Văn phòng, xí nghiệp dễ lây lan cúm
Môi trường thường hình thành dịch cúm là ở các nhà máy, xí nghiệp, khu văn phòng kín, nơi tập trung đông người thường xuyên tiếp xúc gần. Cúm thường phát triển mạnh với 2 đỉnh dịch hè - thu và đông - xuân. Do đó, vào mùa đông năm nay, nguy cơ cúm mùa có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống, công việc của nhiều người, nhất là khối nhân viên văn phòng, công nhân.
Virus cúm phát tán trong không khí nhanh chóng thông qua dịch tiết đường hô hấp từ khoảng cách xa đến hơn 2m. Virus cúm có khả năng bám vào các loại vật dụng như mặt bàn, điện thoại, cốc nước, đũa, bát,… và tồn tại đến 48 giờ.
Nhân viên văn phòng, công nhân làm việc và sinh hoạt chung trong một khuôn viên đông đúc, khép kín, giao tiếp thường xuyên với nhau dưới khoảng cách 2m nên khó tránh khỏi lây nhiễm chéo khi đồng nghiệp mắc cúm.
Thời gian ủ bệnh của cúm là khoảng 2 ngày, tức là thời gian bệnh nhân đã nhiễm virus cúm nhưng chưa có triệu chứng. Trong giai đoạn này, người bệnh đã có khả năng lây nhiễm ra xung quanh.
Anh Nguyễn Phước Thành Tâm (35 tuổi, sống tại quận 10, TPHCM) chia sẻ: "Công ty tôi đang bùng lên dịch cúm. Ban đầu là một người trong nhóm nhiễm bệnh sau đó lây lan sang cả phòng. Ở nhà còn có ông bà và con nhỏ, tôi sợ nên xin làm việc tại nhà. Tôi đã đi tiêm vaccine cúm để cảm thấy yên tâm hơn".
Nguy cơ nhiễm virus kép trong thời tiết giao mùa
Thời tiết thay đổi là điều kiện thuận lợi để virus cúm mùa phát triển. Trong khi đó, Covid-19 vẫn ở mức nguy cơ cao. Trong một bài phỏng vấn của tạp chí Time với Tiến sĩ Khalilah Gates - chuyên gia các bệnh về phổi của Đại học Northwestern đã đề cập đến nỗi lo khi người bệnh nhiễm Covid-19 kết hợp với virus cúm mùa chủng A, B, C sẽ dẫn đến siêu lây nhiễm khiến tình hình tệ hơn.
Người nhiễm đồng thời Covid-19 và cúm trở nặng phải thở máy cao gấp 4 lần và nguy cơ tử vong cao gấp 2,4 lần so với người chỉ bị nhiễm một trong hai loại virus.
Cả bệnh cúm và Covid-19 nặng đều có thể gây ra các biến chứng như: viêm phổi, hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS), nhiễm trùng huyết, tổn thương tim, suy đa cơ quan, tình trạng bệnh mạn tính nghiêm trọng hơn, viêm cơ tim, não hoặc các mô cơ, nhiễm trùng thứ phát,…
Tăng hiệu suất lao động bằng cách tiêm vaccine
Trong một nghiên cứu năm 2021 về ảnh hưởng của cúm mùa đến chất lượng làm việc toàn thế giới cho thấy, ở một số nơi, người lao động nghỉ dưỡng bệnh do cúm trung bình khoảng 3,7 - 5,9 ngày. Ở Mỹ, ước tính 60,6% lao động có thể mất 48 giờ nghỉ việc do cúm và trung bình hao hụt 27,48 USD cho một giờ nghỉ làm. Do đó, doanh nghiệp có thể mất 17,5 tỷ USD hằng năm do cúm.
Phủ vaccine phòng cúm sớm trên diện rộng ở khu văn phòng và xí nghiệp có nhiều lợi ích cho cả doanh nghiệp và người lao động. Với cá nhân, việc được tiêm phòng cúm sẽ giúp tinh thần và năng suất làm việc có thể tăng cao. Do đó, khi doanh nghiệp có kế hoạch tiêm phòng cúm sớm sẽ giúp giảm chi phí phát sinh từ việc người lao động nghỉ làm dưỡng bệnh, nhất là trong trường hợp dịch bùng phát.
Bên cạnh các biện pháp phòng ngừa như rửa tay bằng xà phòng, giữ ấm, ăn uống đủ dinh dưỡng để tăng đề kháng,… tiêm vaccine chống cúm mùa sẽ là biện pháp ngăn chặn sự lây lan.
Trong đợt khám sức khỏe tổng quát, chị Trần Bích Thủy, nhân viên của một công ty tại TPHCM chia sẻ: "Công việc của tôi thường xuyên đi gặp khách hàng, tiếp xúc với nhiều người nên khả năng nhiễm cúm cao. Trước khi công ty cho tiêm vaccine, tôi đã mắc cúm 3 lần phải nghỉ làm ở nhà dưỡng bệnh, ảnh hưởng tới công việc chung và thành tích cá nhân. Từ hôm được tiêm phòng, tôi yên tâm hơn vì không chỉ bảo vệ được bản thân, tự tin ra ngoài làm việc mà còn ngăn ngừa lây nhiễm bệnh cho các con và mẹ già ở nhà".
Trong trường hợp công ty chưa có chính sách tiêm vaccine cúm cho người lao động, mỗi người có thể chủ động đến các cơ sở y tế tiêm ngừa để nâng cao chất lượng sống và tăng hiệu suất công việc.
Các khuyến cáo của Hệ thống giám sát và ứng phó với dịch cúm toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO - GISRS) đã giúp các nhà sản xuất cải tiến vaccine có thể kháng lại hầu hết các loại virus cúm mùa mới và ứng biến với nguy cơ phát dịch.
Hiện nay, Việt Nam đã có vaccine cúm tứ giá xuất xứ từ Hà Lan, Pháp, giúp nâng cao phòng ngừa 4 chủng cúm thường gây ra dịch cũng như những biến chứng nguy hiểm (2 chủng cúm A "H1N1, H3N2" và 2 chủng cúm B "Yamagata" và "Victoria").
BS CKII. Lê Tấn Phong
Nguyên trưởng đơn vị Covid-19, Trưởng Khoa A6, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch
Tiêm phòng cúm trong giai đoạn hiện nay quan trọng. Trẻ từ 6 tháng tuổi, người lớn, người cao tuổi và người có bệnh nền, có thể đến các trung tâm tiêm chủng, trung tâm y tế dự phòng gần nhất để tiêm vaccine cúm hàng năm nhằm bảo vệ bản thân và gia đình.
Để hiểu thêm về tầm quan trọng của tiêm phòng cúm, độc giả có thể truy cập: .