Tiêm vaccine COVID-19 đối phó với nguy cơ làn sóng dịch mới

Lệ Hà| 29/08/2022 10:58

Năm học mới đã tới gần nhưng còn nhiều tỉnh, thành tỉ lệ tiêm vaccine COVID-19 rất chậm, đặc biệt ở nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi có 5 tỉnh, thành tiêm mũi 2 mới đạt dưới 36%, thấp hơn nhiều tỉ lệ bình quân chung của cả nước.

Tiêm vaccine COVID-19 đối phó với nguy cơ làn sóng dịch mới
Tiêm vaccine cho học sinh. Ảnh: Hải Nguyễn

Theo Bộ Y tế, tính đến ngày 29.8, về tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, đến nay trên toàn quốc tổng số mũi vaccine đã tiêm cho trẻ trong độ tuổi này là 15.198.299, trong đó:

Mũi 1: 9.240.404 trẻ (đạt tỉ lệ 82,9%); tăng 0,2% so với ngày trước đó.

5 tỉnh, thành có tỉ lệ tiêm thấp dưới 67% là: Đà Nẵng (58,6%); Quảng Nam (58,0%); Bình Thuận (66,3%); TP Hồ Chí Minh (54,8%); Bình Dương (60,6%).

Mũi 2: 5.957.895 trẻ (đạt tỉ lệ 53,4%); tăng 0,2% so với ngày trước đó;

5 tỉnh, thành có tỉ lệ tiêm thấp dưới 36% là: Đà Nẵng (21,3%); Quảng Nam (19,7%); Đắc Lắc (35,5%); TP HCM (31,5%); Bình Dương (27,2%).

3 tỉnh có tỉ lệ tiêm cao: Bắc Giang (85,1%); Sóc Trăng (91,1%); Vĩnh Long (81,0%).

Theo nhận định của các chuyên gia y tế, trước đây, khi dịch tạm lắng, số ca nhiễm giảm mạnh, theo nhiều dự báo, không riêng gì tại Việt Nam, sau khoảng 4-5 tháng có thể có một làn sóng dịch nhưng nhỏ dần nếu quần thể dân cư được tiêm chủng đầy đủ. Việt Nam đang có làn sóng dịch mới. Số ca mắc sẽ tăng lên, giống như nhiều quốc gia khác đang ghi nhận tương tự do sự xuất hiện của các biến chủng mới.

Nguy cơ mắc bệnh, chuyển nặng trong làn sóng dịch mới rất dễ rơi vào nhóm trường hợp không tiêm đủ mũi 3, mũi 4.

Theo PGS.TS Phạm Quang Thái - Trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng miền Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương: Với nhóm trẻ 12 tuổi, chỉ cần hoàn thành các mũi tiêm cơ bản là đã bảo vệ trẻ rất tốt. Riêng chỉ có những trường hợp đặc biệt như trẻ bị suy giảm miễn dịch hoặc sử dụng các liệu trình điều trị có thể dẫn đến suy giảm miễn dịch thì mới nên tiêm mũi 3. Trong trường hợp đó, mũi 3 có thể tiêm ở tháng thứ 3 sau khi hoàn thành 2 mũi cơ bản.

"Như đã nói ở trên, việc hoàn thành đủ mũi vaccine, ngoài tác dụng bảo vệ cho chính những người được tiêm mà thông qua đó hạn chế bớt khả năng lây nhiễm của người không may mắc bệnh sang cho người khác (thời gian đào thải virus ngắn hơn, hồi phục nhanh hơn và miễn dịch tạo ra cũng mạnh mẽ hơn, hạn chế tái nhiễm). Đây chính là nền tảng cho miễn dịch cộng đồng. Ở các quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng cao, việc xuất hiện các biến chủng mới chủ yếu là do xâm nhập, không phải các biến chủng này được hình thành tại các quốc gia như vậy. Nếu tất cả các nước đều thực hiện tốt việc tiêm vaccine thì bệnh lẽ ra được khống chế sớm hơn", PGS.TS Phạm Quang Thái phân tích.

Vaccine COVID-19 hiện tại có khả năng hạn chế trong việc phòng lây nhiễm đối với các chủng virus SARS-CoV-2 đột biến. Tuy nhiên, các nghiên cứu trên thế giới đều cho thấy những vaccine này vẫn phòng được thể nặng và nguy cơ nhập viện cũng như phòng các triệu chứng hậu COVID-19. Ngoài ra, những người được tiêm vaccine COVID-19 sẽ đáp ứng tốt hơn khi họ nhiễm virus và miễn dịch tạo ra cũng mạnh mẽ hơn nhiều so với người không tiêm và từ đó sẽ tạo ra miễn dịch cộng đồng hạn chế khả năng lây nhiễm của virus. Đây chính là giá trị cốt lõi của vaccine và cũng là lý do tại sao vaccine COVID-19 phải được triển khai mạnh mẽ.

Trong bối cảnh số ca nhiễm tăng, ca nhập viện tăng, tiêm đủ mũi vaccine COVID-19 càng khẳng định giá trị.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tiêm vaccine COVID-19 đối phó với nguy cơ làn sóng dịch mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO