Tiệm sách miễn phí giữa Sài Gòn

An Thanh| 14/10/2023 12:12

Cứ đến 3 giờ chiều, tiệm sách Phật học của bác Nguyễn Ngọc Cần (72 tuổi) lại râm ran tiếng nói cười của những người đến mượn, trả sách, sao chép đĩa kinh, có người ngồi bên ly trà bàn luận chuyện Phật pháp.

z4780406518127_5775d2264b0103187deeef93714cc95e.jpg

Tiệm sách miễn phí

Tọa lạc trên con đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, TP.HCM, diện tích vỏn vẹn trong 10 mét vuông, thế nhưng hơn một thập kỷ nay, tiệm sách Phật học của bác Cần vẫn thu hút đông đảo những người yêu sách từ  già đến trẻ ghé qua mỗi khi chiều về.

Đến với tiệm sách nhỏ, khách được cho mượn và đọc sách miễn phí mà không cần phải đặt cọc hay ghi biên nhận. Đặc biệt là không bắt buộc phải trả lại sách và dù có mất cũng không phải đền. Còn với những người đến đây để mua sách, chủ tiệm cũng rất sẵn lòng bán lại sách với giá rẻ. Bác Cần cho biết, tiệm sách hoạt động dựa trên sự tin tưởng, bác không quan tâm đến việc lợi nhuận hay thua lỗ, mà chỉ mong muốn chia sẻ tri thức và Phật pháp cho mọi người. Tiêu chí hoạt động này đã được bác thực hiện suốt 15 năm nay.

z4780417853474_a28944bd786e4d76e483ac0aaaf57852.jpg

Là một người mê sách, trước đây do không có điều kiện để mua nên bác Cần chọn cách đi mượn về đọc. Đến khi điều kiện khác hơn, bác mong muốn có thể tạo ra một không gian mà những người yêu đọc sách có thể thoải mái lựa chọn những cuốn sách mình vừa ý và thưởng thức.

“Tôi là một người rất ham học hỏi, lúc trước, học ở trường cảm thấy chưa đủ nên tôi đọc sách để học hỏi thêm nhiều điều. Qua sách vở tôi thấy hiểu biết của mình được nâng cao, có thể ứng dụng được nhiều điều vào trong cuộc sống, điều này làm tôi cảm thấy tuyệt vời. Do đó, sau này có điều kiện, tôi cũng tạo điều kiện cho nhiều người đến với sách để nâng cao hiểu biết, sống tốt cho bản thân, cho gia đình và xã hội”, bác nói.

Đến thời điểm hiện tại, tiệm sách Phật học đã có trên 10.000 đầu sách khác nhau, được sắp xếp vào các kệ, ghi chú cẩn thận và phân ra từng loại cho khách dễ lựa chọn. “Tất cả sách ở đây đều được tôi đi sưu tầm và mua ở các nhà sách lớn. Mỗi nhà sách có đặc thù của một số loại sách, tôi đi cũng mười mấy chỗ. Trong quá trình tiệm sách hoạt động, có nhiều người thấy hay, thấy ý nghĩa rồi họ tặng thêm sách. Cũng có những người từng đọc ở đây, giờ họ có điều kiện hơn thì quay lại tặng. Do đó, sách ở đây ngày càng phong phú hơn”, bác Cần chia sẻ.

z4780423328993_fd9773db145238f50d29c30e8f2a07fa.jpg

Bác Cần cũng cho biết thêm, sách kinh Phật chiếm 60% số sách ở cửa tiệm, 40% còn lại là các loại sách khác về y học, khoa học, kiến thức phổ thông, triết học, thiếu nhi, văn học, học làm người,... Sở dĩ, sách kinh Phật nhiều hơn các loại sách khác bởi bác muốn chia sẻ nguồn sách Phật chính thống đến mọi người. “Tôi đọc kinh Phật, thấy triết lý của nhà Phật hay quá, sâu sắc quá nên tôi muốn chia sẻ những kiến thức này cho nhiều người cùng biết để họ có cái nhìn sâu sắc, toàn diện về thế giới và bản thân, không bị lệ thuộc vào những quan niệm sai lầm hay thiên lệch. Bên cạnh đó, tôi cũng biết nhiều người muốn tu tập nhưng tìm sai nguồn dẫn đến lãng phí thời gian”, bác Cần lý giải.

Niềm vui tuổi già


Tiệm sách Phật học mở cửa từ 3 giờ chiều đến 22 giờ tối. Với bác Cần, tiệm sách không chỉ nơi đến kết nối với những người yêu thích văn hóa đọc, mà còn là niềm vui tuổi già.

“Tôi thấy vui khi được nhìn thấy mọi người đến với tiệm sách dần thay đổi về cách sống, quan niệm sống, trở nên tốt hơn. Bên cạnh đó, một số người đang gặp vướng mắc trong cuộc sống, trong các mối quan hệ, kinh tế, tài chính,... họ cũng tìm đến đây, và nhờ tiếp xúc với những người ở tiệm sách hoặc với sách mà họ chuyển hóa, biết cách cân bằng cuộc sống, suy nghĩ lạc quan để tâm hồn nhẹ nhàng hơn”, bác Cần tâm sự.

Được bạn bè giới thiệu, chị H Thoa Ktla (sinh viên năm 4, trường Đại học KHXH và Nhân Văn - ĐHQG TP.HCM) tìm đến đây mỗi tuần để tìm vài quyển sách yêu thích. “Mình thích không gian ở đây, dù ngoài đường xe cộ tấp nập nhưng bước vào tiệm sách vẫn cho mình cảm giác tĩnh tâm. Mình thích sách nhưng mình vẫn còn phải lo nhiều kinh phí khác cho cuộc sống nên mình tìm đến đây, vừa có thể tìm cho mình một vài cuốn sách ưng ý, vừa có thể cảm nhận sự yên bình giữa Sài Gòn tấp nập”, Thoa nói.

z4780427961381_20165a4179ec5d3b6592cf040019e67e.jpg

Anh Hồ Sỹ Hoan (37 tuổi, quận thủ Đức) cũng thường xuyên lui tới tiệm sách Phật học. “Tôi rất thích đọc sách về triết lý đạo Phật nên tôi hay đến đây. Tôi cũng bận nên để đọc hết một quyển sách thì rất lâu, mượn sách ở tiệm của chú Cần thì không phải áp lực thời gian đọc nên tôi rất hoan hỉ. Phải nói, hoạt động của tiệm sách quá ý nghĩa, quá quý giá”, anh Hoan bày tỏ.

Không chỉ là nơi chia sẻ tri thức, quầy sách Phật học còn là nơi chia sẻ tình người. Người đến mượn sách, đọc sách được mời trà, kẹo đậu phộng hay vài miếng bánh ngọt miễn phí bên chiếc bàn tre kê thấp. Với các bạn sinh viên, bác Cần còn chuẩn bị sẵn mì gói để tiếp sức lỡ khi đói

z4780427952470_79f37d5df923a715dae8efff2a93ad08.jpg

Bên cạnh đó, là một người tu hành, có pháp danh là Tuệ Trung, bác Cần cũng luôn sẵn sàng trò chuyện và giải thích về Phật pháp cho những ai quan tâm. Bác cho biết, mong muốn lớn nhất của bác là phổ biến Phật pháp đến mọi người. “Triết lý Phật pháp sâu sắc lắm, vi diệu lắm. Hiểu được triết lý đó thì cuộc sống sẽ nhẹ nhàng, tâm hồn của mình sẽ luôn lạc quan và thanh thản giữa cuộc sống đầy hối hả, xô bồ”, bác Cần bộc bạch.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tiệm sách miễn phí giữa Sài Gòn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO