Kiều bào Việt Nam tham gia Lễ hội văn hoá tổ chức tại Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, tháng 9/2021. |
“Hôm nay là Quốc khánh của Việt Nam - đây là câu tôi tự hào nói với những người của của mình ở Trung Quốc”, TS Trà My – Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc nói.
Theo TS Trà My, những ngày lễ, Tết, những người Việt xa quê rất nhớ nhà, nhớ người thân. “Chúng tôi thèm được hòa mình vào không khí náo nức, rộn ràng của ngày Tết Độc lập quê nhà. Do khoảng cách địa lý giữa các tỉnh thành của Trung Quốc khá xa, nên anh chị em Kiều bào ở Trung Quốc cũng không có nhiều dịp gặp nhau. Nhiều khi, chúng tôi rất thèm được nghe một giọng hát Việt, thèm được chuyện trò bằng tiếng Việt và nhớ lắm mùi vị con cá rô đồng, nhớ đĩa rau muống xào hay những khoanh giò lụa đượm mùi nước mắm quê hương… nghe thì có vẻ đơn sơ, bình dị thế thôi nhưng ở nơi không có vị cơm Việt như khu vực phía Bắc Trung Quốc này lại là điều không dễ gì có được”, chị Trà My nói.
Lưu học sinh Việt Nam tại 70 năm thành lập trường Đại học Quảng Tây, tháng 7/2022 |
Chị Nguyễn Thị Ánh Nguyệt (quê Hà Nam, đã sinh sống tại Trung Quốc được 8 năm) kể: Ngày Tết Độc lập, bố mẹ tôi thường chuẩn bị mâm cơm thịnh soạn. Con cháu quây quần sum tụ, vừa ăn uống vừa dõi theo chương trình thời sự phát trên truyền hình. Cảm giác vừa thiêng liêng, tự hào vừa gần gũi, ấm cúng.
Hơn mười năm sống xa quê nhà, trong trí nhớ của chị Hoàng Minh Trang (Sơn Đông, Tế Nam), ngày Quốc khánh là ngày thu vàng rộm nắng và rực rỡ cờ hoa và rộn rã tiếng nói cười. “Quốc Khánh năm nay, nơi quê người xa xôi, tôi cầu mong những người thân của mình ở Việt Nam luôn khỏe mạnh, bình an, cầu chúc đất nước mình ngày càng phát triển, khởi sắc trên trường quốc tế”, chị Minh Trang nói.
Anh Lê Ngọc Quyền (Chuỗi nhà hàng SuSu Việt Nam) cùng các anh chị em người Việt tại Bắc Kinh. |
Theo chồng sang Trung Quốc định cư, lập nghiệp, chị Lã Thị Tiệp cũng chung niềm xúc động khi nhớ đến những ngày Tết Độc lập: “Ở Việt Nam vào ngày 2/9, mở cửa ra có thể nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng được treo ở vị trí trang trọng ở nhiều nơi, còn hôm nay ở xa quê hương, những người con Việt chỉ biết hướng lòng mình về Tổ quốc và thầm nói câu chúc mừng”.
Với chị Nguyễn Thị Thủy - người đã có hơn 10 năm sống ở xứ người, quê hương là nơi mỗi người con xa xứ sẻ chia nguồn cội và lịch sử dân tộc, cùng thừa kế chung một di sản văn hóa tinh thần. Chị Thủy chia sẻ đã không cầm được nước mắt khi xem đoạn clip Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập. “Hình ảnh Bác Hồ khi đọc bản tuyên ngôn độc lập, giọng của Bác ấm áp đến lạ thường. Và trong phút chốc, nỗi lòng nhớ Tổ quốc, nhớ quê hương, nhớ những người thân yêu lại dâng trào. Với người xa xứ, chúng tôi luôn mong quê hương mình càng ngày càng phồn vinh phát triển!”, chị nói.
Chị Nguyễn Huyền Trang (Thượng Hải), anh Lê Ngọc Quyền (Bắc Kinh) nói: Nhờ công lao của thế hệ cha anh đi trước, thế hệ chúng tôi may mắn sinh ra và lớn lên trong hòa bình, được sống, làm việc và theo đuổi hoài bão ước mơ. Đất nước đang từng ngày đổi mới, chúng ta thêm niềm tin và hy vọng vào những thành tựu trong tương lai. Cầu chúc đất mẹ ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.