Ngày 25/7, tàu hàng MV Wakashio thuộc sở hữu của Mitsui OSK Lines (MOL) - công ty vận tải biển hàng đầu Nhật Bản đang trên hải trình từ Trung Quốc đến Brazil thì va vào đá ngầm ở đầm phá hoang sơ Pointe d’Esny, phía Đông Nam của quốc đảo Mauritius.
Sự cố khiến con tàu dài 300m mắc cạn trên rạn san hô nguyên sơ, làm tràn hơn 1.000 tấn nhiên liệu ra Ấn Độ Dương. Mauritius sau đó phải ban bố tình trạng khẩn cấp tại một khu vực được coi là vùng ngập nước có tầm quan trọng quốc tế.
Báo cáo MOL đưa ra mới đây xác nhận Wakashio lẽ ra phải giữ khoảng cách 40 km với bờ biển Mauritius trong suốt hải trình. Nhưng con tàu này đã thu hẹp khoảng cách xuống còn 3,7 km để đi vào một khu vực nằm trong phạm vi có thể bắt được tín hiệu di động.
Cũng theo báo cáo, thủy thủ đoàn sử dụng hải đồ đo khoảng cách với bờ biển và độ sâu của nước biển với thông số không chính xác. Ngoài ra, nhóm thủy thủ của Wakashio cũng không theo dõi đầy đủ các tàu di chuyển trong khu vực bằng cả mắt thường và radar.
Báo cáo nhận định các hành vi không an toàn này xuất phát từ tâm lý chủ quan, quá tự tin vào kinh nghiệm đi biển của các thủy thủ.
Thuyền trưởng Ấn Độ Sunil Kumar Nandeshwar và thuyền phó đang bị giam giữ ở Mauritius để điều tra thêm về tai nạn.
Không lâu sau khi mắc cạn, Wakashio bị gãy làm đôi. Phần đầu tàu nhỏ hơn bị kéo ra vị trí cách bờ khoảng 10km và nhấn chìm tại đó. Trong khi đó, các hoạt động trục vớt phần đuôi tàu vẫn đang diễn ra.
Một số quốc gia, bao gồm Nhật Bản và Pháp cung cấp viện trợ cho Mauritius sau vụ tai nạn. Việc khôi phục đường bờ biển liên quan tới vụ việc dự đoán sẽ hoàn thành vào đầu năm 2021.
Sau sự cố, MOL công bố chiến lược cải thiện an toàn, chú trọng vào việc đào tạo thủy thủ sử dụng hải đồ cũng như tuyển chọn các vị trí cấp cao.
Theo ông Robert Dujarric - Giám đốc Viện Nghiên cứu châu Á đương đại tại Đại học Temple, Nhật Bản luôn cố gắng xây dựng hình ảnh các công ty hàng đầu thế giới khi nói tới an toàn và nguyên tắc. Nhưng sự cố vừa qua ảnh hưởng rất nhiều với hình ảnh này.