- Khi mới xảy ra cuộc đối đầu quân sự và các diễn biến tại Ukraine, ông từng nhận định rằng "không bên nào thắng". Đến nay với độ lùi thời gian, ông vẫn giữ quan điểm này?
- Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Tôi vẫn giữ nguyên quan điểm và mong muốn các bên nhanh chóng tìm ra giải pháp chấm dứt xung đột, chấm dứt nổ súng để không có thêm bất cứ một người dân thường hay một người lính nào phải thiệt mạng.
Các bên đều đã đưa ra lý lẽ của mình trong những tháng qua như chúng ta đã biết, nhưng theo tôi vấn đề lớn nhất giờ đây không phải là ai đúng, ai sai, vì không có đúng sai tuyệt đối. Thời gian gần một năm cũng là quá đủ để chứng mình rằng sẽ không có bên nào thắng. Chúng ta cần phải thấy việc cần làm nhất bây giờ, điều đúng đắn nhất bây giờ là chấm dứt chiến tranh, không còn đổ máu. Người dân được sống trong hòa bình, được làm chủ cuộc sống và mưu sinh bình thường mà không lo sợ bom đạn trên mảnh đất của mình.
Hòa bình cho Ukraine tức là hòa bình cho thế giới; Việt Nam chúng ta cũng được lợi trong một thế giới bình yên và ngược lại.
- Ông dự báo diễn biến cuộc xung đột Nga - Ukraine như thế nào?
- Hiện nay diễn biến chiến trường đã sang giai đoạn mới. Mỹ và các nước phương Tây tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine và tăng cường cấm vận Nga. Ở góc độ nào đó cuộc xung đột đã khiến EU và NATO gắn kết hơn về lợi ích chiến lược.
Cũng như bất cứ cuộc chiến tranh nào trên thế giới, con đường đi đến chấm dứt xung đột Nga - Ukraine phải là đối thoại: Các bên cần ngồi lại đối thoại trên cơ sở luật pháp quốc tế và tôn trọng nhau, nhưng quan trọng nhất là đối thoại vì mục đích ngừng bắn, mục đích hòa bình.
Cần nhìn thấy rằng nếu diễn biến chiến trường leo thang trong bối cảnh Nga phải chịu những phí tổn rất lớn cho chiến dịch quân sự đặc biệt của mình cũng như chịu đựng các đòn trừng phạt kinh tế từ bên ngoài, không cẩn thận chiến tranh sẽ lan rộng, thậm chí đến mức mất kiểm soát. Khi đó có thể sẽ xuất hiện một thế chiến theo kiểu mới và trật tự thế giới lại thay đổi một lần nữa.
- Vậy theo ông đâu là những bài học từ cuộc xung đột Nga - Ukraine?
- Trước khi nói đến bài học thì chúng ta cần nhìn thấy bức tranh chung một cách có hệ thống. Từ khi kết thúc chiến tranh lạnh và Liên Xô tan rã, thế giới xuất hiện trật tự đa cực, trong đó nhìn chung các quốc gia đều nhấn mạnh đến luật pháp quốc tế, lấy Hiến chương Liên hợp quốc làm "xương sống" cho các mối quan hệ quốc tế.
Hay nói cách khác, các nguyên tắc cơ bản của quan hệ Quốc tế là bình đẳng; chủ quyền quốc gia; độc lập chính trị; toàn vẹn lãnh thổ; không can thiệp vào công việc và tôn trọng nội bộ của các nước; không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực. Tất cả các quốc gia lớn hay nhỏ đều phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản này. Thực hiện các nguyên tắc này thì nhân loại sẽ tránh được hiểm họa chiến tranh.
Mong ước lớn nhất của nhân loại là hòa bình, hợp tác và phát triển. Tuy nhiên khi không còn trật tự lưỡng cực Xô - Mỹ thì đây đó trên thế giới vẫn diễn ra xung đột, mất ổn định cục bộ, nhất là ở các điểm nóng địa chính trị cũng như một số góc khuất khác trên toàn cầu. Những hành động không phù hợp với các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc vẫn tiếp tục diễn ra. Vậy thì những hành động đó cho thấy điểm gì mới của tình hình thế giới hiện nay?
Thứ nhất là tốc độ mất ổn định, tốc độ chuyển hóa từ hòa bình sang chiến tranh, từ phát triển thịnh vượng sang lụi tàn của một quốc gia và khu vực là rất nhanh, rất bất ngờ. Ví dụ như vấn đề Nga - Ukraine, để dẫn đến cuộc xung đột này có nhiều cách gọi khác nhau, nhưng nói cho cùng là chiến tranh. Với một cuộc chiến tranh như vậy, trong giai đoạn trước đây sẽ cần thời gian, diễn biến, tăng nhiệt dần lên và chịu ảnh hưởng từ nhiều thế lực khác nhau, song hiện nay xung đột diễn ra rất nhanh, rất bất ngờ.
Thứ hai, bên cạnh sự phát triển của toàn cầu hóa thì vấn đề độc lập, tự chủ của mỗi quốc gia, dân tộc nổi lên đậm nét hơn bao giờ hết, trở thành tiêu chí cho hành động của mọi quốc gia. Trước đây trong quan hệ quốc tế nói nhiều đến ý thức hệ nhưng bây giờ thì nước nào cũng nhấn mạnh đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Người ta cũng thấy rằng phải trên cơ sở lợi ích quốc gia, dân tộc thì đất nước mới đứng vững. Đây vừa là mục đích, đồng thời là động lực của tất cả các nước trên thế giới.
Với cách tiếp cận trên, có thể thấy rằng thế giới đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ các cuộc xung đột, và cũng đang nhận được những bài học rất lớn. Đó trước hết là bài học về độc lập dân tộc, bài học về sự tự nỗ lực bảo vệ lấy mình, không được dựa vào ai trong quá trình xây dựng, bảo vệ tổ quốc mình.
Và nhìn lại lịch sử, thì hóa ra những bài học đó cũng chính là những chủ trương lớn và nhất quán của Đảng, Nhà nước ta ngay từ khi thành lập Đảng, thành lập Nước đến nay. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói "muốn làm gì cũng cần vì lợi ích của dân tộc mà làm"; "đem sức ta mà tự giải phóng cho ta"… Các vấn đề về độc lập dân tộc, lợi ích của quốc gia, lợi ích của nhân dân, không dựa vào nước nào trong khi vẫn mở rộng quan hệ với tất cả các nước trên thế giới… đã được chúng ta xác lập từ lâu nay, chứ không phải bây giờ mới có.
- Như trên ông nói con đường duy nhất đi đến hòa bình cho Ukraine phải dựa trên đối thoại. Ông lạc quan hay bi quan về triển vọng này?
- Tôi không có cái nhìn đen tối. Mặc dù tình hình phức tạp, nhưng tôi cho rằng xu thế mong muốn hòa bình vẫn là chủ đạo, là mong muốn của số đông. Những quốc gia theo đuổi đường lối sử dụng bạo lực để giành giật lấy lợi ích không chính đáng của mình sẽ phải trả giá. Tôi có niềm tin như vậy.
Có thể tôi chỉ là thiểu số trong các nhà phân tích nhưng tôi vẫn có cái nhìn tích cực. Vì sao? Vì càng xung đột, càng chiến tranh thì người ta lại càng thấy cái giá phải trả của xung đột, của chiến tranh và thực sự sẽ không có bên nào thắng.
Khi Đại hội đồng Liên hợp quốc tổ chức phiên họp khẩn cấp lần thứ 11 để thảo luận về tình hình Ukraine vào hồi tháng 3, trong phát biểu của Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc có một câu rất đúng, đó là: Với trải nghiệm của chính mình, Việt Nam thấu hiểu rằng chiến tranh và xung đột khi nổ ra chỉ gây ra đau khổ sâu sắc cho người dân và hậu quả nghiêm trọng đối với nhiều khía cạnh trong đời sống của các quốc gia có liên quan trực tiếp cũng như của các quốc gia khác.
Chúng ta phải đặt sinh mệnh và hạnh phúc của người dân lên trên hết, tuyệt đối không sa vào các cuộc đấu đá quyền lực của nước lớn. Năm 2022 này kỷ niệm 50 năm Hiệp định Paris được ký kết, chúng ta đã tốn bao nhiêu xương máu và luôn chìa tay ra để tìm kiếm hòa bình, nhưng kẻ xâm lược không dừng lại, chỉ đến khi bị giáng cho những đòn đau thì mới chịu cuốn gói khỏi đất nước ta. Từ bài học chính nghĩa Việt Nam, tôi mong các bên trong cuộc xung đột Nga - Ukraine hãy dừng lại trước khi quá muộn.
- Ở trên ông đề cập đến những bài học chung với thế giới, còn cụ thể với Việt Nam có thể rút ra điều gì, thưa ông?
- Như tôi đã nói ở trên, những giá trị mà chúng ta theo đuổi từ buổi đầu thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến nay cũng chính là những vấn đề mà thế giới hiện nay đang thừa nhận và theo đuổi.
Thứ nhất là vì lợi ích quốc gia dân tộc, thứ hai là phải giữ cho được độc lập tự chủ. Đây là hai vấn đề căn cốt, bên cạnh đó không bao giờ quên truyền thống hòa hiếu, là bạn của tất cả các quốc gia, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới, theo đuổi những giá trị phổ quát của nhân loại. Những giá trị phổ quát không chỉ là hòa bình mà còn là chủ quyền quốc gia, dân chủ, nhân quyền, tự do…
Trong bối cảnh hiện nay, công tác nghiên cứu chiến lược, đánh giá tình hình phải nhạy bén hơn, thường xuyên hơn để có sự điều chỉnh chính sách làm sao có lợi nhất cho đất nước mình. Ví dụ khi tình hình Nga - Ukraine như vậy thì vấn đề dầu mỏ, vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng, vấn đề an ninh lương thực… cần phải nhìn nhận như thế nào, điều chỉnh chính sách ra sao cho có lợi nhất đối với mỗi quốc gia.
Trong bối cảnh thế giới vừa qua, không phải tất cả các quốc gia đều gặp khó khăn mà có những nước đã linh hoạt ứng phó và tìm được lợi ích cho mình. Chúng ta phải biết nắm bắt tình hình và xây dựng chính sách phù hợp để giảm thiểu tiêu cực, ngược lại tranh thủ thời cơ để phát triển và nâng cao vị thế, tiềm lực của đất nước.
Tất nhiên, muốn ứng phó linh hoạt thì trước hết chúng ta phải không tham gia vào cuộc xung đột, một khi tham gia đứng về bên này hay bên kia thì chúng ta sẽ mất quyền lựa chọn. Chủ trương của chúng ta là không tham gia bên này để chống bên kia.
Tóm lại, khi mà tốc độ chuyển hóa từ hòa bình sang chiến tranh ngày càng nhanh hơn thì việc dự báo chiến lược, xây dựng chính sách phải đi trước, anh nào nhạy bén với tình hình thì sẽ hành động kịp thời và có lợi nhất cho đất nước mình.
Khi chúng ta nói về nghiên cứu tình hình, có một câu muôn thủa là "tình hình cơ bản thuận lợi nhưng có những khó khăn phức tạp, khó lường". Vậy thì phải làm rõ yếu tố khó lường, phức tạp nhiều hơn hay thuận lợi, thời cơ nhiều hơn? Trên cơ sở đó mà xây dựng kế hoạch theo hướng tấn công hay phòng ngự, chủ động xúc tiến hay là chờ thời. Tôi cho rằng giai đoạn sắp tới sẽ thuận lợi, tạo cơ hội cho các nước có đường lối độc lập tự chủ như Việt Nam lựa chọn chính sách tốt nhất để đảm bảo ổn định, hòa bình và phát triển.
- Gần đây lãnh đạo Chính phủ cũng đã nhiều lần phát biểu nhấn mạnh Việt Nam kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa và Việt Nam chọn chính nghĩa, không chọn bên. Ông nghĩ như thế nào về thông điệp này?
- Đó là thông điệp mạnh mẽ và hoàn toàn chính xác. Đây là đường lối đối ngoại của chúng ta từ thời thành lập nước, đường lối đối ngoại Hồ Chí Minh và hiện nay được Thủ tướng tuyên bố rõ ràng.
Tôi hiểu rằng Việt Nam chọn những giá trị phổ quát của nhân loại được quy định bởi luật pháp quốc tế, bởi hiến chương Liên hợp quốc, những giá trị về đạo lý của nhân loại, bên cạnh đó Việt Nam cũng lựa chọn cách ứng xử có lợi cho Việt Nam. Và chúng ta thể hiện việc đó công khai. Ví dụ vì sao chúng ta bỏ phiếu trắng, phiếu thuận hay phiếu chống về một vấn đề nào đó ở Liên hợp quốc. Tôi cho rằng trước hết dựa vào công lý Quốc tế và một mặt khác đó là vì lợi ích đất nước.
Không có chính nghĩa chung chung mà chính nghĩa phải dựa trên giá trị phổ quát của nhân loại và lợi ích của mỗi quốc gia.
- Thưa ông, trong dịp cuối năm 2022, Bộ Quốc phòng đã tổ chức thành công triển lãm Quốc phòng quốc tế tại Hà Nội. Trên báo chí quốc tế, có ý kiến bình luận rằng thông qua triển lãm này Việt Nam muốn đa dạng hóa các kênh mua sắm, tiếp nhận chuyển giao công nghệ của nước ngoài và sản xuất, trang bị khí tài, nhất là sau khi xảy ra cuộc xung đột Nga - Ukraine. Ông nói gì về ý kiến này?
- Nửa đầu của ý kiến đó hoàn toàn đúng, nửa sau là ngộ nhận. Đúng là thế nào? Thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, chúng ta chủ trương mở rộng quan hệ hợp tác quốc phòng với nhiều nước. Chính sách quốc phòng của Việt Nam là hòa bình, tự vệ và vì nhân dân, chúng ta lựa chọn các đối tác về trang thiết bị, vũ khí theo tiêu chí trước hết là quan điểm chính trị (nước đó không chống mình, không gây chiến tranh với mình), thứ hai là chất lượng, thứ ba là điều kiện chuyển giao và thứ tư là giá cả.
Chúng ta luôn đặt vấn đề trang thiết bị trong một tổng thể để khi mua về thì hệ thống bảo đảm hậu, kỹ thuật cần mang tính thống nhất. Cho nên đa dạng hóa trang thiết bị quốc phòng là chủ trương chung, tuy nhiên trong đa dạng hóa chúng ta vẫn có những đối tác truyền thống và xây dựng hệ thống bảo đảm hậu cần trên cơ sở đó. Đối tác truyền thống ở đây là Nga, chúng ta không bí mật gì về chuyện này.
Như vậy đa dạng hóa không phải do xung đột Nga - Ukraine mà là chủ trương nhất quán từ lâu nay. Cụ thể về triển lãm quốc phòng quốc tế lẽ ra được tổ chức vào tháng 11/2020, trong dịp hội nghị ADMM+ lần thứ 10 và lúc đó sẽ có hơn 20 Bộ trưởng Quốc phòng các nước lớn đến dự, nhưng do dịch bệnh Covid nên không thực hiện được, Lúc đó đã có xung đột Nga - Ukraine đâu.
Đa dạng hóa là chủ trương của Đảng, nhà nước và Quân đội ta. Việc tổ chức thành công triển lãm quốc phòng quốc tế cho thấy vị thế, uy tín của đất nước, của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Thực hiện: Võ Văn Thành
Thiết kế: Tuấn Huy
20/12/2022