Thupten Gyatso vị Đạt Lai Lạt Ma đời thứ mười ba của Tây Tạng

First News| 28/06/2022 15:00

Thupten Gyatso (1876- 1933) nhận trách nhiệm lãnh đạo Tây Tạng khi quốc gia này phải đối phó với nhiều áp lực chưa từng có. Về mặt đối ngoại, ông phải lo đối phó với sự đe dọa của Liên Xô, Anh và Trung Hoa. Về mặt đối nội, ông phải dàn xếp sự tranh chấp giữa các tông phái, ngay nội bộ phái Mũ Vàng (Gelugpa) cũng có nhiều rạn nứt, chia rẽ trầm trọng.

Trong suốt mấy thế kỷ liền, Hội đồng Trưởng lão đã nắm quyền khi các vị Đạt Lai Lạt Ma còn nhỏ và họ đã thao túng chính trường, lập thành những phe nhóm chống đối lẫn nhau. Một số có ý đặt ra các luật lệ dành nhiều quyền lợi cho giới tăng sĩ phe mình. Một số khác lại muốn chú trọng vào con đường tu thần thông hơn là theo đúng con đường tu thân như Đức Phật đã chỉ dạy.

Thupten Gyatso là người có đầu óc mở rộng so với những vị Lạt Ma đời trước. Sau khi nhậm chức, ông đã giới hạn quyền hành các vị Trưởng lão và thay thế hội đồng này bằng một nội các gồm nhiều nhân vật dân sự. Ông là người đầu tiên khởi xướng một chương trình giáo dục mở rộng cho tất cả mọi người chứ không dành riêng cho giới quý tộc hoặc tu sĩ. Ông thay đổi toàn bộ luật pháp viết từ những thế kỷ trước, hủy bỏ án tử hình, khổ sai, giảm nhẹ các hình phạt, bãi bỏ thuế khóa, xây cất đường xá, bệnh viện, trường học và phát động nhiều cuộc cải cách xã hội khác.

hoa-sen-tren-tuyet.jpg

Dĩ nhiên ông gặp nhiều sự chống đối mãnh liệt của giới tu sĩ và quý tộc nhưng ông đã can đảm tổ chức lại giáo hội, nhấn mạnh việc tu thân trước khi tham dự vào các công việc xã hội, chính trị và đòi hỏi giới tu sĩ phải tự giới hạn quyền hành trong guồng máy cai trị quốc gia. Điều ông chưa thực hành được là thay đổi chính sách “Bế quan tỏa cảng” của những Lạt Ma đời trước vì gặp sự chống đối vô cùng mãnh liệt của cả Hội đồng Trưởng lão lẫn nội các do chính ông lập ra.

Năm 1904, Tây Tạng bị quân Anh xâm lăng và vị Đạt Lai Lạt Ma đời thứ mười ba phải qua lánh nạn tại Trung Hoa. Tại đây ông nhận thấy Trung Hoa cũng đang bị xâu xé bởi các cường quốc khác nên khi trở về, ông cương quyết cho thi hành những chính sách mới hầu đưa Tây Tạng ra khỏi vết xe cũ. Một mặt ông thúc đẩy việc giáo dục trong nước, mặt khác ông cho thiết lập các đường điện thoại, điện tín với các quốc gia bên ngoài. Việc này làm cho Trung Hoa lo ngại nên họ đã mang quân vào xâm lăng Tây Tạng, buộc nước này phải cắt đứt mọi liên hệ với các quốc gia phương Tây. Một lần nữa Đức Đạt Lai Lạt Ma lại phải lánh nạn tại Ấn Độ. Những quốc gia phương Tây khi trước hứa sẽ giúp đỡ Tây Tạng đã không giữ lời, ngay cả Anh quốc cũng không can thiệp mặc dù trước đó chính họ đã ép buộc Tây Tạng phải ký hiệp ước với họ để đổi lấy sự bảo đảm an ninh xứ này.

5.2021_bo-sach-tam-linh_nguyen-phong-17-.jpg

Đây cũng là dịp nhiều tu sĩ cao cấp trong giáo hội có dịp quan sát tình trạng rối loạn của thế giới bên ngoài nên họ quyết định rằng chính sách “Bế quan tỏa cảng” xét ra vẫn có lợi cho Tây Tạng hơn cả. Sau cuộc thương thuyết với Trung Hoa, Đức Đạt Lai Lạt Ma trở về nước nhưng ông không tiếp tục công cuộc cải cách xã hội như ý muốn được nữa. Ông dành trọn thời gian thiền định và giảng dạy kinh điển cho các tu sĩ trẻ. Trước khi qua đời, ông đã cảnh cáo rằng “Tây Tạng sắp bước vào một giai đoạn thử thách mới và chỉ có sự chuẩn bị mới giúp họ thoát khỏi tai ách quá lớn này”. Sự chuẩn bị theo ông là việc tu thân theo đúng mà Đức Phật chỉ dạy vì chỉ có tinh thần từ bi, hỷ xả, hiểu lý vô thường, luật vô ngã mới giúp người dân xứ này vượt qua giai đoạn thử thách lớn nhất trong lịch sử Tây Tạng từ trước đến nay.

Khi Thupten Gyatso qua đời, Hội đồng Trưởng lão đã quyết định áp dụng chính sách “Bế quan tỏa cảng” một lần nữa nhưng thời cuộc bên ngoài đã thay đổi với cuộc cách mạng Trung Hoa, cuộc xâm lăng của Nhật Bản, cuộc cách mạng vô sản ở Trung Hoa, thế chiến thứ hai. Cuộc tìm kiếm Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ mười bốn đã làm các Trưởng lão bận rộn, không chú ý đến vấn đề thời cuộc.

Năm 1950, đất nước Tây Tạng trải qua giai đoạn lịch sử cực kỳ cam go, khốc liệt. Tuy nhiên, sức sống bền bỉ của người Tây Tạng cũng như khát vọng sống vẫn trỗi dậy hơn bao giờ hết. Họ vẫn vượt qua tất cả, vươn mình lên như những đóa sen mộc mạc và đượm hương trên mảnh đất khô cằn và khí hậu nghiệt ngã.

Trích sách Hoa sen trên tuyết.

Mua sách tại đây:

Hoa sen trên tuyết: https://bit.ly/Hoasentrentuyet-Shopee

Bộ sách 15 cuốn đầy đủ của Nguyên Phong: https://bit.ly/tronboNguyenPhong15cuontiki

    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    Thupten Gyatso vị Đạt Lai Lạt Ma đời thứ mười ba của Tây Tạng
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO