Tiếng Việt - tình yêu của giáo viên kiều bào

Theo Báo Quốc tế| 08/09/2022 20:53

Ngày tôn vinh tiếng Việt ở nước ngoài (8/9) góp thêm niềm tự hào và tiếp sức cho nhiều giáo viên kiều bào có niềm đam mê thực hiện sứ mệnh cao đẹp ở xứ người.

Cô Phạm Phi Hải Yến với tâm huyết cùng lớp học “Tiếng Việt líu lo”. (Ảnh: NVCC)
Cô Phạm Phi Hải Yến với tâm huyết cùng lớp học “Tiếng Việt líu lo”. (Ảnh: NVCC)

Cô Én ở “Lớp học líu lo”

“Líu lo tiếng Việt” là lớp học xuất phát từ ý nguyện giữ gìn và phát huy tiếng Việt cho trẻ em có nguồn gốc Việt Nam đang sinh sống và học tập tại Nhật Bản.

Cô Phạm Phi Hải Yến – người sáng lập lớp học này tin rằng, dù sống ở bất kỳ quốc gia hay lãnh thổ nào trên thế giới, con trẻ cũng đều có quyền được học tập và duy trì tiếng mẹ đẻ.

Hiện là nghiên cứu sinh bậc tiến sĩ Khoa Nghiên cứu ngôn ngữ và văn hóa, Đại học Osaka, cô Yến đã có thời gian năm năm làm công tác hỗ trợ tiếng mẹ đẻ, tiếng Nhật cho học sinh người Việt ở một số trường tiểu học trên địa bàn Osaka và sáu năm kinh nghiệm giảng dạy văn hóa và tiếng Việt cho người lớn ở các trung tâm giao lưu văn hoá, trung tâm ngoại ngữ.

Theo cô, lớp học ra đời chính là để cùng với phụ huynh gìn giữ nguồn “tài nguyên” ngôn ngữ cho trẻ em, bởi lẽ nó đẹp và đáng trân quý như chính cách gọi “ngôn ngữ di sản” mà lĩnh vực giáo dục song ngữ, tiếng mẹ đẻ, tiếng kế thừa đã đặt cho.

Nói về cái tên “líu lo”, cô Yến (thường được gọi thân thương là cô Én) chia sẻ: “Khi hình dung đến hình ảnh con trẻ tíu tít nói cười, chuyện trò cùng với bố mẹ về những thứ trên trời dưới đất, ta thấy giống như hình ảnh chú chim xanh líu lo vui tươi cất vang tiếng hót, không có gì đáng yêu hơn. Tiếng hót ấy sẽ vẫy gọi đàn chim xa đến, cùng hòa nên một khúc ca rộn rã, tưng bừng mỗi sớm mai. Cái tên “Líu lo tiếng Việt” đã ra đời như thế. Đó là cái tên mà người sáng lập gửi gắm ước mong trẻ em gốc Việt tại Nhật có thể sử dụng tiếng Việt một cách lưu loát, có thể tự tin líu lo cùng với bố mẹ, ông bà và cộng đồng người Việt trong quãng đường con lớn lên”.

Hiện tại, lớp học của cô Yến đang triển khai dự án học tập “Việt Nam của em” được thiết kế đặc biệt dành cho các bé gần như bị “mất gốc”, gần như không sử dụng được tiếng Việt và cần đến sự hỗ trợ 100% ngôn ngữ Nhật từ giáo viên.

Khóa học ra đời củng cố và bổ trợ thông tin và kiến thức cho học sinh; là sợi dây liên kết giữa hai quốc gia, mang lại cho các con kiến thức văn hoá cũng như cuộc sống đời thường từ quê hương, nơi bố mẹ sinh ra.

Khi mở ra khoá học này, cô cảm thấy rất vui vì được mang những kiến thức, hiểu biết từ Việt Nam đến với các con khi sống xa Tổ quốc. Việc đưa văn hóa Việt Nam vào từng tiết dạy là một trong những điểm nổi bật trong chương trình. Qua các bài học, vốn hiểu biết của các con sẽ được mở rộng, được đặt mình vào nhân vật để phát triển khả năng tư duy, thêm yêu quý và trân trọng những điều giản dị nhất.

Hạnh phúc bé nhỏ của cô Yến là được nhìn thấy những gương mặt các con vui tươi, cất lên những từ “trọ trẹ” tiếng Việt dễ thương khi tham gia lớp học. Bấy nhiêu đó thôi cũng đã cho cô thấy được tình yêu và sự hứng thú của các con khi học tiếng Việt để thêm yêu Việt Nam.

Thầy giáo Trương Văn Phương cùng những học sinh của mình. (Ảnh: NVCC)
Thầy giáo Trương Văn Phương cùng những học sinh của mình. (Ảnh: NVCC)

Thầy giáo Việt trên đất Lào

Năm 2011, sau khi tốt nghiệp đại học, thầy giáo Trương Văn Phương đã đăng ký tham gia dạy tiếng Việt tại Lào. Hiện thầy đang công tác tại Trường Tiểu học Thống Nhất, thị xã Thà Khẹt, tỉnh Khăm Muộn.

Đến với một vùng đất hoàn toàn xa lạ, chưa thông thạo ngôn ngữ để giao tiếp, văn hóa và đời sống sinh hoạt, cộng thêm nỗi nhớ gia đình khiến thầy giáo trẻ gặp không ít khó khăn.

Bằng tinh thần trách nhiệm, lòng yêu nghề và nhiệt huyết tuổi trẻ, thầy Phương đã nỗ lực mỗi ngày để tiếng Việt được nối dài trên đất bạn Lào. Để sớm hiểu hơn nơi mình làm việc, thời gian rảnh rỗi, thầy Phương theo chân học sinh về các gia đình Việt kiều để học tiếng Lào và tìm hiểu văn hóa của cư dân bản địa.

Học trò của thầy Phương chủ yếu ở bậc tiểu học gồm con em người Lào và Việt kiều. Với sự gần gũi, thân thiện và hết lòng vì học sinh, thầy Phương luôn được các em yêu mến. Theo thầy Phương, học sinh người Lào cũng vô cùng hiếu học và đam mê tiếng Việt, đây chính là động lực giúp thầy gắn bó với công việc dạy học tại Lào suốt 10 năm qua.

Thầy Phương cho biết, việc dạy chữ cho học sinh Lào đòi hỏi sự kiên nhẫn cao bởi tiếng Việt và tiếng Lào có sự khác biệt lớn. Khi dạy, ngoài việc đã chuẩn bị kỹ giáo án thì thầy giáo phải nói, phát âm, thể hiện bằng hình vẽ trên bảng và thậm chí phải làm rất nhiều động tác tạo hình để người học dễ hiểu hơn.

Trên bục giảng, với vai trò là giáo viên tiếng Việt, thầy Phương thường xuyên lồng ghép giới thiệu văn hóa Việt Nam, văn hóa Lào và chia sẻ tình hữu nghị, đoàn kết đặc biệt giữa hai nước.

Học sinh cũng được xem các video clip về ẩm thực, văn hóa, trang phục của người Việt trong các bài giảng, tạo hứng thú hơn với việc học tiếng Việt.

ieo tiếng mẹ đẻ ở xứ Đài

Sống xa quê đã 23 năm nhưng cô giáo Phạm Mỹ Dung ở Đài Loan (Trung Quốc) vẫn luôn hướng về Việt Nam. Đặc biệt, ở địa bàn sở tại, hằng ngày chứng kiến sự trưởng thành của thế hệ thứ hai kiều bào, cô đau đáu một ước nguyện làm sao để các con có thể thông thạo được tiếng mẹ đẻ, thấm nhuần được văn hoá truyền thống của người Việt và gìn giữ gốc gác, nguồn cội.

Để thực hiện ước nguyện, ban đầu cô giáo gặp rất nhiều khó khăn khi cất công đến từng khu vực làm tình nguyện viên tuyên truyền văn hoá, góp nhặt từng cơ hội để người bản xứ thêm hiểu về văn hoá Việt Nam và bà con kiều bào hào hứng với học tiếng Việt. Sự tận tâm của cô đã khiến họ dần thay đổi định kiến, mở lòng để con cháu họ được học tiếng mẹ đẻ.

Ngày 8/9, Ủy Ban Nhà nước về NVNONN, Bộ Ngoại giao tổ chức Lễ phát động Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN. Tham dự Lễ phát động có đại diện các bộ, ban ngành, cơ quan liên quan, đại diện kiều bào, chuyên gia, nhà nghiên cứu ngôn ngữ, văn hóa và các cơ quan thông tấn báo chí. Sự kiện có thể được theo dõi qua các nền tảng Fanpage Facebook và Youtube của UBNN về NVNONN.

Với ước nguyện cháy bỏng ấy, cô Dung cùng các chị em đồng hương cố gắng thu xếp công việc gia đình để thực hiện công tác này. Thông qua những hoạt động của mình, họ đã truyền tải một hình ảnh Việt Nam thân thiện, được chính quyền Đài Loan (Trung Quốc) ghi nhận và hỗ trợ truyền bá văn hoá, dạy tiếng mẹ đẻ cho con em thế hệ thứ hai.

Vào năm 2017, ngôn ngữ tiếng Việt đã chính thức áp dụng là một môn học chính cho học sinh lựa chọn tại các trường cấp 1-2-3 tại Đài Loan (Trung Quốc).

Cô Dung cho biết, hiện nay có khoảng 80.000 người thứ hệ thứ hai tại đây đang theo học tiếng Việt. Hằng năm, chính quyền sở tại đều mở những khóa đào tạo nhằm giúp những giáo viên như cô Dung có thêm trình độ giảng dạy và kỹ năng cơ bản nhất để đứng lớp.

Cô cũng xúc động và cảm kích khi mỗi năm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) lại phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức khóa tập huấn cho giáo viên tiếng Việt ở nước ngoài được trở về quê hương củng cố kiến thức chuyên sâu về kỹ năng giảng dạy.

Cô chia sẻ: “Tôi muốn cảm ơn sâu sắc đến Ban tổ chức và các giảng viên ở trong nước đã tận tâm truyền đạt hướng dẫn cho chúng tôi những bài học quý giá, để chúng tôi tiếp nhận được nhiều hơn những kiến thức và kỹ năng giảng dạy làm hành trang tiếp bước trên con đường tôi đã chọn: tiếng Việt truyền bá muôn nơi”.

Ngày 3/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 930/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023-2030”.

Mục tiêu cụ thể của Đề án: nâng cao ý thức của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đối với tiếng Việt, tôn vinh vẻ đẹp, giá trị của tiếng Việt trong cộng đồng; động viên, khuyến khích và tôn vinh các cá nhân, tổ chức, hội đoàn đã có đóng góp tích cực trong việc gìn giữ và lan tỏa tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài;

Duy trì sử dụng tiếng Việt trong gia đình người Việt Nam ở nước ngoài trong sinh hoạt giao tiếp hàng ngày của gia đình; lan tỏa tiếng Việt đến người nước ngoài; tạo động lực nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng; thúc đẩy chính quyền sở tại và các thiết chế giáo dục đưa tiếng Việt vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục ở các địa bàn có đông người Việt Nam;

Hỗ trợ các trường đại học, viện nghiên cứu đang có khoa hay bộ môn giảng dạy và nghiên cứu tiếng Việt phát triển mạnh hơn nữa việc nghiên cứu, giảng dạy và truyền bá tiếng Việt; thúc đẩy việc đưa tiếng Việt thành ngoại ngữ chính thức bên cạnh các ngoại ngữ khác ở các địa bàn đang có nhiều thuận lợi…

baoquocte.vn
Theo thoidai.com.vn
https://thoidai.com.vn/tieng-viet-tinh-yeu-cua-giao-vien-kieu-bao-175101.html
Copy Link
https://thoidai.com.vn/tieng-viet-tinh-yeu-cua-giao-vien-kieu-bao-175101.html
    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    Tiếng Việt - tình yêu của giáo viên kiều bào
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO