Điện ảnh Việt đang một màu với việc làm phim chỉ chăm chăm doanh thu |
Trên khắp các phương tiện truyền thông, những người đưa tin đã cập nhật hàng ngày, hàng giờ chủ đề: Phim này làm hết bao nhiêu tiền? Trong ngày đầu tiên, phim kia thu được mấy tỷ? Trong ba ngày đầu, phim của danh hài nọ đã đạt doanh thu bao nhiêu?... Chưa hết, các nhà truyền thông còn được các nhà sản xuất cung cấp những thông tin chi tiết hơn về giá trị thương mại của một cảnh hay một trường đoạn. Chẳng hạn, tràn ngập các trang tin điện tử là cảnh lật ghe của phim kia đã tốn hết mấy tỷ? Cảnh làm ngập úng của đạo diễn này hết bao nhiêu tiền? Cảnh đấm đá trong nhà kho của cô diễn viên hành động kia đáng giá cả triệu USD. Catse của danh hài X trong phim này bao tỷ. Trang phục của diễn viên Y đáng giá cả một biệt thự v.v… Khi một bộ phim công chiếu, nhà sản xuất lo đếm tiền. Rạp chiếu lo thu tiền. Đạo diễn, diễn viên cũng hồi hộp vì tiền. Nhà truyền thông múa may như Tôn Ngộ Không cũng chỉ vì mục đích bắt người xem thò tay vào túi rút tiền. Viết đến đây, tôi chợt nhớ đến câu nói của Benjamin Franklin, một trong những nhà sáng lập nước Mỹ: “Tiền chưa bao giờ và sẽ không bao giờ làm cho con người hạnh phúc. Bản chất của tiền không thể mang lại hạnh phúc. Càng có nhiều tiền, càng ham muốn nhiều. Thay vì làm đầy tiền lại tạo ra một cái máy hút bụi”.
Điện ảnh Việt hiện nay đang tạo ra thị trường chứ chưa tạo ra bản sắc |
Hình ảnh “cái máy hút bụi” cũng có thể trở thành hình ảnh ẩn dụ của đa phần phim Việt Nam hiện nay. Nhiều cái máy hút bụi không những không hoạt động còn nhận được rất nhiều gạch đá của dư luận. Họ không thể chịu đựng nổi những cái máy không những cũ kỹ, lạc hậu mà còn cả gan dạy dỗ người xem. Đồng tiền không những mang lại cho những người làm phim này sự bất hạnh mà còn giúp họ bộc lộ những sự kém cỏi của chính họ mà lâu nay, được giấu kỹ dưới những danh hiệu mỹ miều.
Lâu rồi chúng ta không có những bộ phim để lại dấu ấn với quốc tế như Thương nhớ đồng quê |
Nên có cách sử dụng hiệu quả nguồn tiền do nhà nước đặt hàng làm phim hiện nay ví dụ như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh
Một câu chuyện khác về tiền cũng cần được kể nhưng ở sắc thái khác. Đó là dòng tiền nhà nước tài trợ cho các phim đặt hàng. Hàng năm, người ta vẫn thấy lác đác vài phim do các hãng phim nhà nước sản xuất. Nhưng hầu như không được dư luận truyền thông chú ý. Bởi các Hãng phim nhà nước hiện nay hầu như không có tiếng nói trên thị trường điện ảnh. Và sản phẩm của các hãng phim này, dường như, dư luận không biết chiếu ở đâu? Chiếu khi nào? Doanh thu bao nhiêu? Đặc biệt, hiệu quả của công tác tuyên truyền của dòng phim này cũng không ai đánh giá một cách xác thực. Đó thực sự là một sự lãng phí tiền của nhà nước, tiền thuế của dân. May mắn cho các Hãng phim nhà nước, các đạo diễn làm những phim không một tiếng vang bằng tiền ngân sách là không bị giới truyền thông soi chiếu. Bởi, hình như, các cây viết của giới truyền thông còn rất trẻ, và có thể họ không biết về sự tồn tại của các hãng phim nhà nước. Hoặc do các diễn viên không nổi, hoặc do các đạo diễn không ai biết v.v… Đây là một dòng tiền quan trọng, nhưng do việc sử dụng không hiệu quả nên rơi vào sự lãng quên đâu đó.
Thị trường dẫn dắt điện ảnh nên phim Việt hầu hết chỉ quanh quẩn bó hẹp với đề tài hài, hành động và kinh dị |
Các doanh nghiệp văn hoá phục vụ công chúng không thể lấy mục đích duy nhất là kiếm tiền. Một chân lý từ lâu đã được khẳng định – tiền không thể làm ra nghệ thuật. Nhưng làm nghệ thuật rất cần đến tiền. Nhưng ngoài tiền ra, còn nhiều thứ khác mà giá trị của chúng không thể định lượng được. Đó là tài năng. Đó là sáng tạo. Một khi mà tài năng và sáng tạo của nghệ sỹ được tôn trọng bằng những giá trị nghệ thuật chứ không phải giá trị đồng tiền, lúc đó, may ra, chúng ta mới có một nền điện ảnh chân chính. Một nền điện ảnh cần có những tác phẩm chính kịch xứng đáng, cần có những câu chuyện mang bản sắc văn hoá Việt Nam, cần có những nhân vật mang vẻ đẹp tâm hồn, cá tính người Việt. Không phải như hiện nay, chúng ta chỉ có những bộ phim, gọi là thành công, đều có chút hài, chút hành động, chút melo v.v… Nhưng dấu ấn của sự kiếm tiền lấn át hết mọi thứ gọi là nghệ thuật.
Một nền điện ảnh cần phải có những tác phẩm chính kịch xứng đáng, cần có những câu chuyện mang bản sắc văn hoá Việt Nam, cần có những nhân vật mang vẻ đẹp tâm hồn, cá tính người Việt. Không phải như hiện nay, chúng ta chỉ có những bộ phim, gọi là thành công, đều có chút hài, chút hành động, chút melo v.v… |
Đoàn Tuấn