Hậu quả của thuốc lá điện tử
Trung tâm chống độc cũng có bệnh nhân ngộ độc thuốc lá điện tử được điều trị tại đơn vị, trong đó rất nhiều trường hợp là học sinh, thanh thiếu niên phải cấp cứu do ngộ độc chất ma túy trộn thuốc lá điện tử. Các ca ngộ độc thuốc lá điện tử đều vào viện với biểu hiện co giật, kích thích, vật vã, ảo giác, loạn thần, hôn mê, tổn thương não và nhiều cơ quan khác, để lại di chứng nặng nề với sức khỏe.
Bệnh nhân 23 tuổi, ở Thường Tín, Hà Nội có tiền sử hút thuốc lá điện tử 2 năm nay. Theo lời kể của người nhà, bệnh nhân có dùng thuốc lá điện tử được cho thêm hương liệu mới sau đó lên cơn co giật, sùi bọt mép, co giật toàn thân. Bệnh nhân được đưa đi cấp cứu ở bệnh viện tuyến trước nhưng không đỡ, sau đó được chuyển đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. Xét nghiệm mẫu thuốc lá điện tử bệnh nhân mang đến phát hiện chất ma túy cần sa tổng hợp là ADB-Butinaca.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai - cho biết, phần lớn người dân quan niệm thuốc lá điện tử rất đơn giản, không có nicotine gây nghiện. Điều này hoàn toàn sai lầm. Thuốc lá điện tử thực chất là các thiết bị điện để nung nóng các hỗn hợp nguyên liệu chứa nhiều hóa chất nhân tạo bên trong, bốc hơi lên để người dùng giải trí. Trong thuốc lá điện tử có 3 nhóm nguy cơ gây hại cho sức khỏe là nicotine, hương liệu nhân tạo và ma túy.
"Thuốc lá điện tử chính là sự tổng hợp của các hậu quả khổng lồ do thuốc lá thông thường, kết hợp với hàng loạt các căn bệnh và ngộ độc do các hóa chất phụ gia sẽ sớm gặp trong tương lai gần, đồng thời với sự gia tăng của các loại ma túy cần sa tổng hợp thế hệ mới. Cần khẩn cấp cấm sản xuất và lưu hành thuốc lá điện tử ở Việt Nam trước khi quá muộn và mọi việc trở nên không thể kiểm soát” - TS.BS Nguyễn Trung Nguyên nêu ý kiến.
Thuốc lá điện tử gây hại như thuốc lá thông thường
Theo số liệu của Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), báo cáo tổng hợp từ gần 700 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, bao gồm các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, bệnh viện thuộc Sở Y tế và trung tâm y tế huyện chỉ tính riêng năm 2023, có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử.
Trong đó, số người nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử tập trung nhiều nhất ở lứa tuổi từ 65 tuổi trở lên với 580 ca nhập viện, lứa tuổi từ 45-64 có 377 ca nhập viện, lứa tuổi từ 25-44 có 138 ca nhập viện, lứa tuổi từ 19-24 có 58 ca nhập viện, lứa tuổi từ 16-18 có 44 ca nhập viện và lứa tuổi dưới 16 tuổi có 27 ca nhập viện.
Tại Việt Nam, mỗi năm có ít nhất là 40.000 người tử vong vì các bệnh liên quan thuốc lá, trong đó đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi là những nguyên nhân chính.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng khuyến cáo, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy, thuốc lá điện tử cũng gây nguy hại đối với sức khỏe cộng đồng tương tự thuốc lá thông thường. Trong thuốc lá điện tử chứa nicotine là chất gây nghiện, vì thế trẻ vị thành niên khi sử dụng có thể vật vã, khó chịu.Tại phiên giải trình trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng là nguy cơ cho thế hệ tương lai của đất nước. Phơi nhiễm nicotine tác động bất lợi cho sức khỏe bà mẹ và bào thai, gây ra đẻ non, thai chết lưu, tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch, hậu quả nghiêm trọng với sự phát triển não bộ bào thai, trẻ em và vị thành niên. Với những tác hại rõ ràng của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng thì phải cấm, không thể "quản lý" rồi lại đưa ra thị trường.