Theo New York Times, thuốc trừ sâu phun trên trái cây và rau quả tích tụ ở phần vỏ bên ngoài, tuy nhiên lớp vỏ này không tạo thành hàng rào không thấm nước. Ngoài ra, một số loại thuốc trừ sâu có thể hấp thụ vào mô của trái cây hoặc rau để bảo vệ chúng khỏi sâu bệnh xâm nhập qua vỏ.
Tiến sĩ Lili He, chuyên về khoa học thực phẩm tại Đại học Massachusetts Amherst (Mỹ), cho biết, vỏ dày hơn có thể hiệu quả hơn trong việc loại bỏ thuốc trừ sâu khỏi phần thịt của một số loại trái cây như dưa lưới. Dưa lưới là một trong những trái cây có dư lượng thuốc trừ sâu tương đối thấp.
Một nghiên cứu của Tiến sĩ He, được công bố trên Tạp chí Hóa học Nông nghiệp và Thực phẩm (Mỹ), cho thấy, dung dịch baking soda hiệu quả hơn nước thường trong việc loại bỏ dư lượng thuốc trừ sâu trên bề mặt vỏ, nhưng trái cây phải được ngâm trong tối đa 15 phút trước khi rửa sạch.
Dù vậy, đôi khi, việc rửa cũng không loại bỏ được dư lượng thuốc trừ sâu đã thấm sâu vào vỏ hoặc xuyên qua vỏ đến phần thịt quả. Các nhà nghiên cứu cho biết, việc bỏ vỏ có thể có hiệu quả, dù vậy cách làm này sẽ làm mất đi chất dinh dưỡng trong lớp này.
Dưa chuột và táo đều được bao phủ bởi một lớp sáp bảo vệ tự nhiên, nhưng một khi thuốc trừ sâu khuếch tán qua lớp đó, việc rửa sạch chúng sẽ trở nên khó khăn hơn.
Theo các chuyên gia, việc rửa lâu dưới vòi nước cũng có thể giúp ích rất nhiều trong việc rửa sạch dư lượng thuốc trừ sâu khỏi trái cây và rau quả nhưng việc giảm nó xuống bằng 0 là điều không bao giờ khả thi. Việc rửa có thể làm giảm dư lượng thuốc trừ sâu trên bề mặt nhưng không thể loại bỏ thuốc trừ sâu được rễ hấp thụ vào chính mô của trái cây hoặc rau quả.
Nghiên cứu cho thấy việc rửa rau diếp, dâu tây và cà chua dưới vòi nước trong 60 giây cũng có tác dụng tốt như sử dụng các loại nước rửa rau thương mại để giảm đáng kể dư lượng thuốc trừ sâu. Cách tốt nhất là rửa dưới vòi nước, lực của nước chảy sẽ làm trôi đi các chất cặn bã. Lột vỏ cũng giúp loại bỏ dư lượng thuốc trừ sâu.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên Giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, cũng khuyên đối với rau củ quả, con đường duy nhất làm sạch là rửa. Đầu tiên loại bỏ các loại rau dập nát. Với rau bị dập nát nếu còn hóa chất bảo vệ thực vật chúng sẽ ngấm vào các tế bào bị dập nát nhanh hơn rất nhiều so với tế bào nguyên vẹn.
Cụ thể, bạn cần cắt bỏ phần dập nát, cắt gốc, cắt rễ sau đó ngâm vào trong nước lạnh một khoảng thời gian nhất định (khoảng 5-10 phút). Nếu còn hóa chất bảo vệ thực vật thì chúng sẽ được tan dần ra.
Sau đó, thay nhiều lần nước, nguyên tắc là phải rửa nhiều nước, rửa lâu, rửa bằng tay, lưu ý những khe cuống lá… để tách chất bẩn (không chỉ đất cát mà còn cả thuốc bảo vệ thuốc trừ sâu nếu có). Cuối cùng chúng ta nên rửa dưới vòi nước chảy. Trong quá trình rửa cần cố gắng tránh làm cho rau bị dập nát tiếp.
"Việc làm này có tác dụng rất lớn làm giảm mức tối đa nếu như rau nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật. Không những thế làm giảm những chất bẩn khác từ ruộng mang về", PGS Thịnh nói.
Chuyên gia cũng lưu ý, các loại rau dạng củ (củ cải, su hào, cà rốt, khoai tây) bao giờ cũng sạch hơn rau có lá. Trong các loại rau dạng lá, rau trồng ở trên cạn thường sạch hơn rau ở dưới nước (rau cần, rau cải xoong…).