộc sống. Chúng tôi có mối quan hệ tốt đẹp như vậy có lẽ cũng là nhờ một phần do có chung đam mê với nghề múa rối nước".
Chị chia sẻ thêm: "Sau khi tôi ly hôn được vài năm, kinh tế quá khó khăn nên tôi đã quyết định bỏ nghề, sang Nga theo diện xuất khẩu lao động.
Sau 3 tháng lăn lộn ở xứ người với những cực nhọc, dằn vặt riêng, cứ mỗi khi thấy anh chị em nhà hát tập luyện, up ảnh lên mạng xã hội, tôi lại bật khóc vì tủi thân, vì nhớ nghề.
Đến tháng thứ 6, tôi nhận ra dù vất vả, thiếu thốn cỡ nào, tôi cũng sẵn sàng sống với nghề múa rối nước. Tôi nhắn với anh Dũng khi ấy đã là Giám đốc Nhà hát rằng liệu tôi có thể trở về được không. Anh Dũng khẳng định rằng chỉ cần tôi quay về, Nhà hát và ban lãnh đạo sẽ luôn chào đón.
Anh nhắn cho tôi: "Về đi, về còn khóc cười với nghề!"
Làm mẹ đơn thân và dành trọn thời gian cho múa rối nước
Nhìn lại gần 20 năm theo nghề, Thúy Lan nhận định mỗi bước đi của chị luôn có sự ủng hộ, hậu thuẫn nhiệt tình của những người thân yêu. Xuất thân trong một gia đình có cả bố lẫn mẹ là bộ đội nhưng Thúy Lan luôn được tạo điều kiện tốt nhất để sống một cuộc đời đúng như mình mong đợi.
"Bố mẹ là quân nhân nhưng chẳng bao giờ "thiết quân luật với chị em tôi. Người ta thì thường bảo không muốn con mình theo nghệ thuật, còn bố mẹ tôi thì ngược lại. Ngay từ đầu, có lẽ bố mẹ biết tôi và nghề múa rối nước "có duyên" với nhau nên mới nhiệt tình động viên dù tôi năm lần bảy lượt từ chối.
Rồi khi tôi trở thành diễn viên của Nhà hát, những buổi diễn có tôi, bố mẹ đều sắp xếp thời gian tham dự. Thời điểm trở về từ Nga, tôi chỉ có 2 bàn tay trắng. Lúc đó cả tôi và con trai đều sống nhờ nhà bố mẹ tôi. Mỗi ngày tôi đi đi về về 37km từ Long Biên sang Trường Chinh.
Có những đêm đi diễn về muộn, chạy xe qua cầu Long Biên giữa khuya tôi cũng sợ lắm chứ. Nhưng đến sáng hôm sau, lại tiếp tục hành trình từ Long Biên sang nhà hát để làm việc. Mấy năm liền như vậy, tôi nghĩ đến việc thuê nhà gần cơ quan để tiện đi làm.
Nhưng để ổn định cuộc sống của mẹ con tôi, để tôi yên tâm theo nghề, bố mẹ đã quyết định bán mảnh đất của gia đình, mua cho tôi một căn chung cư nhỏ ở gần Nhà hát. Đến nay, mỗi dịp cuối tuần tôi đều về Long Biên thăm bố mẹ, cũng là để được nũng nịu, được bố mẹ hỏi han, nuông chiều", Thúy Lan giãi bày.
Mỗi lần về với bố mẹ, Thúy Lan như trở về nơi bình yên, được sống lại những ngày thơ bé...
Khi được hỏi về hạnh phúc riêng, nữ diễn viên múa rối trả lời không lảng tránh: "Sau đổ vỡ hôn nhân, cũng có một vài người theo đuổi tôi. Nhưng đến nay tôi vẫn một mình, phần vì tôi đã dành trọn vẹn thời gian cho múa rối nước và con trai đang tuổi lớn, phần vì tôi đã quá quen với cuộc sống đơn thân. Tôi không muốn có bất cứ sự xáo trộn nào trong cuộc sống của mình. Thú thực, tôi cảm thấy hài lòng với cuộc sống của mình hiện tại".
Nguyễn Thúy Lan sinh năm 1984 tại Hà Nội. Thúy Lan trở thành diễn viên của Nhà hát Múa rối Việt Nam và được cử đi học lớp đại học đầu tiên về múa rối từ 2003 đến 2007.
Sau thời gian đào tạo, Thúy Lan chính thức trở thành công nhân viên chức của Nhà hát Múa rối Việt Nam.
Đầu năm 2018, do áp lực về kinh tế nên Thúy Lan tạm ngừng công tác ở Nhà hát Múa rối, cuối năm, chị quay trở lại vì vẫn còn đam mê với nghề. Tính đến nay, Thúy Lan đã có hơn 19 năm làm việc với vai trò nghệ sĩ múa rối nước.
Chị từng giành nhiều giải thưởng, tiêu biểu là: HCV tập thể tốp múa trong vở "Aladanh và cây đèn thần" trong liên hoan múa rối quốc tế tại Việt nam 2015, HCV cá nhân vai diễn "Bướm đêm" trong vở Hoa Quỳnh trong liên hoan múa rối Quốc tế tại Việt Nam 2010, HCV tập thể liên hoan múa rối quốc tế tại Nga 2018.
Sau đổ vỡ hôn nhân, Thúy Lan một mình nuôi con và dành trọn tình yêu cho múa rối nước...
Chia sẻ với PV Dân trí, NSND Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam cho biết:
"Hiện tại, Nhà hát Múa rối Việt Nam có khoảng 40 nghệ sĩ, nhạc công. Trước đây, Nhà hát là đơn vị đỏ đèn 365 ngày/năm với hơn 1 nghìn buổi biểu diễn. Nhưng 2 năm vừa qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm đầu tiên, Nhà hát chỉ diễn được hơn 300 buổi. Đến năm ngoái thì gần như chúng tôi không có buổi biểu diễn nào.
Đang từ con số hơn 1 nghìn buổi diễn/năm xuống gần như không có buổi biểu diễn nào nên thu nhập không có, đời sống anh em bị suy giảm. Bên cạnh đó có những yếu tố khác khiến một số nghệ sĩ phải chuyển việc, nghỉ việc. Các cụ nói, có thực mới vực được đạo, nên lãnh đạo Nhà hát cũng thông cảm, chia sẻ với họ.
Với những nghệ sĩ trụ được với Nhà hát đến ngày hôm nay, trong đó có nghệ sĩ múa rối Thúy Lan - đối với cá nhân tôi rất cảm động, đáng quý và trân trọng. Trong thời gian khó khăn vừa qua, họ đã đồng hành cùng Nhà hát, chia sẻ khó khăn với Nhà hát, và giờ cùng Nhà hát quay trở lại hoạt động biểu diễn.
Trong thời gian ngắn được mở cửa trở lại, Nhà hát có hơn 100 buổi diễn rồi. Tín hiệu này là nguồn hạnh phúc lớn lao với nghệ sĩ. Có nhiều buổi biểu diễn, các nghệ sĩ có thêm thu nhập, đời sống của nghệ sĩ cũng dễ thở hơn. Là lãnh đạo của Nhà hát, tôi thấy đây là tín hiệu tốt và rất vui.
Tôi vui vì trải qua những khoảng thời gian khó khăn vừa quá, đội ngũ nghệ sĩ kế cận của Nhà hát rất vững vàng, chưa bao giờ nguội tắt ngọn lửa yêu nghề. Tôi tin rằng, thế hệ của họ nối tiếp được truyền thống cũng như duy trì nghề nghiệp cho sự nghiệp múa rối phát triển trong tương lai".
Nội dung:Nguyên Phong
Ảnh:Toàn Vũ
Video:Minh Hoàng
10/06/2022