Ngành hàng thực phẩm và đồ uống (F&B) tại Việt Nam vốn sôi động với sự xuất hiện và góp mặt của nhiều cái tên trong và ngoài nước, bao gồm cả các chuỗi kinh doanh lẫn cửa hàng mang bản sắc vùng miền riêng. Khởi đầu đối với lĩnh vực này thường có thể dễ dàng và ngọt ngào hơn so với những ngạch kinh doanh khác, tuy nhiên, tính đào thải lại cao xuất phát từ xu hướng của giới trẻ thay đổi liên tục. Bên cạnh đó, dịch COVID-19 cùng hậu quả của khủng hoảng kinh tế khiến nhiều doanh nghiệp từ lớn lẫn nhỏ đều đang đối mặt với nhiều thách thức.
Chi nhánh của XLIII Coffee tại TP. Hồ Chí Minh
Cũng bởi vậy mà cộng đồng những người yêu thích cà phê khá bất ngờ trước xôn xao thông tin một doanh nghiệp cà phê Specialty có tiếng của Việt Nam sắp đóng cửa. Được biết, 43 Factory Coffee Roaster là một trong những thương hiệu cà phê đầu tiên nghiêm túc đầu tư cho dòng cà phê Specialty tại Việt Nam, sử dụng các loại cà phê đặc sản có điểm đánh giá cao trên thế giới, và giữ hương vị nguyên bản của hạt cà phê, nên cho vị hơi chua và cơ bản khác so với phương cách pha chế của cà phê Việt.
Các sản phẩm cà phê tại đây nhận được sự quan tâm của nhiều thực khách, đặc biệt là khách du lịch và người nước ngoài.
Bắt đầu kinh doanh từ năm 2018, thương hiệu cà phê này xuất hiện không phô trương và dành nhiều thông tin cho các loại cà phê đặc sản. Với giá thành cao so với mặt bằng chung của các cửa hàng cà phê tại Việt Nam, 43 Factory Coffee Roaster vẫn duy trì lượng khách ổn định, hợp tác với nhiều đối tác cung ứng cà phê chất lượng trên thế giới, đồng thời mở thêm một địa điểm tại TP.HCM. Độ phủ sóng và nhận diện của cửa hàng trong ngành cà phê Specialty và thị trường tại Đà Nẵng cũng được đánh giá cao. Đơn cử, nhiều khách du lịch quốc tế lựa chọn đây là điểm đến khi tham quan du lịch tại Việt Nam.
Hệ thống máy pha chế hiện đại được sử dụng cho sản phẩm cà phê Specialty
Tuy vậy, trong tháng 5, thương hiệu đã có những đăng tải thông tin với “lời chia tay”, “sự tạm biệt”, gây nên đồn đoán cho việc đóng cửa của doanh nghiệp. Nhiều khách hàng quen mặt bày tỏ sự tiếc nuối, đồng thời cũng suy đoán nguyên nhân xuất phát từ sự khó khăn của nền kinh tế khiến nhiều doanh nghiệp điêu đứng sau dịch Covid-19. Chưa tính đến việc một phần lớn doanh thu của cửa hàng đến từ nhóm khách nước ngoài, khách du lịch.
Tuy vậy, trước những xôn xao đó, thương hiệu cà phê Specialty đã khẳng định việc tái xây dựng thương hiệu và đổi tên. Qua trao đổi với chị Thanh Hằng, đại diện thương hiệu, được biết, cái tên 43 Factory Coffee Roaster sẽ được thay thế bằng XLIII Coffee.
“Việc đổi tên này là hành động thiết thực để thương hiệu thực hiện tham vọng mở rộng thị trường, tạo nên nhiều giá trị hơn cho cộng đồng cà phê, mang đậm giá trị cội nguồn, tự do không bị ràng buộc. Dù hoạt động dưới cái tên mới nhưng quán vẫn sẽ giữ nguyên tôn chỉ hoạt động bảo vệ giá trị nguồn cội cùng 5 giá trị cốt lõi và 4 hướng phát triển chiến lược, lấy hương vị nguyên bản của cà phê làm giá trị cốt lõi”, chị Hằng cho biết.
Khác với phần đa theo đuổi các xu hướng và ưu tiên phục vụ giới trẻ, doanh nghiệp cà phê này theo đuổi và hướng đến giá trị của cà phê, lấy sản phẩm và trải nghiệm của khách hàng là trung tâm.
“XLIII trong tiếng La Mã có nghĩa là 43. Chúng tôi luôn tôn trọng, ghi nhớ những thành quả và giá trị đã được gây dựng từ những bước đầu của hành trình khám phá thế giới cà phê và xuất phát điểm của thương hiệu tiền thân - 43 Factory Coffee Roaster. XLIII Coffee sẽ mang 5 giá trị cốt lõi (Minh bạch, đạo đức, truy xuất nguồn gốc, chuyển đổi theo hướng bền vững, trách nhiệm) trao gửi đến nhiều người dùng ở khắp mọi miền tổ quốc”, chị Thanh Hằng nói.
Được biết, doanh nghiệp trong thời gian tới có dự định mang sản phẩm và dịch vụ đến với thị trường các tỉnh, thành phố… Việc đổi tên nằm trong chiến lược hoạt động của cửa hàng cũng như nhằm phục vụ mục tiêu phủ sóng xu hướng cà phê Specialty tại các khu vực trên toàn quốc.