Mỏi mòn chờ bệnh viện mới
Theo ghi nhận của PV Báo Lao Động, hiện tại, Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang (phường 1, TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) đã xuống cấp, một số giường bệnh đã rỉ sét, đặc biệt là hành lang lối đi phải tận dụng để làm giường bệnh. Bên cạnh đó, khuôn viên của Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang cũng được tận dụng làm bãi giữ xe.
Tuy nhiên, Dự án bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang đã xây dựng hoàn thành nhưng lại chưa thể đưa vào hoạt động do vướng mắc trong công tác di dời khiến người dân ngao ngán.
Ông Phan Văn Mới (ngụ ở tỉnh Tiền Giang) cho biết, Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang đã xuống cấp.
Tất cả diện tích trong khuôn viện của bệnh viện được khai thác, tận dụng tối đa để thực hiện công tác khám, chữa bệnh. Người dân chỉ mong di dời bệnh viện càng sớm càng tốt, có cơ sở khang trang để người dân đi khám, chữa bệnh được tốt hơn.
Tương tự như ông Mới, nhà gần Dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang mới xây dựng xong, ông Nguyễn Văn Cừ (ngụ ở TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) cho biết, Dự án công trình Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang đã hoàn thành nhưng không thể đưa vào sử dụng khiến người dân rất bức xúc. Rất mong cơ quan chức khẩn trương chỉ đạo để Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang mới sớm đưa vào sử dụng, tạo điều kiện cho người dân có nơi khám, chữa bệnh và điều trị khang trang.
Vẫn chưa thể di dời
Ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, các gói thầu thi công Dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang đã hoàn thành đúng tiến độ.
Cụ thể, các hạng mục thi công sang nền, hạ tầng kỹ thuật, nền đường, vỉa hè cây xanh, thi công xây dựng và mua sắm lắp đặt thiết bị trạm biến áp đã hoàn thành tháng 11 năm 2021. Đối với các hạng mục thi công xây dựng và mua sắm lắp đặt thiết bị công trình chính gồm 4 khối nhà và công trình phụ trợ hạng mục hạ tầng kỹ thuật cũng đã hoàn thành nghiệm thu từ tháng 3 năm 2021.
"Đến ngày 25.7.2022 chủ đầu tư đã bàn giao Dự án công trình Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang cho đơn vị thụ hưởng để đưa vào khai thác, sử dụng. Nhưng đến nay bệnh viện này vẫn chưa đưa vào hoạt động" - ông Vĩnh cho hay.
Theo ông Vĩnh, nguyên nhân Dự án công trình Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang chậm đưa vào hoạt động do phải tiến hành di dời hơn 600 hạng mục thiết bị từ Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang cũ sang Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang mới.
Tuy nhiên, thời gian qua, việc tổ chức đầu thầu để di dời các trang thiết bị đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang mới xây gặp nhiều khó khăn, ít có nhà thầu tham gia.
Qua nhiều lần gia hạn đấu thầu, đến nay vẫn mới tổ chức đấu thầu được 1/3 gói thầu. Đặc biệt, 2 gói thầu cần phải di dời là hệ thống không lắp đặt và các hệ thống máy lắp đặt quy mô lớn, quan trọng, rất khó chọn được nhà thầu do công tác này rất khó khăn, phức tạp; việc di dời phải tháo gỡ máy móc và phải được sự chấp thuận từ các hãng cung cấp thiết bị ngoài nước.
Bên cạnh đó, các nhà thầu ngại trách nhiệm nên không tham gia vì máy đã qua sử dụng lại có giá trị lớn và ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Tiền chi cho di dời thì không bao nhiêu nhưng trách nhiệm lại rất lớn.
Ông Nguyễn Văn Vĩnh cũng cho biết thêm, trong thời gian tới, UBND tỉnh Tiền Giang tiếp tục chỉ đạo khẩn trương để sớm đưa bệnh viện mới đi vào hoạt động.
Dự án công trình Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang có tổng kinh phí 2.350 tỉ đồng. Trong đó, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ là 1.750 tỉ đồng, còn lại 600 tỉ đồng từ ngân sách địa phương. Thời gian thực hiện từ năm 2017 đến năm 2022. Quy mô đầu tư Dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang 1.000 giường, được xây dựng tổng diện tích trên 10ha tại xã Phước Thạnh, TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Trong đó, diện tích xây dựng trên 23.000m2. Dự án công trình có 4 khu chức năng chính gồm: Khối nhà chính, khối nhà dinh dưỡng, khối nhà truyền nhiễm, khối nhà tang lễ và các công trình phụ trợ khác.