Thường trực Ban Bí thư: Những chính sách quan trọng khi cải cách tiền lương

Hoài Thu| 24/01/2024 13:29

Từ 1/7, chúng ta sẽ bắt đầu cải cách tiền lương, cải cách trợ cấp BHXH, chính sách người có công và một số chính sách an sinh gắn liền với lương cơ sở, theo Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai.

Phát biểu tại Hội nghị lần thứ 9 khóa IX, nhiệm kỳ 2019-2024 của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, sáng 24/1, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đề cập nhiều chính sách quan trọng khi cải cách tiền lương.

Không có chính sách an sinh, ai cũng có thể trở thành người nghèo

Bà cho biết từ 1/7 có thể sắp xếp để bắt đầu triển khai cải cách tiền lương, đồng thời cải cách luôn trợ cấp BHXH, chính sách người có công, một số chính sách an sinh gắn liền với lương cơ sở.

"Như vậy không chỉ lo cho bộ máy của hệ thống chính trị mà còn lo cho người hưởng lương hưu, người có công nhằm cải thiện, nâng cao cuộc sống", bà Mai nhấn mạnh.

Thường trực Ban Bí thư: Những chính sách quan trọng khi cải cách tiền lương - 1

Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Hồng Phong).

Nếu không có những chính sách này, theo Thường trực Ban Bí thư, một người chỉ cần gặp bệnh hiểm nghèo hay một cú sốc kinh tế cũng có thể trở thành người nghèo. Vì vậy, phải tạo một mạng lưới an sinh để người dân không ai rớt khỏi mạng lưới này.

"Đây là những chính sách quan trọng khi cải cách tiền lương mà chúng ta cần cải cách để tạo một mạng lưới an sinh tốt hơn cho người dân", theo lời bà Mai.

Thường trực Ban Bí thư dẫn chứng nếu chỉ có hơn 30% người cao tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, đồng nghĩa hơn 60% người lao động khi bước vào tuổi già không có một nguồn nào để nương tựa. Hiện nay có trợ cấp xã hội nhưng dù mức này có tăng cũng vẫn rất thấp.

Vì vậy, chính sách bảo hiểm xã hội, chính sách an sinh phải trở thành những trụ cột và phải được quan tâm để hàng chục triệu người khi cao tuổi không phải rơi vào tình trạng "không có một đồng nào".

Bà Mai tái khẳng định những trụ cột an sinh xã hội như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội là rất quan trọng. Nếu không tạo được một mạng lưới rộng lớn, người dân gặp bất kỳ cú sốc nào cũng có thể trở thành người nghèo, kể cả người đang sống ở TPHCM hay những đô thị đang phát triển.

Thường trực Ban Bí thư nhắc lại thời điểm lần đầu trình Luật Bảo hiểm Y tế 2009, ở ĐBSCL có hơn 20% người dân tham gia BHYT. Khi đó người dân chỉ phải bỏ ra 25% để mua BHYT nhưng nhiều người cũng không có tiền.

Đến nay, nhờ mức hỗ trợ tăng lên cùng với sự thay đổi về nhận thức, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đã tăng lên 90%. Nhờ vậy, khi người dân ốm đau đã có bảo hiểm y tế chi trả. Thậm chí, với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số có thể đi trực tiếp tới tuyến Trung ương để điều trị và được hỗ trợ chi trả cho việc này.

Cần nỗ lực lớn hơn để tăng tốc

Nhắc đến nhiều kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm qua, Thường trực Ban Bí thư ghi nhận có sự đóng góp quan trọng của Ủy ban MTTQ Việt Nam.

Bà nhấn mạnh Ủy ban MTTQ Việt Nam phải làm sao cho người dân thấy được hình ảnh của mặt trận trong cuộc sống của mình.

Thường trực Ban Bí thư: Những chính sách quan trọng khi cải cách tiền lương - 2

Hội nghị lần thứ 9 khóa IX, nhiệm kỳ 2019-2024 của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (Ảnh: Hồng Phong).

Nhắc đến định hướng năm 2024, Thường trực Ban Bí thư dự báo những tác động của thế giới sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến Việt Nam. Kinh tế thế giới được phục hồi nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất ổn khi các xung đột, điểm nóng tiếp tục gia tăng.

"Việt Nam là nền kinh tế mới nổi và có độ mở rất lớn, không thể không chịu tác động của những yếu tố này", theo lời bà Mai.

Trong nước, bà Mai nhận định vẫn còn những khó khăn, thách thức mới đối với yêu cầu phát triển nhanh, bền vững với 5 chỉ tiêu chưa đạt được, trong đó có chỉ tiêu quan trọng là tăng trưởng kinh tế, năng suất lao động, thu nhập đầu người.

"Nếu hai năm còn lại không tăng tốc, không đạt được những chỉ tiêu này, sẽ khó khăn cho năm năm tiếp theo và mục tiêu của giai đoạn 2030-2045", bà Mai nhấn mạnh cần nỗ lực lớn hơn.

Bà cũng cho biết hết năm 2023 vẫn còn 4 tỉnh tăng trưởng âm, cho thấy một số địa phương vẫn đang chịu ảnh hưởng rất nặng nề của Covid-19, của kinh tế thế giới suy giảm. Dù vậy, Thường trực Ban Bí thư cũng nêu điểm sáng khi có 10 tỉnh tăng trưởng trên 10%, 30 tỉnh tăng trưởng trên 7%.

Bên cạnh đó, Thường trực Ban Bí thư ghi nhận các đột phá về thể chế, hạ tầng, nhân lực chất lượng cao… đã có bước tiến tích cực.

Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/xa-hoi/thuong-truc-ban-bi-thu-nhung-chinh-sach-quan-trong-khi-cai-cach-tien-luong-20240124123940537.htm
Copy Link
https://dantri.com.vn/xa-hoi/thuong-truc-ban-bi-thu-nhung-chinh-sach-quan-trong-khi-cai-cach-tien-luong-20240124123940537.htm
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Thường trực Ban Bí thư: Những chính sách quan trọng khi cải cách tiền lương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO