Mới thành lập giữa đại dịch Covid-19, Hợp tác xã Du lịch cộng đồng làng Cửa Khe (xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) đang gặp nhiều khó khăn, chưa được nhiều du khách biết đến. Anh Võ Nguyên Tùng – Giám đốc HTX Du lịch cộng đồng làng Cửa Khe cho biết, thực ra làng nghề nước mắm truyền thống Cửa Khe đã tồn tại cả trăm năm qua, nổi tiếng trong câu ca dao: "Nhất mắm Cửa Khe - Nhì chè An Phú".
Làng nghề nước mắm Cửa Khe có vị trí thuận lợi trên tuyến du lịch Hội An, Quảng Nam. Nguồn: HTX Du lịch cộng đồng làng Cửa Khe
"Nghề nước mắm không chỉ là kế sinh nhai mà còn gắn liền với cuộc sống của người dân, trong tình làng nghĩa xóm và trở thành nét văn hóa, trao truyền đời này qua đời khác. Tuy nhiên làng nghề muốn phát triển bền vững thì phải gắn với du lịch cộng đồng. Khu vực này cũng có sẵn những tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch" – anh Tùng cho biết.
Là một xã ven biển, làng nghề Cửa Khe cũng có một bãi biển tuyệt đẹp chưa bị thương mại hóa. Theo anh Võ Nguyên Tùng, ngoài thuận lợi khi nằm trên tuyến kết nối phố cổ Hội An và một số khu phức hợp du lịch lớn, ngôi làng còn sở hữu rất nhiều tài nguyên du lịch: "Chúng tôi vẫn lưu giữ được những nét văn hóa đặc trưng của làng nghề miền biển như sử dụng thuyền thúng, lễ hội cầu ngư, lễ cúng tổ nghề, hát bả trạo… Ngoài nước mắm ngon, tại đây còn có mực cơm biển đã lọt vào Top 100 món ăn đặc sản Việt Nam, rồi cả gỏi cá, mỳ Quảng... cùng rất nhiều công trình, di tích lịch sử".
Tuy nhiên, dự án khởi nghiệp này đang gặp khó vì chưa hoàn thiện "bộ máy" tiếp đón và phục vụ khách, thiếu nguồn lực để tập huấn, nâng cao nghiệp vụ và nhận thức của cộng đồng người dân để cùng làm du lịch. "HTX cần thêm những cơ chế hỗ trợ, khuyến khích của địa phương, cũng như tiếp cận với hệ sinh thái khởi nghiệp để tìm giải pháp phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát huy giá trị văn hóa truyền thống".
Làng nghề nước mắm Cửa Khe nằm gần bãi biển Bình Dương. Nguồn: HTX Du lịch cộng đồng làng Cửa Khe
Nếu mô hình du lịch cộng đồng làng Cửa Khe đang ở giai đoạn khởi đầu thì dự án Amazing English Tour (AET) tại Quảng Trị lại cần một động lực để tăng tốc. Khởi động từ tháng 5/2018, AET tập trung vào loại hình du lịch giáo dục với những chuyến đi truyền cảm hứng về ngoại ngữ và kĩ năng sống, qua đó giúp các em trải nghiệm, phát triển bản thân, khát khao chinh phục thế giới.
Chị Nguyễn Thị Hải Oanh - nhà sáng lập AET cho biết, trước đại dịch Covid-19, AET tổ chức các tour du lịch học đường tại rất nhiều địa phương như Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam và cả sang Singapore. Tuy nhiên khi hoạt động du lịch "đóng băng", đội ngũ lãnh đạo AET rất cần thêm hỗ trợ, tư vấn và định hướng để "tiếp lửa" cho dự án non trẻ này.
"Trước đây sản phẩm cốt lõi của Amazing English Tour là tour du lịch giáo dục. Tuy nhiên đại dịch Covid-19 khiến tour không tổ chức được, công ty phải thay đổi sản phẩm để tồn tại. Công ty chuyển sang đào tạo tiếng Anh, kỹ năng mềm cho trẻ em như thuyết trình, thủ lĩnh trẻ, nói trước đám đông… Tuy nhiên nhu cầu tour du lịch giáo dục vẫn rất cao, nên công ty vẫn coi đây là định hướng chính trong tương lai" – chị Oanh chia sẻ.
Amazing English Tour là dự án chuyên tổ chức tour du lịch giáo dục. Nguồn: AET
Trong bối cảnh ngành du lịch sa sút, những ý tưởng đổi mới sáng tạo như HTX du lịch cộng đồng làng Cửa Khe hay Amazing English Tour vẫn được đánh giá cao và có nhiều tiềm năng. 2 dự án này cùng với 5 dự án khác đã được Chương trình Khởi nghiệp Du lịch Việt Nam 2021 (VTS 2021) lựa chọn để tăng tốc, tạo đà phát triển đột phá khi du lịch phục hồi.
Ông Lý Đình Quân – Tổng Giám đốc Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn (đơn vị tổ chức VTS 2021) cho biết, các dự án lần này có chất lượng và tiềm năng phát triển tốt: "Các dự án tham gia tăng tốc tại VTS 2021 đều có những lãnh đạo tư duy tốt, giàu năng lực và kinh nghiệm khởi nghiệp. Khủng hoảng gây khó khăn, nhưng cũng là thời cơ để khởi nghiệp vì ít cạnh tranh và có khả năng bứt phá. Thời điểm này cũng thuận lợi vì nhiều cơ quan, tổ chức, quỹ đầu tư dành sự quan tâm, hỗ trợ lớn hơn cho các start-up".
VTS 2021 sẽ gồm 6 chương trình chuyên sâu (bootcamp) trong vòng 3 tháng, bao gồm các nội dung huấn luyện, thuyết trình, gọi vốn, kết nối doanh nghiệp thực hiện bởi các chuyên gia, đối tác khởi nghiệp trong và ngoài nước. Kết thúc giai đoạn bootcamp, mỗi dự án sẽ được làm việc trực tiếp, nhận tư vấn riêng và kết nối vào hệ sinh thái khởi nghiệp rộng lớn, bao gồm các đối tác, doanh nhân và nhà đầu tư.
Phát biểu tại lễ khai mạc vòng tăng tốc VTS 2021, bà Vũ Thị Bích Hậu – Phó Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ Đà Nẵng, cơ quan này sẽ hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp và trung tâm ươm tạo, trước mắt là tài trợ một phần chi phí chuyên gia cho chương trình VTS 2021. Ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học & công nghệ (Bộ Khoa học & Công nghệ) kỳ vọng các dự án tham gia VTS 2021 sẽ tiếp tục vượt khó để tiến lên trong đại dịch Covid-19, góp phần thúc đẩy hoạt động đổi mới, sáng tạo trên cả nước.