KỶ LỤC CHẾT NGƯỜI VÌ NẮNG NÓNG
Vào mùa hè năm 2003, một vùng áp suất khí quyển cao xuất hiện ở phía trên Tây và Trung Âu. Địa Trung Hải rơi vào tình trạng quá nóng khi khối không khí xoáy khổng lồ đã cản trở sự xâm nhập của không khí mát mẻ hơn ở Đại Tây Dương trong vài tuần.
Ở Pháp, nhiệt độ tăng mạnh, liên tục trong 8 ngày ở mức đáng kinh ngạc là 40 ° C. Khi sức nóng tăng lên, mọi người bắt đầu chết.
Các bệnh viện nhanh chóng bị quá tải. Nhiều người chết trước khi được đưa vào bệnh viện (Vào thời điểm đó, chỉ có vài phần trăm hộ gia đình Pháp có điều hòa nhiệt độ). Cảnh sát được gọi đến để phá cửa, "chỉ để tìm thấy những xác chết" - Patrick Pelloux, Chủ tịch hiệp hội các bác sĩ phòng cấp cứu của Pháp, nhớ lại. "Thực sự rất kinh khủng." Nhiều thi thể thậm chí không được phát hiện trong vài tuần. Cuối cùng, Pháp quy cho hơn 15.000 người chết vì đợt nắng nóng.
Tại Ý thậm chí còn tệ hơn, với gần 20.000 chết vì nóng quá sức chịu đựng của cơ thể.
Trên khắp lục địa Tây và Trung Âu, hơn 70.000 người - hầu hết là người nghèo, người lang thang và người già - đã mất mạng.
Các nhà khoa học sau đó xác định rằng mùa hè nóng nhất châu Âu trong 500 năm qua rõ ràng có liên quan đến biến đổi khí hậu. Ở Paris (Pháp), nguy cơ tử vong do nắng nóng vào năm 2003 đó lên khoảng 70%.
Đài phun nước Trocadéro mang lại cảm giác nhẹ nhõm trong đợt nắng nóng kỷ lục năm 2019. Ảnh: SAMUEL BOIVIN, NURPHOTO via GETTY IMAGES
Trong số nhiều mối đe dọa khí hậu mà các nhà khoa học liên kết với sự nóng lên toàn cầu - bão mạnh hơn và tàn phá hơn; hạn hán; mực nước biển dâng cao; mùa cháy rừng kéo dài hơn - thì sự gia tăng của sóng nhiệt là trực quan và tức thời nhất.
Khi khí nhà kính (CO2, CH4...) do các hoạt động của con người thải ra tiếp tục tăng lên trong khí quyển, các đợt nắng nóng sẽ kéo dài hơn và các ngày riêng lẻ sẽ trở nên nóng hơn.
Trên toàn cầu, 6 năm qua là thời kỳ ấm nhất từng được ghi nhận. Ở Tây Nam Mỹ, những ngày có nhiệt độ cao đến sớm hơn vài tuần so với một thế kỷ trước và kéo dài hơn ba tuần.
Và ở châu Âu, mùa hè kinh hoàng năm 2003 đã được chứng minh không phải là đợt nắng nóng, sóng nhiệt cao bất thường và hiếm hoi, bởi sau đó, các đợt nắng nóng lớn đã tấn công châu lục này 5 lần kể từ năm 2003; và riêng năm 2019 đã mang lại kỷ lục nhiệt độ cao nhất mọi thời đại ở 6 quốc gia Tây Âu, trong đó nhiệt độ kỷ lục tại Pháp là 46 độ C.
Tất nhiên, giải pháp cuối cùng cho sự nóng lên toàn cầu là giảm đáng kể lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Nếu chúng ta hoàn toàn không làm được điều đó, vào năm 2100, số người chết vì nắng nóng có thể tăng trên 100.000 người mỗi năm chỉ ở riêng Mỹ.
Ở những nơi khác, mối đe dọa còn lớn hơn nhiều: Ví dụ như ở Ấn Độ, số người chết có thể lên tới 1,5 triệu người, theo nghiên cứu gần đây. Và ngay cả khi chúng ta kiềm chế lượng khí thải, hành tinh sẽ tiếp tục ấm lên trong nhiều thập kỷ.
Trong khi thực hiện bài viết này, Tây Ban Nha đang phải chịu đựng đợt nắng nóng có mức nhiệt lên đến 44 độ C.
NẮNG NÓNG 'LÀM ĐỨT GÃY' CƠ CHẾ LÀM MÁT CỦA CON NGƯỜI
1. Tác động hữu hình
Cơ thể con người đã tiến hóa và phát triển để tỏa nhiệt theo 2 cách chính: Các mạch máu phồng lên, mang nhiệt đến da để nó có thể tỏa ra xa; Và mồ hôi đổ ra da, làm mát da bằng cách bay hơi. Khi những cơ chế đó không hoạt động, chúng ta sẽ chết!
Nghe có vẻ đơn giản, nhưng cơ chế tỏa nhiệt, làm mát cơ thể rất phức tạp, đa tầng.
Khi nhiệt độ bên trong của nạn nhân say nắng tăng lên, tim và phổi hoạt động khó khăn hơn bao giờ hết để giữ cho các mạch giãn nở. Khi trái tim không thể theo kịp quá trình này, huyết áp sẽ giảm, gây chóng mặt, vấp ngã và nói ngọng. Nồng độ muối giảm và cơ bắp bị chuột rút, thậm chí mê sảng, nhiều nạn nhân không nhận ra mình cần được giúp đỡ ngay lập tức.
Cơ thể con người đã tiến hóa và phát triển để tỏa nhiệt theo 2 cách chính: Các mạch máu phồng lên, mang nhiệt đến da để nó có thể tỏa ra xa; Và mồ hôi đổ ra da, làm mát da bằng cách bay hơi. Khi những cơ chế đó không hoạt động, chúng ta sẽ chết! Đồ họa: Gaby D’Alessandro - Nguồn: Ollie Jay, University of Sydney; Jason Lee, National University of Singapore
Khi máu dồn đến vùng da quá nóng, các cơ quan nhận được ít lưu lượng hơn, gây ra một loạt các phản ứng phá vỡ tế bào. Một số nạn nhân không chịu nổi với nhiệt độ bên trong là 40 độ C; những người khác có thể chịu được 41,6 độ C trong vài giờ.
Tiên lượng thường xấu hơn đối với người rất trẻ và người cao tuổi. Ngay cả những người lớn tuổi khỏe mạnh cũng gặp bất lợi rõ rệt: Các tuyến mồ hôi co lại theo tuổi tác và nhiều loại thuốc thông thường làm mờ các giác quan. Nạn nhân thường không cảm thấy khát đủ để uống nước. Việc đổ mồ hôi không còn là một lựa chọn vì cơ thể không còn hơi ẩm. Thay vào đó, đôi khi nạn nhân còn thấy rùng mình.
Một cơn đau tim có thể khiến tình trạng yếu đi vào thời điểm này. Tiếp đó, nạn nhân có thể gặp ảo giác, tự lột quần áo, trong tình trạng cảm thấy các đầu dây thần kinh bốc cháy. Huyết áp bắt đầu rơi vào tình trạng không ổn định. Các mô cơ, gồm cả các mô của tim, cũng rơi vào tình trạng bất ổn. Một khi đường tiêu hóa bắt đầu bị rò rỉ, chất độc sẽ xâm nhập vào máu. Hệ thống tuần hoàn phản ứng với một nỗ lực đông máu cuối cùng, khổng lồ, gây nguy hiểm thêm cho các cơ quan quan trọng - thận, bàng quang, tim. Cái chết cận kề!
2. Tác động vô hình
Không chỉ gây chết người trực tiếp, nắng nóng cũng có những tác động nguy hiểm đến sức khỏe thể chất và tâm thần con người. Các nhà nghiên cứu liên kết nhiệt độ cao hơn với tỷ lệ trẻ sinh non, nhẹ cân và chết non nhiều hơn, và kiệt sức vì nhiệt ảnh hưởng đến tâm trạng, hành vi và sức khỏe tâm thần. Thời tiết nắng nóng hơn làm cho mọi người trở nên bạo lực hơn, khiến năng suất lao động giảm mạnh.
Tổ chức Lao động Quốc tế dự đoán rằng mức nhiệt cao vào năm 2030 sẽ cắt giảm tổng số giờ làm việc 2,2%, tương đương với việc mất 80 triệu việc làm toàn thời gian, chủ yếu ở các nước có thu nhập thấp đến trung bình. Ngay cả ở những người giàu có, những người lao động ngoài trời lương thấp - chẳng hạn như trong ngành xây dựng hoặc nông nghiệp - sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Washington (Mỹ) đã báo cáo vào năm 2050, nhiệt độ cao và độ ẩm cao ở Đông Nam Mỹ có thể sẽ khiến toàn bộ mùa trồng trọt trở nên “không an toàn cho công việc nông nghiệp với các phương thức làm việc hiện nay”.
Con người, cùng với cây trồng và vật nuôi của họ, đã tiến hóa trong 10.000 năm qua trong một vùng khí hậu khá hẹp, tập trung vào nhiệt độ trung bình hàng năm khoảng gần 12,8 ° C. Mặc dù cơ thể chúng ta dễ dàng thích nghi với nhiệt độ cao hơn, nhưng vẫn có giới hạn về nhiệt độ và độ ẩm mà chúng ta có thể chịu đựng.
Ngay cả người khỏe nhất, có khả năng thích nghi với nhiệt độ cao tốt nhất cũng sẽ chết sau vài giờ tiếp xúc với nhiệt độ bầu ướt là 35 ° C - giới hạn khả năng sống sót của con người, theo NOAA. Tại thời điểm này, không khí quá nóng và ẩm không còn khả năng thấm mồ hôi của con người. Đi bộ đường dài trong những điều kiện này, chưa nói gì đến việc thu hoạch cà chua hoặc lấp ổ gà trên đường cao tốc, có thể gây tử vong.
Các mô hình khí hậu dự đoán rằng nhiệt độ bầu ướt ở Nam Á và các khu vực của Trung Đông, trong khoảng 50 năm, sẽ thường xuyên vượt quá mức chuẩn quan trọng đó.
HÀNG TỶ NGƯỜI ĐỨNG TRƯỚC LỰA CHỌN KHÓ KHĂN...
Hàng tỷ người sẽ phải đối mặt với một sự lựa chọn khó khăn: Di cư đến những nơi có khí hậu mát mẻ hơn, hoặc ở lại và thích nghi.
'Trú' bên trong không gian có điều hòa nhiệt độ là một điều hiển nhiên - nhưng bản thân điều hòa nhiệt độ, ở dạng hiện tại, lại góp phần làm ấm hành tinh và nó không đủ khả năng chi trả đối với nhiều người cần nó nhất. Vấn đề nắng nóng khắc nghiệt đang vướng vào các vấn đề xã hội lớn hơn, bao gồm tiếp cận nhà ở, nguồn nước và chăm sóc sức khỏe.
Ở Karbala, Iraq, một người mẹ chỉ với một chiếc quạt nhỏ đang chăm sóc đứa con của mình bị phát ban khi bên ngoài nắng nóng lên đến 42,7 độ C. Ảnh: ABDULLAH DHIAA AL-DEEN
Những người sùng đạo thực hiện Hinglaj gian khổ, một cuộc hành hương của người Hindu qua sa mạc phía tây Pakistan, thường ngất xỉu trong cái nóng cực độ 40 độ C. Ảnh: MATTHIEU PALEY
Phoenix, bang Arizona, là thành phố nóng nhất ở Mỹ, với hơn 110 ngày ghi nhận mức nhiệt cao trên 38 độ C mỗi năm. Không có gì ngạc nhiên khi nó cũng thường xuyên ghi nhận những ca tử vong do nắng nóng nhiều nhất.
Tại Ấn Độ, khi nhiệt độ vượt quá 40 độ C, các cơ quan chính phủ khuyến cáo người dân nên ở trong nhà và uống nước mát. Nhưng lời khuyên không hữu ích đối với hàng chục triệu người có ngôi nhà bên trong nóng hơn bên ngoài, những người thiếu điện để vận hành quạt hoặc điều hòa không khí - chỉ 8% hộ gia đình Ấn Độ có điều hòa.
Chúng ta đang đứng trước một thực tế mâu thuẫn: Khi các nhà máy, công trình liên tục thải ra khí nhà kính gây nên sự nóng lên toàn cầu khi ở những góc xa của thế giới - nơi những dân cư nghèo khổ, hàng ngày đang phải vật lộn kiếm ăn bất kể nắng nóng hay mưa dầm, chính họ lại là nạn nhân của những cơn sóng nhiệt chết người đó.
Sử dụng điều hòa nhiệt độ là biện pháp tạm thời, nhưng chính họ lại không được tiếp cận thứ tạm thời đó!
Bài viết sử dụng nguồn: National Geographic