Tiếng ồn, bụi mịn tại TP.HCM vượt quá tiêu chuẩn, gây hại cho sức khỏe

ANH ĐÀO| 26/12/2022 20:04

Các chuyên gia cảnh báo thời điểm dịp cuối năm các hoạt động giao thông vận tải, sản xuất công nghiệp, các công trình xây dựng... tăng cao hơn, khiến tình trạng ô nhiễm tiếng ồn và bụi mịn cũng tăng theo.

bui-min-la-gi.jpeg
Những ngày cuối năm bụi mịn, tiếng ồn ở khu vực đô thị tăng cao - Ảnh: Internet

Lo ngại lượng bụi mịn cao

Theo kết quả quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, trong thời gian gần đây, bụi mịn và tiếng ồn tại TP tiếp tục vượt chuẩn. Theo đó, kết quả khảo sát nồng độ bụi mịn (PM2.5) tại TP dao động từ 21-52 µg/m3.

Các chỉ tiêu như bụi có 16,7% giá trị quan trắc không đạt, tiếng ồn có 100% giá trị quan trắc không đạt và benzen có 11,5% giá trị quan trắc không đạt. Các yếu tố này vượt ngưỡng do ảnh hưởng của hoạt động giao thông.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sự ảnh hưởng của tiếng ồn đến sức khỏe con người được xếp thứ hai, sau bụi. WHO khuyến cáo tiếng ồn trung bình không vượt quá 40 decibel tại các khu vực dân cư vào ban đêm để phòng tránh sự tác động đến sức khỏe.

PGS Hồ Quốc Bằng - Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia TP.HCM) - cho biết TP hiện có khoảng 7 triệu xe máy và 600.000 ô tô, số lượng xe cộ lại không ngừng gia tăng.

Bầu không khí tại TP thường có mặt các loại khí thải độc hại như CO, SO2, NOx, PM2.5,…

“Đặc biệt, chỉ số bụi mịn PM2.5 hằng năm của TP ở mức 23 microgram/m3, nhiều hơn khoảng gần 5 lần so với khuyến cáo WHO không quá 5 microgram/m3. Lượng bụi mịn PM2.5 ở TP đến từ xe máy (24,5%), các hoạt động đời sống như nấu nướng (15,1%), công nghiệp dệt may (10%)”, PGS Hồ Quốc Bằng cho hay.

o-nhiem-bui-1573122694649433145965-crop-15731227028312103634830.jpeg
Lượng bụi mịn cao có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe - Ảnh: Internet

Lo ngại sức khỏe của trẻ em

PGS Lê Thị Tuyết Lan - chủ tịch hội hen suyễn, dị ứng và miễn dịch lâm sàng TP.HCM – cho biết TP đã từng được mệnh danh là “thủ đô hen suyễn” của Châu Á bởi hậu quả của nạn ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Tất cả các chất ô nhiễm sẽ đi từ phổi sẽ đến các cơ quan khác trong cơ thể.

Hậu quả của ô nhiễm không khí là gia tăng tỉ lệ tử vong, nhập viện, cấp cứu, đi khám bệnh và sử dụng thuốc do hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhiễm trùng hô hấp, rối loạn hô hấp giấc ngủ, ung thư phổi, các bệnh về tim mạch.

PGS Lan tỏ ra lo lắng cho sức khỏe của trẻ em khi sống trong các đô thị bị ô nhiễm nặng nề. Trẻ em hoạt động nhiều hơn, ở ngoài trời nhiều hơn, thở nhanh hơn, tốc độ chuyển hoá cao hơn người lớn, trong khi đó hệ miễn dịch của trẻ chưa phát triển đầy đủ dễ nhiễm trùng hô hấp, nhất là bị ho, khò khè và hen suyễn.

Đây là những bệnh lý mạn tính quan trọng nhất. Thêm vào đó, tại TP hầu hết là nhà phố, thông khí không tốt, từ 75-80% các bệnh nhân viêm mũi dị ứng nhạy cảm với các loại mạt nhà, gián, chuột, thú có lông.

Theo PGS Lan lần đầu tiên, hướng dẫn quản lý hen toàn cầu năm 2021, cảnh báo ô nhiễm không khí do giao thông làm tăng thêm 4 triệu ca hen mới, chiếm 13% tỉ lệ toàn cầu, đặc biệt là do NO2, SO2 và bụi mịn.

Riêng tại TP.HCM, nghiên cứu ở Bệnh viện Đại học Y Dược và Bệnh viện Tai Mũi Họng cho thấy 30% bệnh nhân viêm mũi dị ứng bị hen phế quản đi kèm và 80% bệnh nhân hen bị viêm mũi dị ứng.

“Cứ mỗi 10mg/m3 PM2.5 tăng lên trong không khí sẽ có thêm 56 ca ung thư phổi, 64 ca ung thư hệ hô hấp và tăng 3,5% lần nguy cơ trẻ em dưới 5 tuổi tại TP.HCM phải nhập viện” - bà Lan nhận định.

Phải giám sát phát thải xe máy

PGS Bằng cho rằng TP.HCM có thể giảm ô nhiễm không khí và hiệu ứng nhà kính bằng các biện pháp cụ thể như giảm phát thải trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, đặc biệt là giao thông vận tải.

Đồng thời, TP cần tăng cường hoạt động của các phương tiện công cộng, sử dụng năng lượng sạch và kiểm soát số lượng xe máy.

Những xe hiện hành cần được kiểm soát khí thải bằng cách kiểm tra mức độ thải, loại bỏ xe máy cũ không đạt chuẩn, giống như đã làm khi đăng kiểm ôtô, hoặc yêu cầu người dân duy tu, bảo dưỡng

PGS Lan đưa ra giải pháp căn cơ ở mức chính quyền, các bác sĩ cần thông tin về chất lượng không khí mỗi ngày ở 21 quận huyện và TP Thủ Đức để xây dựng một ứng dụng cảnh báo trên điện thoại cho bệnh nhân. Giảm ô nhiễm không khí ngoài đường đòi hỏi các quyến sách quốc gia và địa phương.

“Trung Quốc là một thành công điển hình bằng cách giảm xe hai bánh, giảm thải khi độc từ nhà máy, tăng cường sử dụng nguyên liệu sạch…số bệnh nhân hen suyễn giảm đáng kể trong mùa Olympic ở Bắc Kinh năm 2022”, PGS Lan nói.

Biến đổi khí hậu kéo theo dịch bệnh

Theo bác sĩ Lê Hồng Nga - phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM – cho biết Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.

Trong đó, dịch bệnh sốt xuất huyết là một trong những hậu quả của biến đổi khí hậu và đang diễn biến phức tạp tại TP.HCM.

TS Nguyễn Văn Hồng – phó phân viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu – cho biết dựa trên mô hình RCP 4.5 (theo kịch bản về đường nồng độ khí nhà kính đại diện) thì đầu thế kỷ 21 nhiệt độ tại TP.HCM tăng 0.6-0.7°C kèm theo đó lượng mưa cũng tăng 9.5-21% và nước biển dâng 12 cm.

Biến đổi khí hậu tạo điều kiện cho các vi sinh vật, côn trùng phát triển, làm tăng mắc các bệnh truyền nhiễm. Đặc biệt cần lưu ý, các bệnh truyền từ động vật sang người bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các điều kiện môi trường bị ảnh hưởng.

Các bệnh mạn tính không lây như tăng huyết áp, đái tháo đường… cũng bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu còn tác động đến các nguyên nhân cơ bản chính của tình trạng suy dinh dưỡng: tiếp cận thực phẩm của hộ gia đình, tiếp cận các thực hành chăm sóc và nuôi dưỡng bà mẹ và trẻ em, tiếp cận sức khỏe và sức khỏe môi trường.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tiếng ồn, bụi mịn tại TP.HCM vượt quá tiêu chuẩn, gây hại cho sức khỏe
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO