“Có tiền thì trả, không thì thôi”
Tiệm sửa xe nhỏ, rộng đâu đó chừng 30 mét vuông với ngổn ngang phụ tùng sẽ bình thường như những tiệm xe khác nếu không có tấm bảng thu hút người đi đường với dòng chữ “tìm bạn không dính vào tiền. Cho vay mất bạn, cho nợ mất khách. Đòi suốt thì ngại, để lâu thì quên. Vui lòng không nợ, không tiền cũng vá. Đừng ngại”.
Được biết, ông Vinh hành nghề sửa xe đã 30 năm. Ban đầu, ông sửa xe đạp ở vỉa hè, về sau, khi xe đạp không còn thịnh hành ông mới chuyển sang sửa xe máy. Suốt thời gian hành nghề, chứng kiến nhiều người hư xe giữa đường nhưng không có tiề hoặc quên mang theo tiền, ông Vinh làm tấm bảng để mọi người chủ động ghé vào tiệm. “Tôi thấy nhiều người bị hư xe nhưng không có tiền hoặc mang quên tiền rồi sợ bị hét giá, không dám vào tiệm, tôi treo bảng để họ thoải mái vào sửa. Sửa xong, người nào có tiền thì trả, không thì thôi. Nhiều người còn khổ lắm, tôi cũng không muốn lấy của họ làm gì”, ông Vinh thật thà nói.
Thấm nỗi nhọc nhằn của cảnh nghèo, ông Vinh muốn san sẻ với những mảnh đời cơ cực. Mỗi ngày, ông Vinh nhận hàng chục cuộc gọi nhờ sửa xe miễn phí. Dù không kiếm được đồng nào, người đàn ông này vẫn luôn sẵn lòng giúp đỡ người lạ trong cảnh ngặt nghèo. “Ngày nào cũng có người gọi đến nhờ tôi sửa xe giúp. Có nhiều lúc tôi về thăm nhà trên Quận 1, mà người ta gọi thì tôi cũng chạy về liền. Người ta cần người ta mới gọi, giúp được họ tôi cũng thấy vui, thấy nhẹ lòng. Còn tiền bạc thì ai mà không khoái, ai cũng thích, nhưng lo kiếm đồng tiền mà không lo giúp đỡ thì cũng chẳng có gì cả. Mình giúp người ta, sau này có gì người ta giúp người khác nữa. Cũng có nhiều người ghé lại đưa cho tôi trái cây, đồ ăn, đủ thứ hết, dễ thương lắm”. Ông Vinh tâm sự.
Tiệm "Sửa xe ngày và đêm" của ông Vinh hoạt động 24/24, lúc nào cũng trong tư thế chào đón khách. Lo lắng khách ngại gọi sửa xe lúc đêm khuya, ông Vinh treo hẵng 4 cái bảng có chữ “đừng ngại” để trấn an khách hàng. Ông Vinh cho hay: “Lúc nào đi ngủ tôi cũng để điện sáng và mở hé cửa, đồ đạc hay phụ tùng gì cũng để nguyên như vậy, không dọn vào để người ta có hư xe thì cứ vào gọi tôi dậy sửa”.
Để ai cũng được về nhà, không lỡ đường
Không chỉ vá xe miễn phí, bơm xe miễn phí mà ông Vinh còn tặng xăng cho những người lỡ đường trong hoàn cảnh khó khăn mà không cần đáp trả. Ông Vinh cho biết: “Xăng tôi trữ trong hai chiếc xe máy. Lúc nào thấy có người cần thì tôi cho, tôi hỏi xem người ta về tới đâu rồi cho người ta một hai lít. Ai mà về quê hay nhà ở xa mà không có tiền thì tôi cho thêm 5 chục, một trăm để lỡ đi trên đường mà có hết thì người ta đổ thêm để còn về nhà”.
Chỉ tay lên giá đựng lốp xe, chú Vinh giới thiệu đây là lốp xe để thay miễn phí cho những người gặp khó khăn: “Mấy cái lốp này, mới có, cũ cũng có. Có mấy công ty mà người ta phá sản, người ta bán rẻ thì tôi mua lại. Rồi xe người ta đến thay lốp, tôi thấy còn mới quá, tôi sửa lại rồi để đó, xếp ngăn nắp để thay cho những người vỏ hư nhưng không có điều kiện”.
Cặm cụi bao năm trong tiệm sửa xe nhỏ, ông Vinh đã giúp biết bao người không may lỡ đường về nhà. Niềm vui giản dị ấy là động lực cho người thợ sửa xe gắn bó với công việc ý nghĩa này: “Cái nghề này cũng cho tôi nhà cửa ổn định, nuôi được con cái ăn học thành tài hết rồi, không cần phải lo cơm áo gạo tiền gì, giờ tôi giúp được ai thì tôi cứ giúp thôi, cái ruột xe mấy chục ngàn, bơm hơi cũng đâu đáng bao nhiêu tiền đâu, Tôi có bao nhiêu tôi giúp bấy nhiêu, mà làm được việc tốt tôi cũng vui”, ông Vinh cười hiền.
Anh Lê Huỳnh (34 tuổi, shipper) là khách quen ở cửa tiệm của ông Vinh, mỗi lần xe gặp vấn đề hay bị hư lốp anh đều ghé tiệm của ông Vinh, sửa xe ở đây anh thấy yên tâm. “Lần nào bị hư lốp là tôi đến tiệm chú Vinh, vá ở chỗ chú tôi không bao giờ hỏi bao nhiêu tiền vì lần nào chú cũng âm thầm giảm giá. Đất Sài Gòn mà gặp được người như chú thì hiếm lắm, tôi tin tưởng tuyệt đối ở chú Vinh. Không chỉ riêng tôi mà rất nhiều người là shipper hoặc chạy xe ôm đều đến tiệm chú vá xe, tại vì yên tâm, không sợ bị chặt chém gì mà đôi khi còn được bơm xe miễn phí”, anh Huỳnh chia sẻ.
Không chỉ anh Huỳnh, người dân ở đường Âu Cơ, quận Tân Phú ai ai cũng quý mến việc làm quá đỗi ý nghĩa và nhân văn của ông Vinh. “Không chỉ xe máy đâu, xe đạp khu này là ổng sửa miễn phí hết. Đi chợ mà có lỡ may bị xì bánh là đem qua tiệm chú Vinh bơm, ổng nhiệt tình, dễ thương lắm. Cái việc ổng làm nó quá tuyệt vời, không phải ai cũng làm được, tôi trân quý vô cùng”, cô Hoa (56 tuổi, người dân ở đường Âu Cơ) cho hay.
Một tiệm sửa xe nhỏ nhưng bất cứ ai ghé qua một lần cũng sẽ đều không quên. Không quên bởi sự tận tình giúp người giúp đời mà không màng đến sự trả ơn. Không quên bởi một việc làm quá đỗi ý nghĩa và nhân văn đi qua một "cái dạ" tốt lại biến thành chuyện rất đỗi bình thường giữa những con người xa lạ với nhau. Người ta chẳng thèm để tâm xem bản thân sẽ là người bỏ ra hay nhận lại, vậy thì ai còn cần quan tâm đến sự thống kê của các con số khi việc làm ấy vẫn đang diễn ra hàng ngày hàng giờ?.