Tiến sĩ giáo dục: 'Phải giao bài tập Tết cho học sinh để quen với trách nhiệm'

01/02/2024 10:25

Trước tranh cãi của phụ huynh về việc có nên giao bài tập Tết cho học sinh hay không, chuyên gia giáo dục Vũ Thu Hương cho rằng: "Giao để các con làm quen với khái niệm trách nhiệm. Trách nhiệm của con là có làm bài tập trong dịp Tết".

Cần phải giao bài tập Tết cho học sinh

Liên quan đến chủ đề giao bài tập Tết cho học sinh, trao đổi với PV báo Dân Việt, Tiến sĩ Vũ Thu Hương, chuyên gia giáo dục độc lập, nguyên giảng viên khoa Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: "Rất cần thiết phải giao bài tập Tết cho học sinh. Giao để các con làm quen với khái niệm trách nhiệm. Trách nhiệm của con là có làm bài tập trong dịp Tết. Điều này sẽ giúp con về sau có trách nhiệm trong mọi việc của bản thân".

Theo bà Hương: "Nếu phụ huynh có phương án cho các con hưởng thụ Tết và tham gia đón Tết đúng nghĩa, đầy đủ như bố mẹ từ việc dọn nhà cửa, gói bánh chưng, đi chúc Tết, háo hức đón xuân... thì việc ngừng làm bài tập thì hợp lý. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cha mẹ không tin tưởng, không giao cho con làm việc gì mà để các con chơi dài. Trong suốt 2 tuần nghỉ đó, các em "nhàn cư vi bất thiện", nhàn rỗi quá đà. Đến việc giáo viên giao có chút bài tập thì phụ huynh cũng ngăn cản. Khi các con dán mắt vào điện thoại, tivi rồi lại quát mắng con. Đây có phải là điều vô lý không?

Tiến sĩ giáo dục: Phải giao bài tập Tết cho học sinh để quen với trách nhiệm-1
Chuyên gia Vũ Thu Hương cho rằng cần giao bài tập Tết cho học sinh. Ảnh: NVCC

Bố mẹ nói không giao bài tập để cho con kỳ nghỉ trọn vẹn nhưng mới bố mẹ mới chỉ cho con trọn vẹn về thời gian chứ không tạo các hoạt động. Việc không giao bài tập Tết sẽ gây bất hòa trong gia đình. Các em mệt mỏi không biết làm gì, thậm chí mất an toàn khi không có ai giám sát".

Bà Hương cho rằng, chỉ cần giáo viên giao gấp đôi số bài so với ngày bình thường là được. Đồng thời, bà Hương cũng đưa ra tư vấn giúp phụ huynh và học sinh cách "xử lý" bài tập Tết sao cho gọn.

"Bố mẹ yêu cầu con đem toàn bộ bài tập Tết ra cho bố mẹ xem ngay khi buổi sáng đầu tiên của kỳ nghỉ Tết; Chia đống bài tập Tết to đùng này thành 4 phần; Đặt đồng hồ cả lúc bắt đầu làm bài đến lúc kết thúc. Hai ngày đầu tiên của kỳ nghỉ Tết, buổi sáng bố mẹ yêu cầu con làm 1/4 số bài tập Tết trong thời gian 1 giờ, chiều cũng làm trong thời gian 1 giờ.

Như vậy, chỉ từ 8h - 9h sáng và 3h - 4h chiều của 2 ngày nghỉ Tết đầu tiên, con cần phải ngồi làm bài tập Tết. Ngoài ra, con có quyền vui chơi và tham gia các công việc chuẩn bị Tết cùng bố mẹ. Sang những ngày Xuân (từ mùng 1 đến mùng 5) con được chơi Tết thoải mái.

Trong thời gian con làm bài tập Tết, bố mẹ không cần kè kè bên cạnh. Tuy nhiên, khi chuông reo hết giờ, bố mẹ cần xuất hiện để kiểm tra xem con đã làm xong phần bài đó chưa. Nếu chưa, yêu cầu con ngừng lại và chịu phạt. Nếu con làm sai, làm ẩu, bố mẹ cũng tính phần đó là chưa xong.

Sang xuân, chọn ngày đẹp, bố mẹ cho con khai bút đầu xuân. Việc làm trong đợt khai bút sẽ là số bài còn lại mà con chưa làm hết từ trước. Nếu các bạn đã làm xong rồi, bố mẹ cho các con chép 1 vần thơ Tết rồi đi chơi".

Trước những bài tập Tết đặc biệt các giáo viên hay giao cho học sinh như giúp bố mẹ dọn dẹp, chúc Tết... bà Hương cho rằng: "Bài tập đó là tư vấn cho phụ huynh chứ không phải giao cho học sinh. Chúng ta nên tránh hoạt động mang tính hình thức, bài tập này chỉ mang hình ảnh cho cô, không ý nghĩa cho học sinh".

Tiến sĩ giáo dục: Phải giao bài tập Tết cho học sinh để quen với trách nhiệm-2
Chuyên gia giáo dục độc lập Vũ Thu Hương. Ảnh: NVCC

Nghỉ Tết bao nhiêu là đủ?

Cũng liên quan đến việc nghỉ Tết, theo Tiến sĩ Thu Hương, học sinh Hà Nội nghỉ Tết 8 ngày là phù hợp, vừa phải, còn các tỉnh thành khác cho học sinh nghỉ hơi nhiều. "Chúng ta chưa tìm được phương án tổ chức cho học sinh vui chơi, giải trí nên nghỉ Tết dài rất phí", bà Hương nói.

Từ đó, có ý kiến cho rằng cần thêm kỳ nghỉ đông cho học sinh Việt Nam, bà Hương phản đối: "Muốn chia nhỏ các kỳ nghỉ thì phải tổ chức cho học sinh hoạt động. Nhốt các em ở trong nhà là điều không nên, dễ xảy ra nhiều hệ lụy. Thời tiết Việt Nam lạnh không nhiều so với các quốc gia khác, các đợt lạnh cũng không quá 10 ngày. Việc nghỉ đông trong khi học sinh đang đi học bình thường thì vô lý.

Còn có phụ huynh cho rằng cho con đi học trong trời rét là để rèn luyện ý chí vươn lên. Tôi cũng không đồng ý vì rèn luyện cho con không nhất thiết phải bắt đi học. Trẻ nghỉ ở nhà khi trời rét đậm, rét hại là hợp lý chứ không phải lao ra đường để rèn luyện sức chịu đựng. Điều quan trọng là bản thân phụ huynh tự ý thức được cần cho con trải nghiệm chứ không phải là tìm mọi cách để cho con bình an như bắt con tránh xa dao kéo hay tất cả mọi thứ gây ra vết thương".

Theo Dân Việt

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tiến sĩ giáo dục: 'Phải giao bài tập Tết cho học sinh để quen với trách nhiệm'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO