Thường trực Ban Bí thư: 'Có nơi sợ đụng chạm, sợ ảnh hưởng đến thành tích'

Hoài Thu| 10/01/2024 16:24

Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở một số nơi còn hạn chế, chưa thật quyết liệt do tâm lý e ngại, sợ đụng chạm, sợ ảnh hưởng đến thành tích, theo Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai.

Nhận định này được Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đưa ra khi phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác ngành Nội chính Đảng và Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ năm 2024, ngày 10/1.

Kỳ vọng vào hệ thống quy định kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng

Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai ghi nhận hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã đi vào nề nếp, tạo chuyển biến rõ nét trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương.

Riêng năm 2023, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã đôn đốc cơ quan chức năng ở các địa phương khởi tố mới 763 vụ án về tham nhũng (tăng gần 2 lần so với năm 2022). Một số vụ án lớn kéo dài nhiều năm được khẩn trương xem xét, xử lý nghiêm theo tinh thần "không có vùng cấm, không có ngoại lệ".

Thường trực Ban Bí thư: Có nơi sợ đụng chạm, sợ ảnh hưởng đến thành tích - 1

Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Đặng Phước).

Theo Thường trực Ban Bí thư, việc này đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân.

Bà Mai cũng đánh giá cao Ban Nội chính Trung ương đã luôn chủ động trong công tác tham mưu các chủ trương, chính sách lớn mang tính chiến lược.

Từ đầu nhiệm kỳ, Ban Nội chính Trung ương đề xuất 18 đề án lớn với Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương.

Các đề xuất không chỉ dừng lại ở công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, mà còn tham mưu cơ chế kiểm soát quyền lực; cơ chế chỉ đạo, phối hợp, phát hiện, xử lý tài sản tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng; cơ chế phân hóa xử lý hình sự một số vụ án lớn, vụ việc lớn được dư luận xã hội quan tâm.

Đặc biệt, trong nhiệm kỳ này, bà Mai nhấn mạnh lần đầu tiên, Bộ Chính trị ban hành 3 quy định về kiểm soát quyền lực và phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong các công tác: cán bộ, kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Tới đây, 2 quy định về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng, ban hành chính sách pháp luật, quản lý tài sản công, sẽ tiếp tục được ban hành.

"5 quy định này hợp lại thành một hệ thống kiểm soát quyền lực, góp phần hoàn thiện nguyên tắc về tổ chức bộ máy Nhà nước, đó là quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp giữa lập pháp, hành pháp, tư pháp và kiểm soát quyền lực", theo Thường trực Ban Bí thư.

Cán bộ chưa biết sợ hay lòng tham không đáy?

Một số tồn tại, hạn chế cũng được Thường trực Ban Bí thư chỉ ra. Điển hình là việc thực hiện nhiệm vụ nội chính, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở một số nơi, chưa thật quyết liệt. "Có nơi còn e ngại, sợ đụng chạm, sợ ảnh hưởng đến thành tích…", bà Mai nói.

Nhưng các nhiệm kỳ gần đây, bà Mai nhấn mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả quan trọng. Chỉ số minh bạch của Việt Nam thăng hạng rất đáng kể.

Thường trực Ban Bí thư: Có nơi sợ đụng chạm, sợ ảnh hưởng đến thành tích - 2

Các đại biểu dự hội nghị (Ảnh: Đặng Phước).

Bà thống kê trong 83 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị xử lý, có 59 cán bộ vi phạm do các nhiệm kỳ trước đây, 24 cán bộ vi phạm trong nhiệm kỳ này.

Đặt vấn đề "Tại sao vẫn còn cán bộ vi phạm?", bà Mai cho rằng do cán bộ chưa biết sợ hay lòng tham không đáy, nên vẫn còn xảy ra nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, có những vụ việc liên quan nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương, liên quan cả cán bộ Trung ương và địa phương.

Nhắc đến báo cáo của Thanh tra Chính phủ về việc trước đây, khiếu kiện phức tạp chủ yếu liên quan đến đất đai, bà Mai cho biết, những khiếu kiện hiện nay còn liên quan đến đấu thầu, sử dụng tài sản công, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp…

Vì vậy, bà đề nghị ngành Nội chính Đảng, các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh tiếp tục nghiên cứu, phân tích đầy đủ nguyên nhân vi phạm của cán bộ trong nhiệm kỳ này, để có biện pháp khắc phục tốt hơn.

Nhấn mạnh "phòng bệnh hơn chữa bệnh", Thường trực Ban Bí thư lưu ý cần rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật trong các lĩnh vực có vi phạm phổ biến thời gian qua, làm sao tạo khuôn khổ pháp lý minh bạch, rõ ràng để cán bộ không phải e sợ.

Bài liên quan
  • Chân dung tân Ủy viên Ban Bí thư Lê Hoài Trung
    Ông Lê Hoài Trung là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, có nhiều kinh nghiệm trong công tác đối ngoại song phương và đa phương. Ông vừa được Trung ương bầu bổ sung vào Ban Bí thư khóa XIII.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Thường trực Ban Bí thư: 'Có nơi sợ đụng chạm, sợ ảnh hưởng đến thành tích'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO