Tỉ lệ trẻ vị thành niên mang thai có xu hướng gia tăng

ANH ĐÀO| 24/02/2023 21:36

Mặc dù còn ngồi trên ghế nhà trường, thế nhưng nhiều trẻ vị thành niên đã mang thai, điều này gây ra những hệ lụy lớn về cả thể chất và tinh thần cho trẻ.

tai-xuong.jpeg
Trẻ vị thành niên mang thai dễ dẫn đến nhiều hệ lụy nguy hiểm - Ảnh: Internet

Trẻ mang thai vị thành niên liên tục tăng

Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê của Vụ sức khỏe Bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế), tỉ lệ trẻ vị thành niên mang thai trong tổng số người mang thai tăng lên liên tục qua các năm.

Ví dụ, năm 2010 là 2,9%, năm 2011 là 3,1%, năm 2012 là 3,2%. Tương ứng tỉ lệ phá thai ở lứa tuổi này lần lượt là 2,2%, 2,4% và 2,3%.

Mới đây, UBND huyện Sơn Động (Bắc Giang) đã có báo cáo về sự việc nữ sinh lớp 7 tự sinh con tại nhà riêng đang gây xôn xao dư luận.

Nữ sinh này có tên T.T.M.C. sinh năm 2010 và đang theo học tại lớp 7 của trường THCS xã An Bá, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang.

Gia đình cho biết vào khoảng 4h30 sáng ngày 11/2, trong lúc đang ở nhà, cháu C. bất ngờ đau bụng dữ dội. Sau khi vào phòng tắm, C. đã một mình hạ sinh bé trai nặng khoảng 2,7 kg.

Sau khi sự việc xảy ra, mọi người trong gia đình biết tin đã đưa cháu C. cùng bé sơ sinh đến Trung tâm Y tế huyện Sơn Động để chăm sóc sức khỏe. Hiện lực lượng chức năng chưa thể lấy lời khai của C. vì sức khỏe của cháu vẫn chưa ổn định.

Về phía C., nữ sinh lớp 7 cho biết từng có bạn trai là N.V.M. và thường xuyên đi chơi đêm. Khoảng tháng 6/2022 thì cháu C. phát hiện có thai.

Sau đó, C. vẫn tham gia đầy đủ các môn học ở trường như thường lệ, thậm chí cả môn thể dục cũng tham gia đầy đủ.

Tuy nhiên, do C. thường mặc áo khoác rộng, thời gian mang thai cũng là mùa đông nên bị lớp quần áo dày che chắn khiến bạn bè cũng như giáo viên không phát hiện ra sự thay đổi lớn của em.

Gia đình em C. cũng không biết việc này cho đến khi em sinh con. Sau khi C. sinh con, nhà trường cũng đã thăm hỏi, động viên em về tinh thần.

TS.BS Đỗ Minh Loan- Trưởng khoa Sức khoẻ Vị thành niên – Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết tại bệnh viện cũng đã từng tiếp nhận điều trị một trẻ gái 14 tuổi, mang thai và không có kiến thức làm mẹ ở tuổi vị thành niên.

Trẻ mang thai sớm, nhiều hệ lụy

Bác sĩ Loan cho biết vị thành niên là những trẻ từ 10 đến 19 tuổi. Vào thời điểm này, trẻ phát triển các chức năng sinh dục, sinh sản, nhu cầu tình dục xuất hiện và chưa đủ kỹ năng để kiểm soát ham muốn tình dục.

Cùng với sự thiếu hiểu biết về chu kỳ kinh nguyệt, cơ chế thụ thai, các biện pháp tránh thai, quan hệ tình dục không chuẩn bị, không mong muốn, quan hệ tình dục trước hôn nhân, sống thử trước hôn nhân.

Đồng thời, trẻ thiếu tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản, chưa được giáo dục đầy đủ về sức khỏe giới tính, cha mẹ còn hời hợt về việc giáo dục cho con em…

Dẫn đến nguy cơ mang thai ngoài ý muốn rất cao và để lại nhiều hệ lụy trong tương lai.

Mang thai ở tuổi vị thành niên ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, nguy cơ tử vong mẹ vẫn còn cao so với các bà mẹ sinh con ở tuổi trưởng thành.

Mẹ dễ bị thiếu máu, tiền sản giật, đẻ non, sẩy thai, chuyển dạ đình trệ, bất tương xứng thai khung chậu.

Trong lúc sinh đẻ khó, dễ phải can thiệp bằng các thủ thuật và phẫu thuật.

Tỷ lệ tử vong trẻ em sinh ra do các bà mẹ tuổi vị thành niên trong năm đầu cao hơn so với các bà mẹ sinh con ở tuổi trưởng thành.

Con của các bà mẹ vị thành niên thường có tỉ lệ nhẹ cân, bệnh tật và tử vong cao gấp nhiều lần so với con của các bà mẹ tuổi trưởng thành.

Về mặt kinh tế – xã hội, khi có thai ở tuổi vi thành niên phải gián đoạn việc học hành, khó khăn về kinh tế và không kiếm được việc làm, dẫn trẻ vào con đường bế tắc.

Hạnh phúc gia đình có thể bị rạn nứt, dễ lâm vào cảnh éo le, ảnh hưởng đến tương lai của trẻ. Tỷ lệ ly dị cao, dễ bị phân biệt đối xử. Làm mẹ sớm dễ bị căng thẳng và khủng hoảng tâm lý.

fe73f687e5bc5280214e0486b273a5f9_1586349958_1.jpeg
Tránh trẻ mang thai cha mẹ cần quan tâm đến con cái nhiều hơn - Ảnh: Internet

Cha mẹ cần quan tâm đến con cái nhiều hơn

Theo bác sĩ Loan, vị thành niên là giai đoạn thay đổi về thể chất và tâm sinh lý. Vì thế, khi có con trong độ tuổi vị thành niên, cha mẹ nên quan tâm đến con cái nhiều hơn.

Các bậc cha mẹ nên dành nhiều thời gian trò chuyện tâm sự với con những định hướng đúng đắn về tình cảm.

Cha mẹ và nhà trường nên phối hợp để trang bị cho trẻ những kiến thức về sức khoẻ sinh sản, giáo dục giới tính cho các em, giúp các em có kiến thức và nhận thức đúng đắn tránh được những sai lầm không đáng có.

Bên cạnh đó, ngành chức năng cần tăng cường giáo dục, chăm sóc sức khoẻ tiền hôn nhân, các vấn đề liên quan đến sức khoẻ sinh sản, hướng dẫn các biện pháp tránh thai phù hợp, hạn chế tình trạng phá thai và ngăn ngừa các bệnh lây qua đường tình dục.

Đặc biệt, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa nhà trường – gia đình – xã hội.

Từ đó, giúp các em được trang bị đầy đủ kiến thức về giới tính và sức khoẻ sinh sản, góp phần nâng cao chất lượng dân số trong tương lai.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tỉ lệ trẻ vị thành niên mang thai có xu hướng gia tăng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO