Thượng đỉnh G20: Nóng quan tâm chung, dịu căng thẳng riêng

Kế Thông| 02/11/2021 14:26

Thượng đỉnh G20 tại Rome đã củng cố cam kết đa phương, tạo diễn đàn để các nước cải thiện quan hệ song phương, cùng hướng về một tầm nhìn chung sau đại dịch.

(10.31) Các nhà lãnh đạo G20 chụp ảnh cùng đội ngũ y tế của Italy cho bức ảnh lưu niệm. (Nguồn: G20)
Các nhà lãnh đạo G20 chụp ảnh lưu niệm ngày 31/10. (Nguồn: G20)

Thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế lớn và mới nổi (G20) diễn ra từ ngày 30/10-31/10 tại Rome, Italy đã khép lại. Tuy nhiên, dư âm nó để lại sẽ còn hiện hữu, trước mắt là tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) từ ngày 31/10-12/11 và Thượng đỉnh trực tuyến Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2021 ngày 7-14/11 tới.

Thượng đỉnh G20 Rome đã củng cố cam kết đa phương, tạo diễn đàn để các thành viên đối thoại, cải thiện quan hệ song phương, cùng hướng về một tầm nhìn chung.

Cam kết vì thế giới xanh

Điểm nổi bật ở Thượng đỉnh G20 tại Rome vừa qua là mối quan tâm về an ninh phi truyền thống, đặc biệt là biến đổi khí hậu, chủ đề chính của COP26 và dự kiến xuất hiện trong Thượng đỉnh APEC 2021 cuối tuần này.

Tuyên bố chung phát đi tín hiệu tích cực khi đưa ra một số cam kết đáng chú ý về chống biến đổi khí hậu.

Theo Thủ tướng nước chủ nhà Mario Draghi, đây là lần đầu tiên tất cả các nước G20 nhất trí khống chế mức tăng nhiệt toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và sớm đạt trung hòa carbon trong thời gian sớm nhất. Tuyên bố chung Thượng đỉnh khẳng định đây là mục tiêu trong tầm tay.

Đồng thời, G20 cam kết “làm hết sức” để ngừng xây dựng nhà máy điện than mới trước năm 2030, loại bỏ dần trợ cấp nhiên liệu hóa thạch trong trung hạn và dừng cấp vốn cho phát điện từ nhiệt điện than ở nước ngoài cuối năm nay.

Đồng thuận về chống biến đổi khí hậu tại thượng đỉnh G20 đã tạo tiền đề quan trọng cho Hội nghị COP26 đang diễn ra và Thượng đỉnh APEC 2021 trực tuyến vào cuối tuần này.

Đáng chú ý, các nước có lượng phát thải lớn đã thể hiện cam kết của mình.

Không chỉ tích cực ủng hộ nghị trình tại Rome, Tổng thống Mỹ Joe Biden còn đẩy mạnh chính sách xanh để hiện thực hóa mục tiêu cắt giảm một nửa lượng phát thải của Mỹ năm 2030, dù gặp sự phản đối mạnh mẽ từ chính nội bộ đảng Dân chủ.

Trong khi đó, dù không góp mặt trực tiếp tại Thượng đỉnh, song thông cáo của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định Bắc Kinh sẽ “thực hiện như đã cam kết” về hạn chế phát thải và tăng trưởng xanh. Ông nhấn mạnh mục tiêu của Trung Quốc là nỗ lực từng bước tìm kiếm “thay đổi toàn diện, sâu sắc về kinh tế xã hội”.

Ông đề cao vai trò của LHQ như kênh chính, theo đuổi nguyên tắc trách nhiệm chung, tuân thủ luật pháp quốc tế và định hướng hành động, khẳng định cần triển khai mạnh mẽ, hợp tác chặt chẽ về biến đổi khí hậu.

Trong G20, Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Đức và Brazil chiếm 80% lượng khí thải toàn cầu. Vì thế, cam kết của lãnh đạo các nước này cùng đồng thuận về chống biến đổi khí hậu tại thượng đỉnh G20 đã tạo tiền đề quan trọng cho Hội nghị COP26 đang diễn ra và sắp tới là Thượng đỉnh APEC 2021 trực tuyến vào cuối tuần này.

Cam kết của các nhà lãnh đạo thế giới ngày 1/11 tại COP26 về ngân sách lên tới 19 tỷ USD để ngăn chặn và đảo ngược tình trạng phá rừng gây xói mòn đất là minh chứng rõ nét cho bước chạy đà từ Thượng đỉnh G20.

(11.02) Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã đề cao tầm quan trọng của chống biến đổi khí hậu, cho rằng đã đến lúc con người cần dừng việc 'đối xử với thiên nhiên như nơi xả chất thải' của mình. (Nguồn: UN)
Tại COP26, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã đề cao tầm quan trọng của chống biến đổi khí hậu, cho rằng con người cần dừng việc 'đối xử với thiên nhiên như nơi xả chất thải' của mình. (Nguồn: UN)

Vì tương lai hậu Covid-19

Biến đổi khí hậu nhận được sự quan tâm đặc biệt tại Thượng đỉnh G20 vừa qua, song không phải là chủ đề quan trọng duy nhất.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp cùng nguy cơ xuất hiện một số biến thể mới nguy hiểm hơn, lãnh đạo và quan chức dự G20 đã thảo luận về đẩy nhanh tốc độ kiểm soát đại dịch trên toàn cầu.

Các bộ trưởng tài chính và y tế G20 đã đặt mục tiêu bảo đảm ít nhất 40% dân số thế giới được tiêm chủng cuối năm 2021 và 70% giữa năm 2022. Đồng thời, họ cam kết tăng nguồn cung vaccine, sản phẩm y tế thiết yếu và nguyên liệu đầu vào tại nước đang phát triển, loại bỏ hạn chế về cung ứng và tài chính.

Các bộ trưởng tài chính và y tế G20 cũng kêu gọi củng cố chuỗi cung ứng vaccine qua những trung tâm chuyển giao công nghệ tự nguyện, trung tâm công nghệ mRNA ở Nam Phi, Argentina và Brazil hay thỏa thuận sản xuất chung.

Phục hồi và phát triển bền vững sau đại dịch cũng là chủ đề được đặc biệt quan tâm.

Các nhà lãnh đạo G20 đã nhất trí thông qua thỏa thuận về thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu với hai phần.

Đầu tiên, thỏa thuận sẽ áp thuế tối thiểu 15% với doanh nghiệp lớn và sẽ tăng thêm doanh thu thuế cho phần lớn các nước tham gia. Ngoài ra, thỏa thuận mới sẽ giúp đưa doanh thu thuế về nơi các công ty bán hàng, thay vì nơi doanh nghiệp đặt trụ sở.

Các nhà lãnh đạo tại Thượng đỉnh G20 cũng cam kết thành lập một lực lượng đặc biệt nhằm ứng phó đại dịch trong tương lai, thúc đẩy công tác chuẩn bị, phòng ngừa và đương đầu một khi cần thiết.

Đây là biện pháp ngăn chặn các công ty đa quốc gia giấu lợi nhuận ở “thiên đường thuế”, đồng thời mang lại cho những nước đang phát triển ít nhất 1,5-2 tỷ USD/năm.

Thỏa thuận cũng được kỳ vọng sẽ chấm dứt cuộc đua miễn giảm thuế doanh nghiệp giữa các nước.

Cuối cùng, G20 cũng ủng hộ sáng kiến gia hạn nợ cho chính phủ chưa có khả năng chi trả do tác động của dịch Covid-19, ủng hộ huy động 100 tỷ USD đến năm 2025 để hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển.

Tất cả những nỗ lực này cho thấy cam kết mạnh mẽ của lãnh đạo các nước nhằm triển khai tầm nhìn về một thế giới xanh, hòa bình và phát triển sau đại dịch Covid-19.

Dịu căng thẳng riêng

Tuy nhiên, không chỉ củng cố cam kết đa phương trong các vấn đề toàn cầu, thượng đỉnh G20 còn là dịp để lãnh đạo thế giới đối thoại, củng cố quan hệ song phương.

Một trong số đó là cuộc gặp ngày 29/10 tại Rome, Italy giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron. Ông chủ Nhà Trắng thừa nhận Washington đã “vụng về” trong xử lý thỏa thuận tàu ngầm với Australia, khiến Pháp mất trắng các hợp đồng quốc phòng trị giá hàng tỷ USD.

Ông Macron cho biết, Mỹ và Pháp “đã cùng nhau làm rõ những gì cần làm rõ”, bảo đảm rằng trường hợp tương tự không xảy ra lần nữa. Ông nhìn nhận Mỹ và Pháp ở thời điểm này cần “hướng đến tương lai”, nhấn mạnh hai bên đã nhất trí về nhiều vấn đề, từ an ninh, phòng dịch Covid-19 tới phát triển năng lượng sạch.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã hội đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, chỉ ít lâu sau căng thẳng ngoại giao giữa Ankara và phương Tây.

Một mặt, ông Biden quan ngại về việc Thổ Nhĩ Kỳ sở hữu hệ thống tên lửa S-400 của Nga sẽ cản bước quan hệ song phương, đặc biệt là thương vụ máy bay F-16. Trong khi đó, ông Erdogan duy trì quan điểm phản đối sự ủng hộ của Washington với lực lượng Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) tại Syria.

Mặt khác, lãnh đạo Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đều nhất trí về xây dựng cơ chế cải thiện quan hệ, tăng cường trao đổi thương mại, nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Ngoài ra, ông chủ Nhà Trắng cho biết thương vụ F-16 của Ankara sẽ trải qua quy trình xét duyệt tại Washington. Trong khi đó, Tổng thống Erdogan cho biết đã thấy “cách tiếp cận tích cực” từ phía ông Biden.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gặp mặt lần đầu sau thỏa thuận AUKUS. (Nguồn: Reuters)
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có cuộc gặp quan trọng tại Thượng đỉnh G20. (Nguồn: Reuters)

Cuối cùng, không thể thiếu hội đàm giữa Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron giữa tranh chấp về khai thác cá trong vùng biển Anh.

Nhất trí rằng cần sớm “giảm căng thẳng” bằng hành động cụ thể, hai nhà lãnh đạo Anh-Pháp cho biết sẽ phối hợp đưa ra “các biện pháp thiết thực và khả thi”, giải quyết triệt để tranh cãi quyền đánh cá sau khi Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit).

Trước mắt, Trưởng nhóm đàm phán Brexit của Anh David Frost sẽ gặp Bộ trưởng các vấn đề châu Âu của Pháp Clement Beaune để thảo luận khác biệt giữa hai nước.

Có thể thấy, Thượng đỉnh G20 tại Rome, Italy đã thúc đẩy cam kết của nhóm trước những thách thức an ninh phi truyền thống toàn cầu. Đồng thời, đây là diễn đàn để lãnh đạo các nước đối thoại, hóa giải căng thẳng, củng cố quan hệ, cùng triển khai tầm nhìn về một thế giới xanh, hòa bình và phát triển sau đại dịch Covid-19.

Theo baoquocte.vn
https://baoquocte.vn/thuong-dinh-g20-nong-quan-tam-chung-diu-cang-thang-rieng-163609.html
Copy Link
https://baoquocte.vn/thuong-dinh-g20-nong-quan-tam-chung-diu-cang-thang-rieng-163609.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Thượng đỉnh G20: Nóng quan tâm chung, dịu căng thẳng riêng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO