Thuốc, thực phẩm chức năng giả gia tăng nhanh chóng

ANH ĐÀO| 19/12/2022 17:47

Những năm gần đây cơ quan chức năng liên tục thu giữ các loại thuốc giả như: kháng sinh, giảm đau…với quy mô lớn. Bộ Y tế cũng đã có nhiều lần thông báo thu hồi các sản phẩm thuốc giả gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

hinhanh-1671270917411536209843.jpeg
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận 8 (TP.HCM) thu giữ số lượng lớn thuốc giả - Ảnh: CACC

Bắt giữ nhiều thuốc giả

Ngày 17/12, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận 8 (TP.HCM) cho biết vừa triệt phá đường dây sản xuất thuốc tây giả quy mô lớn, bắt giữ bảy nghi phạm.

Cụ thể trưa 13/12, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ Công an quận 8 ập vào một bãi xe trên đường Cao Lỗ (phường 4, quận 8), bắt quả tang 4 đối tượng đang sản xuất thuốc giả.

Qua khám xét, lực lượng chức năng thu giữ hơn 8.500 hộp thuốc tây giả mang nhãn hiệu Terpin - Codein, Decotyl, Asmacort, Glotal.

Từ lời khai của các nghi phạm, Công an quận 8 bắt giữ thêm 2 người về hành vi mua bán hàng giả. Khám xét nơi ở của hai nghi phạm trên, lực lượng chức năng thu giữ gần 10.000 hộp thuốc tây giả các loại.

Mở rộng điều tra, lực lượng chức năng khám xét một xưởng sản xuất thuốc tây giả tại TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), bắt giữ thêm 1 nghi phạm thu nhiều loại tân dược giả.

Hiện Công an quận 8 đã kiểm đếm được gần 20.000 sản phẩm thuốc giả, số thuốc chưa kiểm đếm còn rất lớn. Tổng giá trị số thuốc giả trên đang được cơ quan chức năng làm rõ.

Được biết các nghi phạm sản xuất thuốc giả (trong đó có thuốc kháng sinh) rồi đem bán tại một số nhà thuốc, chợ thuốc lớn ở TP.HCM.

Trước đó, ngày 23/9, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã có thông báo thu hồi 13 loại thuốc chứa Methyprednisolone (chữa các bệnh như viêm khớp, rối loạn máu, các bệnh về mắt…) do nguồn gốc nguyên liệu bị giả mạo.

Mới đây, nữ bệnh nhân V.T.T. (25 tuổi, Lâm Đồng) đến Bệnh viện Da liễu TP.HCM thăm khám trong tình trạng cơ thể mệt, trên da xuất hiện ban đỏ, bóng nước và vết trợt chiếm hơn 60% diện tích cơ thể, kèm theo tổn thương niêm mạc mắt, miệng, mũi…

Nữ bệnh nhân này cho biết do có bệnh vảy nến, nên đã mua thực phẩm chức năng dùng được khoảng 5 - 7 ngày thì trên người xuất hiện vết ban nhỏ, sau đó phát ban. Người bán nói sản phẩm đang phát huy tác dụng thải độc tố nên chị H. tiếp tục sử dụng.

Đến khoảng ngày thứ 18, tình trạng bệnh nặng hơn, tuy nhiên người bán tiếp tục trấn an. Thấy cơ thể đau nhức không chịu nổi, chị H. được người nhà đưa đi cấp cứu ở bệnh viện.

Các bác sĩ chẩn đoán chị H. hoại tử thượng bì nhiễm độc (hội chứng Lyell) sau khi sử dụng thực phẩm chức năng, nếu không cấp cứu kịp thời có thể tử vong.

dji0967d-1660298053581484942289-1660300031375267925342.png
Bệnh nhân sử dụng thực phẩm chức năng giả gây dị ứng được điều trị tại Bệnh viện da liễu TP.HCM - Ảnh: BVCC

Thuốc giả chủ yếu là kháng sinh, giảm đau, đông dược…

Bà Nguyễn Diệu Hà - tổng thư kí chánh văn phòng Hiệp hội Doanh nghiệp dược Việt Nam - cho biết trong 5 năm qua từ năm 2017 - 2021, theo thống kê của Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương số lượng thuốc giả chiếm trên thị trường chiếm 0.04% so với mẫu lấy được kiểm nghiệm.

Các thuốc giả này phần lớn là đông dược, kháng sinh, giảm đau… được sản xuất khá tinh vi, chỉ có thể phát hiện được khi so sánh với các vỏ hộp, tờ hướng dẫn, tuy nhiên rất khó phân biệt đối với người tiêu dùng.

“Điều trị bằng thuốc giả mạo không hiệu quả, như đối với kháng sinh có thể dẫn đến sự xuất hiện của các vi khuẩn kháng thuốc.

Thuốc khi được sản xuất tại các cơ sở không đảm bảo điều kiện và tiêu chuẩn có thể chứa nhiều vi khuẩn và nấm mốc, điều này đặc biệt nghiêm trọng đối với các thuốc dùng qua được tiêm hoặc trên người suy giảm miễn dịch”, bà Hà nhấn mạnh.

PGS Lê Văn Truyền - chủ tịch Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng kí thuốc (Bộ Y tế) - cho biết tại Việt Nam ngoài dược phẩm, thị trường thực phẩm chức năng tăng vọt do mô hình bệnh tật của Việt Nam đang chuyển đổi theo mô hình các bệnh mạn tính, do tuổi thọ tăng, thu nhập của người dân tăng và khuynh hướng bồi dưỡng, nâng cao sức khỏe để phòng chống dịch bệnh.

Ngoài ra, sức hút của thị trường làm cho số nhà sản xuất và kinh doanh thực phẩm chức năng vọt. Ngay cả trước khi xảy ra dịch COVID-19, đã bùng nổ tình trạng kinh doanh online, quảng cáo qua mạng xã hội, internet, tư vấn trực tiếp cho người dùng qua điện thoại, chat box, bán hàng đa cấp, chuyển qua bưu điện, hoặc qua người vận chuyển…

Chiêu trò quảng cáo không đúng

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - chủ tịch hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam - cho hay một trong những điều đáng lo ngại hiện nay là việc quảng cáo thực phẩm chức năng không đúng hoặc gây nhầm lẫn về công dụng sản phẩm.

Nhiều loại được quảng cáo như “thần dược” nhưng để né tránh quy định của pháp luật, khi quảng cáo vẫn đọc, trên nhãn vẫn ghi “sản phẩm này không phải là thuốc không có công dụng thay thế thuốc chữa bệnh”, chỉ lướt qua, trong khi đó đã quảng cáo về công dụng chữa bệnh trước đó.

Bên cạnh đó do được quảng cáo như thuốc chữa bệnh, nên đối với nhiều người khi có nhu cầu chữa bệnh thì giá cả trở thành thứ yếu. Đây là yếu tố được triệt để khai thác để đẩy giá đem lại lợi nhuận kinh doanh cao.

Người tiêu dùng cần làm gì để bảo vệ mình?

Theo ông Hùng trước tình hình thị trường thực phẩm chức năng nhiều biến tướng như hiện nay, cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước, đặc biệt là công tác hậu kiểm, tăng cường sự hướng dẫn sử dụng của các cơ quan chuyên môn.

Các cơ sở kinh doanh, thực phẩm chức năng vì sự phát triển bền vững của chính mình, cần đảm bảo các quyền của người tiêu dùng theo quy định, hỗ trợ, hướng dẫn người tiêu dùng.

“Thực tế hiện nay nhiều người dân khi thấy quảng cáo  thực phẩm chức năng chữa “bách bệnh”  nhưng không được tư vấn, hướng dẫn mà đã sử dụng dẫn đến “tiền mất tật mang”. Nhiều người vẫn chưa hiểu đúng về thực phẩm chức năng, thiếu tư vấn, hướng dẫn.

Do vậy người dân chỉ nên mua những loại thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, để tránh mua phải hàng giả cần có sự tư vấn bác sĩ, dược sĩ có chuyên môn khi sử dụng.

Thông tin cho cơ quan nhà nước có liên quan khi phát hiện thực phẩm chức năng không đảm bảo an toàn, có khả năng gây nguy hiểm tính mạng”, ông Hùng cho hay.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Thuốc, thực phẩm chức năng giả gia tăng nhanh chóng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO