Sự cố là không lường với tôi, một mọt sách nhưng có hơn mười năm lang thang các cánh rừng thâm nghiêm từ Tây nguyên đến miền Trung này. Khi làm điều phối viên, khi phiên dịch tiếng Anh, thậm chí kiêm lái xe thời vụ cho các dự án phi chính phủ liên quan rừng. Nói cách khác, miễn có cơ hội vào rừng là ô-kê, vì ngoài sở thích sống giữa tự nhiên tôi còn âm thầm mang theo một "dự án" cá nhân là sưu tìm bản trường ca Katu thất truyền về đại ngàn Ataouat.
Ngoài kia, vạt nắng vàng cam cuối ngày còn chấp chới trên ngọn lim-xanh hàng trăm năm tuổi đứng thẳng đơn độc trước sân, cũng là sườn đồi hoang trọc, vậy mà trong lòng nhà đã giăng mờ thứ bóng tối xanh lam ma thuật âm ỉ thoát từ dãy miệng há tròn của hàng chục chum chóe xếp chen chúc bất kể cao thấp lớn bé quanh ô bếp chỉ còn than ngún. Dẫu vậy tôi vẫn nhận biết bóng đen phục trong vũng tối sau chiếc quan tài hình thuyền độc mộc, thứ của nả được coi trọng trong mỗi nhà Katu, đang khẽ lắp mũi tên mới.
Theo hồ sơ dự án, chủ nhân là góa phụ ngoài ba mươi sống cùng con gái mười bốn tuổi, vậy kẻ có đôi vai rộng nam giới kia là ai và tại sao hắn phản ứng thù địch đến vậy. Nhưng tôi không còn bất ngờ khi gặp bất ngờ giữa rừng sâu và hiểu rằng sẽ không có sẵn câu trả lời cho những bí ẩn.
Đừng bắn, tôi không phải kẻ xấu.
Mừng thấy mình kịp lên tiếng và cánh cung kia vừa giương lên đã dừng lại, tôi giải thích rằng tôi đã có lời chào nhưng không nghe trả lời, nghĩ bà con còn ngoài rẫy chưa về, và tôi chỉ muốn gửi lại tờ thông tin về dự án của tổ chức Hành Lang Xanh trước ngày bà con dự cuộc họp cùng chúng tôi…
Cảm giác đang nói một mình và không chắc trước mặt là "bà con" hay "chiến binh" với mũi tên khi tỏ khi mờ sau làn khói lam, tôi dừng lại trong nỗi ngượng ngùng lẫn bất an.
Im lặng kéo dài đủ cho khách không mời tin rằng tốt nhất lúc này là quay đầu.
Vừa lúc từ ngoài, một trong những con gió nghịch cắn đuôi nhau lướt ràn rạt trên lá khô lạc vào cửa, lùa qua bếp, thổi bùng tảng than hồng âm ỉ.
Ngọn lửa hồi sinh le lói giúp tôi nhận ra cung thủ đeo mặt nạ chiến binh Katu.
Tôi chưa vùng chạy tháo thân xuống cầu thang vì kịp thấy bàn tay cầm cung kia có những ngón thon nhỏ nhắn của con gái. Đồng thời hiểu ra bờ vai rộng ấn tượng ban đầu chỉ là hình thù được tạo nên bởi tấm khăn choàng thổ cẩm. Còn chiếc mặt nạ có miệng cười ngoác tận mang tai khoe đủ hai hàm răng trắng nhọn kia thay vì khiến tôi hồn xiêu phách lạc lại giúp tôi thấy vững tâm hơn, thậm chí buồn cười.
Ấy là tuần trước, trên đường vào xã Tr’hy giáp biên giới Lào, điểm đầu của dự án, tôi ghé cửa hàng mỹ nghệ truyền thống thuộc phòng trưng bày của nhà văn hóa huyện miền núi Tây Giang tỉnh Quảng Nam. Ở đó, tôi thích thú mua chiếc mặt nạ chiến binh Katu. Nó là anh em sinh đôi với chiếc mặt nạ đang được dùng để trấn áp tinh thần tôi, hoặc chỉ để tăng lòng dũng cảm cho chính cung thủ.
Mưa. Dẫu không bất ngờ vào mùa này nhưng ập đến nhanh và lập tức nặng hạt. Bóng tối dâng tràn trông thấy được.
Tình thế không còn quá căng thẳng, tôi hắng giọng, trở lại câu chuyện bỏ dở, rằng chúng tôi đang khảo sát tính khả thi của dự án phục hồi những cánh rừng nguyên sinh đã bị triệt hạ gần ba mươi năm trước tại Trường Sơn.
Ngoảnh nhìn cây lim-xanh khổng lồ ngoài kia, giờ trông càng trơ trọi trong mưa cuối chiều, tôi nói tiếp rằng chính nó, dấu chứng sự tồn tại của rừng lim hàng trăm tuổi, đã thu hút tôi và cũng là lý do tôi có mặt ở đây, lúc này.
Khẽ khàng, cây cung cùng mũi tên được đặt lên nắp chiếc quan tài.
Bằng những bước chậm tỏ thái độ hòa nhã tôi đến ngồi xổm bên bếp. Vẫn chậm rãi, tôi khéo gác hai thanh củi qua ngọn lửa sắp lụi tắt.
Lát sau hoa lửa bắn tung tóe phát những tiếng lép bép vui tai rồi ánh sáng vàng ấm bùng soi gian nhà.
Rời góc tối, cô bé chống gậy tre khập khiễng bước ra phía bếp. Thấy em không thể ngồi bệt xuống sàn như thường lệ với chân trái bó bột tới gối, tôi đứng lên, đặt ghế đẩu cho em, rồi lùi lại giữ khoảng cách cần thiết.
Sau cái gật đầu thay lời cám ơn, “chiến binh” vẫn đứng với mặt nạ trên mặt.
Xin lỗi, em không nhằm vào ông…
Thanh giọng nhỏ nhẹ phát ra sau miệng cười nhe răng lởm chởm trắng nhởn.
Nhưng tôi vẫn thấy lòng nhẹ nhõm, nghe lời mình đầm ấm khi khuyên em không nên đứng lâu với cái chân đau.
Và em vâng lời.
Thật lòng tôi muốn em cởi bỏ mặt nạ nhưng rồi giữ im lặng và nối câu chuyện: Vậy “chiến binh” nhầm tôi với ai?
Dạ cán bộ công ty thủy điện. Đã hai lần họ đến giục nhà em giao đất, dọa nếu không, sẽ yêu cầu chính quyền cưỡng chế.
Lắp ráp những mẩu trao đổi nôm na với Bhoo, là Hoa trong tiếng Việt, tôi có câu chuyện đầu đuôi như sau, và xếp nó vào mô-típ phổ biến về xung đột quyền sở hữu bất động sản.
Một công ty thủy điện được giao đất xây dựng nhà máy ở thượng nguồn sông Bung. Mẹ của Bhoo không đồng tình việc gia đình bị xếp vào đối tượng khai hoang chiếm đất công, nên không được bồi thường khi trả đất theo yêu cầu. Với chị, tuy gia đình chưa làm được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vì xưa nay không có nhu cầu, nhưng vẫn còn trích lục địa chính các đời trước để lại, có cả chứng từ chữ Pháp từ thời bốn lăm thế kỷ trước, giờ không ai ở đây đọc thông. Đang lúc tìm cách chứng minh nguồn gốc tài sản, không may hai mẹ con gặp tai nạn giao thông, đã hơn mười ngày nay mẹ Bhoo phải điều trị tại bệnh viện huyện. Trong lúc đó, người của công ty nôn nóng hoàn tất khâu giải phóng mặt bằng.
Nghĩ một lúc, tôi hỏi Bhoo có muốn nghe lời khuyên của một người mới gặp?
Không ngập ngừng, cô bé khẽ gật đầu.
Tôi nói tình cảnh như thế, em có phản ứng là hiểu được, nhưng không thể bằng “luật rừng”, dù giữa Trường Sơn đại ngàn.
Bhoo giải thích em chỉ dọa thôi, để ông ấy sợ mà không dám bén mảng trên đất nhà mình.
Tôi lắc đầu: Việc này sẽ không được giải quyết một cách đơn giản như xua đuổi thú hoang. Hơn nữa, đầu tên mũi đạn vô tình, lệch một ly là “đi” một mạng người. Nghĩ lại tôi còn rùng mình.
Trong khi cất tiếng cười khúc khích trong trẻo không ngăn được cô bé vẫn theo thói quen đưa bàn tay thanh mảnh che cái miệng ngoác tận mang tai của mặt nạ.
Âm thanh và hình ảnh tương phản ấy khiến tôi cười theo.
Bhoo cởi mặt nạ, đặt lên gối phải, thư thả bối cao mái tóc xoăn tự nhiên, bày trọn gương mặt bầu bĩnh đậm đà. Nhìn tôi bằng ánh mắt long lanh ánh lửa, em lại cười.
Tiếng cười ấy rồi tắt. Cô bé Katu trở lại vẻ đăm chiêu với nỗi buồn lo vượt quá tầm tuổi.
Bên ngoài, mưa đã tạnh, nước đọng đầu giọt tranh rơi tí tách. Tôi thấy mình không thể đứng lên nói lời tạm biệt lúc này. Và thế là tôi nán lại, cùng Bhoo lần giở các loại giấy tờ liên quan việc khiếu nại.
Khi dùng máy tính bảng chụp ảnh một số giấy tờ địa chính của gia đình Bhoo tôi đã nghĩ tới già Alang Koong, người được dân bản kính trọng và có tiếng nói uy tín với chính quyền sở tại, hy vọng già có thể giúp họ chứng minh và hợp thức hóa quyền sở hữu bất động sản, từ đó được nhận bồi thường thu hồi đất theo luật định.
Tôi may mắn được một nhà nghiên cứu văn hóa từ Hà Nội giới thiệu với già Koong, người mà ông kính trọng gọi “pho sử sống Katu”. May mắn hơn khi già nhận lời mời tham gia dự án Hành Lang Xanh. Tôi ngỏ lời cám ơn, già xua tay: Mày từ xa đến giúp hồi sinh rừng bản địa, người bản địa cám ơn mới phải.
Sự tồn tại một rương gỗ nhỏ chạm khắc hoa văn tinh xảo đựng chứng từ trích lục “thời Bảo Đại” giữa vùng cao xanh heo hút của đồng bào dân tộc thiểu số đa phần còn theo nếp du canh du cư đã là điều ngoài khả năng tưởng tượng của tôi, nên khi nhìn thấy dưới đáy rương một ống tre cất giữ cuốn sách cổ cuộn tròn tôi đã lặng người.
Bhoo cho biết người Katu xưa không có chữ riêng, nếu không kể chữ phiên âm la-tinh sau này. Em chưa từng chạm tay đến di vật tiền nhân. Ngay cả nội của em khi còn sống đã không đọc được thứ chữ viết trong sách này.
Tôi càng không thể, chỉ nhận dạng đó là chữ Hán và ngỏ lời muốn sao chụp cuốn sách để tìm người dịch.
Bhoo gật đầu: Mẹ em sẽ cám ơn ông, đã đôi lần bà ấy muốn biết tổ tiên gửi gắm điều gì cho con cháu đời sau qua cuốn sách độc bản này, hẳn là rất quan trọng. (*)
Di chuyển bất tiện, Bhoo vẫn tiễn tôi xuống cầu thang và chỉ dừng lại bên gốc lim-xanh giữa sân.
Cung trời đêm xanh thẫm trên những cánh rừng bao la trùng điệp vắng hẳn ánh sáng nhân tạo. Vầng trăng non tỏa vàng trong trẻo như trời đã không mưa dẫu còn đọng hạt trên cỏ cây. Cũng có thể bầu trời cao trong như lúc này là nhờ cơn mưa vừa tràn qua.
Bhoo lặng lẽ ngước nhìn ngọn lim-xanh rồi mơ màng nhìn quanh.
Tôi nhận ra tôi và cô bé Katu có chung một giấc mơ. Rằng lúc này chúng tôi đang trông thấy một rừng lim non nhú lên từ mặt đất hoang, lớn thật nhanh quanh gốc lim già, quanh ngôi nhà sàn và trải rộng tới vô cùng.
(*) Sách viết tay bằng chữ Nôm này được cho là ghi chép của một quan nội hầu triều Tây Sơn để lại cho con cháu đời sau biết gốc tích. Rằng năm 1802 nhà Nguyễn thống nhất đất nước, nội hầu trốn khỏi kinh thành Huế, ngược A Lưới, băng rừng đến vùng biên Việt-Lào thuộc địa phận Quảng Nam, đổi họ tên và cải trang thành "người đầu nguồn" Katu để tránh bị quan quân nhà Nguyễn phát hiện. Về sau nội hầu đón thêm một số tàn quân Tây Sơn, lập gia đình với người bản xứ, mở làng dưới chân ngọn Ataouat, tự xưng vùng thượng nguồn sông Bung là đất Tây Hy, hàm ý hy vọng phục hồi triều đại Tây Sơn. Một số nhà nghiên cứu lịch sử và văn hóa phán đoán qua thời gian và biến âm Việt-Katu, địa danh xã Tr'hy hiện nay có thể bắt nguồn từ "Tây Hy".