"THÙNG THUỐC SÚNG" ĐÔNG UKRAINE VÀ BÀI TOÁN KHÓ CỦA ÔNG PUTIN
Tám năm kể từ khi chiến sự miền Đông Ukraine bùng nổ, Nga vẫn đứng trước lựa chọn khó khăn: công nhận hay không công nhận độc lập cho nhà nước tự xưng do lực lượng ly khai ở đây lập ra.
Hạ viện Nga ngày 15/2 thông qua dự luật kêu gọi Tổng thống Vladimir Putin phê chuẩn công nhận độc lập cho khu vực Donbass, gồm hai vùng lãnh thổ Lugansk và Donetsk của Ukraine. Theo Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin, các nghị sĩ đã quyết định kêu gọi ông Putin xem Donbass và Lugansk là "các quốc gia có chủ quyền và độc lập". Dự luật đã được chuyển tới Điện Kremlin chờ Tổng thống Putin phê chuẩn.
Về vấn đề này, Tổng thống Putin nói đề xuất của Hạ viện Nga cho thấy các nghị sĩ đã đồng cảm với những người dân sống ở vùng Donbass bị chiến sự tàn phá. "Chúng ta phải làm mọi thứ để giải quyết các vấn đề ở Donbass, nhưng trước hết phải thông qua các cơ hội chưa được thực hiện theo các Thỏa thuận Minsk", nhà lãnh đạo Nga nói.
Cùng ngày, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên rằng, Nga nhiều lần tuyên bố ủng hộ Thỏa thuận Minsk và kêu gọi các bên tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận. Ông cũng thận trọng nói rằng, dự luật ở quốc hội vẫn cần một cuộc biểu quyết và ông từ chối bình luận về vấn đề này cho đến khi quá trình đó hoàn tất.
Thỏa thuận Minsk được Bộ tứ Normandy, gồm Nga, Ukraine, Pháp và Đức ký kết vào năm 2015 nhằm chấm dứt chiến sự đẫm máu ở miền Đông Ukraine giữa quân đội Ukraine với lực lượng ly khai.
Điều khoản cốt lõi của Thỏa thuận Minsk là một lệnh ngừng bắn ngay lập tức và các bên phải nhất trí rút vũ khí hạng nặng khỏi khu vực tiền tuyến. Thỏa thuận còn quy định tổ chức đối thoại về bầu cử địa phương tại các khu vực do phe ly khai kiểm soát, khôi phục các liên kết kinh tế và xã hội đầy đủ giữa hai bên. Quân đội chính phủ Ukraine được tái kiểm soát khu vực biên giới giáp Nga, trong khi tất cả lực lượng và lính đánh thuê nước ngoài phải rút khỏi miền Đông Ukraine. Chính phủ Ukraine cũng nhất trí cải cách hiến pháp, nhằm cấp quyền tự trị lớn hơn cho vùng Donbass.
Việc thực thi đầy đủ các Thỏa thuận Minsk sẽ loại trừ khả năng Ukraine gia nhập liên minh quân sự NATO. Theo các giải thích của Nga, các Thỏa thuận Minsk buộc chính quyền Kiev phải sửa đổi về luật và hiến pháp, mở đường cho phép các lực lượng ly khai thân Nga tại vùng Donbass có đại diện trong chính quyền Ukraine. Điều này dẫn đến khả năng phủ quyết các quyết sách về đối ngoại của chính quyền.
Tuy nhiên, thỏa thuận chưa từng được triển khai đầy đủ, khiến giao tranh ở miền Đông Ukraine vẫn tiếp diễn suốt 7 năm qua.
"THÙNG THUỐC SÚNG" DONBASS
Khu vực Donbass trở thành điểm nóng giao tranh từ năm 2014, sau khi người dân ở đây đòi tăng quyền tự trị bất thành và tổ chức phong trào phản kháng vũ trang. Chính phủ Ukraine cho biết, kể từ khi chiến sự miền Đông nổ ra, đến nay khoảng 15.000 người thiệt mạng trong các cuộc giao tranh giữa quân đội Ukraine và lực lượng ly khai.
Chính phủ Ukraine hai lần phát động chiến dịch quân sự quy mô lớn nhằm giành lại quyền kiểm soát Donbass nhưng đều không thành công. Các lực lượng ly khai trong hai vùng này tự thành lập hai thiết chế chính trị tách biệt khỏi Kiev, có tên gọi là Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR).
Phương Tây cáo buộc Nga đang tìm cách tạo ảnh hưởng hoặc thậm chí kiểm soát miền Đông Ukraine bằng nhiều biện pháp khác nhau, bao gồm việc cấp hộ chiếu Nga cho người dân tại đó, hỗ trợ tài chính, quân sự cho phe ly khai. Ước tính, Nga đã cấp hộ chiếu cho khoảng 600.000 công dân ở đó. Các nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Ukraine cũng nói rằng, hiện có khoảng 35.000 tay súng ly khai ở miền Đông với sự hỗ trợ của khoảng 2.000 binh sĩ Nga.
Tuy nhiên, Điện Kremlin luôn khẳng định chưa từng điều binh sĩ đến miền Đông Ukraine, những người Nga chiến đấu tại đó đều là tình nguyện viên. Ngược lại, Nga cáo buộc Mỹ và các đồng minh phương Tây "kích động phiêu lưu quân sự" ở Donbass khi cấp tập chuyển vũ khí cho quân đội Ukraine, lực lượng đang đối đầu với phe ly khai thân Nga ở miền Đông. Các chỉ huy quân sự thuộc lực lượng ly khai miền Đông Ukraine cũng liên tục cáo buộc phương Tây cùng Kiev đang điều động lực lượng áp sát khu vực.
Hiện giờ, một số chuyên gia ở phương Tây cho rằng, Donbass đang trở thành một quân bài thương lượng tiềm năng trong việc giải quyết căng thẳng giữa hai nước Liên Xô cũ, dù cái giá có thể khá đắt.
Những tuần gần đây, Nga đã triển khai hơn 100.000 binh sĩ và khí tài áp sát biên giới Ukraine cùng thời điểm Moscow đưa ra cho Mỹ và NATO những đề xuất an ninh có ý nghĩa "sống còn" với Nga. Giới quan sát phương Tây tin rằng, đây là cách để Nga gây sức ép với phương Tây, nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột toàn diện Nga - Ukraine là rất thấp, song không loại trừ khả năng Moscow tiến hành một chiến dịch quân sự quy mô nhỏ hơn ở miền Đông Ukraine.
Katrina vanden Heuvel, cựu biên tập viên tạp chí The Nation, nhận định rằng khi Nga động binh ở Donbass, Ukraine sẽ chịu áp lực lớn và phải chấp nhận từ bỏ mong muốn gia nhập NATO cũng như trao thêm quyền tự trị cho Donetsk và Lugansk. Đổi lại, Nga cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền của Ukraine và không thực hiện bất cứ nỗ lực nào nhằm biến Donbass thành một phần trong liên minh do Moscow dẫn dắt.
CANH BẠC NHIỀU RỦI RO
Đề xuất công nhận độc lập cho hai vùng ly khai ở miền Đông Ukraine được đưa ra giữa lúc công cụ mà Nga dùng để gây sức ép với Ukraine - Thỏa thuận Minsk - dường như đã mất dần hiệu quả. Moscow nhiều lần cáo buộc Ukraine không tuân thủ các điều khoản thỏa thuận.
Nếu Nga công nhận độc lập của 2 vùng Donetsk và Lugansk, động thái này có thể phá vỡ Thỏa thuận hòa bình Minsk. "Nếu quyết định đó được đưa ra, Nga trên thực tế đã rút khỏi các Thỏa thuận Minsk và sẽ nhận tất cả hậu quả tương ứng", Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba cảnh báo.
Andrew Lohsen, chuyên gia nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ, cho rằng việc công nhận hai khu vực miền Đông Ukraine là quốc gia độc lập, có chủ quyền có thể mang lại những lợi ích chiến lược cho Nga nhưng cũng kéo theo những rủi ro lớn.
Theo ông Lohsen, nếu Nga muốn để ngỏ thêm thời gian cho đàm phán cũng như tiếp tục gây sức ép buộc phương Tây chấp nhận ít nhất một số đề xuất an ninh cốt lõi, thì việc công nhận độc lập cho Donetsk và Lugansk có thể sẽ là bước đi tiếp theo của Moscow.
Thứ hai, việc công nhận các nhà nước cộng hòa tự xưng ở miền Đông Ukraine có thể giúp ông Putin "ghi điểm" với vai trò là người bảo vệ người nói tiếng Nga ở khu vực này. Hơn nữa, nếu công nhận Donetsk và Lugansk là các quốc gia độc lập, ông Putin sẽ đạt được mục tiêu là tạo ra "một Ukraine thân Nga", cho phép Moscow có ảnh hưởng sâu sắc đến các chính sách đối ngoại và đối nội của Ukraine.
Chuyên gia Duncan Allan tại Viện nghiên cứu Chatham House (Anh) cho rằng Ukraine muốn khôi phục chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình, trong khi Nga được tin là muốn buộc chính quyền ở Kiev trao quyền tự trị sâu rộng hay còn gọi là "tình trạng đặc biệt" cho miền Đông Ukraine. "Tuy nhiên, điều đó sẽ biến những vùng lãnh thổ này thành các tiểu quốc gia gần như độc lập do Nga kiểm soát.
Cùng với những lợi ích chiến lược đó, Nga cũng có thể đối mặt với những hệ quả sâu rộng nếu lựa chọn phương án công nhận Lugansk và Donetsk.
Việc công nhận có thể sẽ khiến những cam kết của Ukraine theo Thỏa thuận Minsk nhằm cung cấp quy chế đặc biệt cho vùng Donbass không còn giá trị và khiến Kiev ngả hơn nữa về phương Tây.
Thêm vào đó, công nhận Donetsk và Lugansk sẽ cản trở Nga đạt các mục tiêu chính sách khác gồm buộc NATO cam kết ngừng mở rộng về phía đông, rút lại sự hiện diện quân sự của khối ở Trung và Đông Âu, không triển khai vũ khí ở các khu vực gần Nga.
Đó là chưa kể đến những thiệt hại kinh tế mà Nga không muốn gánh nhất là trong bối cảnh triển vọng kinh tế u ám. Giới chức Ukraine ước tính, Nga đã phải đổ một lượng tiền của không ít để hậu thuẫn lực lượng ly khai ở Donbass. Trong 3 năm tới, Nga được cho là có kế hoạch chi 12,4 tỷ USD hỗ trợ tài chính cho các khu vực miền Đông Ukraine do lực lượng ly khai kiểm soát.
Nga dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này năm 2022-2023 sẽ chậm lại. Nếu phương Tây gia tăng các lệnh trừng phạt Moscow, tăng trưởng GDP của Nga thậm chí có thể xuống mức âm. Trong dài hạn, Nga cũng sẽ phải đối mặt với suy giảm kim ngạch xuất khẩu.
Với những phân tích này, những "quân sư" ở Điện Kremlin có thể sẽ tìm cách thuyết phục ông Putin rằng, bây giờ chưa phải lúc đánh cược với ván bài công nhận độc lập cho Donbass, coi đó là chiến lược để giải quyết căng thẳng với phương Tây. Một số khác cũng có thể hiến kế rằng, tốt hơn hãy để Kiev tự gánh cái giá khi tìm cách thống nhất lại các khu vực miền Đông.
Minh Phương
Theo CSIS, Reuters, AFP