Dragan Skocic, Robert Prosinecki (người Croatia), Slaven Skeledzic (Bosnia & Herzegovina), Bozidar Bandovic (Montenegro) là những ứng viên đã gửi hồ sơ đến ứng tuyển tại VFF, trong việc thay thế HLV Park Hang Seo (hết hợp đồng sau ngày 31/1/2023).
Trong số này, Robert Prosinecki là cựu HLV các đội Azerbaijan và Bosnia & Herzegovina, Slaven Skeledzic từng nắm đội U17 Bayern Munich, Dragan Skocic là cựu HLV đội Iran, còn Bozidar Bandovic từng dẫn dắt các CLB Buriram United và BEC Tero Sasana (Thái Lan).
Họ đều có những giai đoạn thành công trong quá khứ. Tuy nhiên, cũng nhìn từ quá khứ, kể từ sau khi HLV Henrique Calisto (Bồ Đào Nha) rời đội tuyển Việt Nam năm 2011, chưa có thêm HLV châu Âu nào thành công với các đội tuyển của chúng ta.
Sau thời HLV Calisto, đội tuyển từng được trao cho HLV Falko Goetz (người Đức) năm 2011, nhưng đấy lại là khoảng thời gian đáng quên của đội tuyển.
Kỳ thực, HLV Calisto thành công với đội tuyển Việt Nam, đỉnh cao là ngôi vô địch AFF Cup 2008, phần rất lớn là nhờ ông này hiểu rất rõ không chỉ bóng đá Việt Nam, mà còn hiểu về văn hóa và con người Việt Nam, nhờ khoảng thời gian gần 8 năm dẫn dắt đội Đồng Tâm Long An trước đó (từ đầu năm 2001 - 2008).
Chính vì thế, sau này bên cạnh các tiêu chí về chuyên môn, về thành tích quá khứ, khi VFF tuyển HLV cho đội tuyển quốc gia, có thêm tiêu chí hiểu bóng đá Đông Nam Á và bóng đá Việt Nam.
Tiêu chí này hiện tại không chỉ được áp dụng ở Việt Nam, mà còn lan rộng khắp khu vực, khi các đội Indonesia, Malaysia, Singapore đều học tập điều đó, chọn các HLV ở châu Á thay vì châu Âu, để nắm đội tuyển quốc gia nước họ, với phương châm các HLV châu Á hiểu bóng đá Đông Nam Á nhiều hơn so với các HLV châu Âu.
Ngay cả HLV mang 2 quốc tịch Brazil và Đức của đội tuyển Thái Lan Mano Polking cũng gần như là người Thái, sau hàng chục năm ông này sống ở xứ sở Chùa Vàng.
Sở dĩ HLV Park Hang Seo thành công rực rỡ với đội tuyển Việt Nam và đội tuyển U23 Việt Nam, ngoài yếu tố chuyên môn, còn nhờ ông Park rất hiểu con người, văn hóa và cầu thủ Việt Nam. Ông Park hiểu tâm lý của cầu thủ nên giúp cho các học trò phát huy tối đa năng lực của từng người.
Bóng đá Việt Nam có những đặc thù khác hẳn so với bóng đá châu Âu. Đó là khác biệt về thể chất, khác biệt về lối sống và cả cách tiếp cận các phương pháp chuyên môn mà HLV muốn truyền tải cho họ.
"Nhập giang tùy khúc, nhập gia tùy tục", các HLV nếu không uyển chuyển thay đổi để phù hợp với môi trường mà mình làm việc, khó có thể đạt đến thành công như HLV Park Hang Seo hoặc HLV Henrique Calisto từng vươn tới.
Chính bóng đá Thái Lan từng có bài học về điều đó. Liên đoàn bóng đá Thái Lan (FAT) từng ngả theo hướng sử dụng các HLV ngoại, đặc biệt là các HLV đến từ châu Âu nhằm nâng tầm đội tuyển, nhưng rốt cuộc họ nhận ra rằng chỉ có các HLV hiểu cầu thủ Thái Lan, văn hóa Thái Lan mới có thể giúp đội bóng xứ Chùa Vàng phát huy tối đá năng lực, như thời HLV nội Kiatisuk Senamuang.
Chính vì thế, chọn người kế nhiệm HLV Park Hang Seo chưa chắc cứ hễ lý lịch đẹp, chưa hẳn lương cao sẽ tìm được người tốt, mà tiêu chí quan trọng là người kế nhiệm ông Park cũng phải hiểu bóng đá Việt Nam, phải xử lý uyển chuyển trong môi trường bóng đá Việt Nam giống ông Park.