Trước đây, công việc làm ăn khấm khá, doanh thu các cửa hàng hoa vải của anh Tô Duy Kha ở TPHCM có thể lên đến 700-800 triệu đồng/tháng, các đơn hàng "nổ" liên tục.
Thế nhưng, sau Tết Nguyên đán 2023, sức mua giảm mạnh. Doanh thu của các cửa hàng cũng giảm chỉ còn 100 triệu đồng/tháng. Con số này khiến anh Kha phải chật vật xoay sở, "lấy đầu này bù vào đầu kia" thì mới mong duy trì.
Hết tiền, phải vay tiền gia đình xoay sở để không phá sản. Tính đến nay, anh Kha không biết mình đang nợ bao nhiêu tiền. Kinh doanh trong lĩnh vực hoa vải được 13 năm, anh chưa từng chứng kiến cảnh tượng đơn hàng giảm sút như năm nay.
Doanh thu... chạm đáy
Theo chủ cửa hàng hoa vải, vì kinh tế suy thoái, người dân thắt chặt chi tiêu nên những mặt hàng mang giá trị tinh thần của anh được cho vào diện "không cần thiết".
Trước đây, anh Kha có đến 4 chi nhánh đắc địa trên địa bàn TPHCM. Thế nhưng, dịch Covid-19 bùng phát, anh phải trả bớt 2 mặt bằng. Đến khi TPHCM hết giãn cách, anh Kha tiếp tục dời một chi nhánh trên đường Hoàng Sa sang đường Nguyễn Đình Chiểu (cùng quận 3), để tìm nguồn khách tốt hơn.
Song, mọi chuyện lại không như anh mong muốn. "Không tin được là tháng đầu sang điểm mới, chỉ bán được 20 triệu đồng tại chi nhánh Nguyễn Đình Chiểu. Trong khi các chi phí khác như mặt bằng, nhân viên, điện nước, hàng hóa,… tạm tính cũng hơn 70 triệu đồng. Tháng đầu lỗ 50 triệu đồng, tháng sau tiếp tục lỗ 20 triệu nữa", anh Kha bộc bạch.
Do quen biết với chủ nhà nên anh Kha được giảm giá thuê mặt bằng. Nếu tính giá cả hai chi nhánh đường Nguyễn Đình Chiểu và Điện Biên Phủ (quận 3), mỗi tháng anh phải chi trả khoảng 100 triệu đồng cho chi phí thuê mặt bằng.
"Thông thường, mặt bằng ở đường Điện Biên Phủ có giá 80-100 triệu đồng/tháng. Nhờ quen biết nên tôi được thuê với giá 50 triệu đồng. Dạo gần đây, họ cũng… rục rịch muốn tăng giá, nếu tăng thật chắc tôi cũng dọn đi luôn vì không gồng nổi", anh Kha nói.
Không chỉ riêng cửa hàng của anh Kha, dọc trên các đoạn đường trung tâm TPHCM, hàng loạt mặt bằng treo biển cho thuê.
"Nhìn thấy hình ảnh đó tôi buồn lắm, nhưng đây là khó khăn chung. Đặc biệt là cửa hàng dịch vụ, họ sẽ gặp khó khăn hơn những nơi kinh doanh ăn uống. Bởi khi không phải nhu cầu thiết yếu hàng ngày, cửa hàng sẽ khó có lại lượng khách trước đây, không gồng nổi thì trả mặt bằng là chuyện sớm muộn", anh Kha chia sẻ.
Không lối thoát
Để duy trì việc kinh doanh, anh Kha phải cắt một nửa lượng nhân viên, chỉ giữ lại những ai có hoàn cảnh khó khăn, cần việc làm hơn. Vì kinh doanh thua lỗ, anh khó có thể xoay vòng vốn được. Vậy nên, anh Kha đã dừng nhập hàng từ nước ngoài về bán, mà cố gắng bán hết số hàng còn tồn đọng trong kho.
Không những vậy, dù bản thân không quen với kinh doanh online (trực tuyến), nhưng giờ đây anh cũng phải tìm cách mở rộng thị trường.
"Trước đây, tôi có thể thoải mái chọn lựa đối tượng khách hàng phù hợp. Còn giờ thì hết… chảnh, đơn nào cũng nhận, việc gì cũng làm cho dù nhỏ nhoi nhất. Cố gắng tăng doanh thu, tới đâu hay tới đó", anh Kha thở dài, nói.
Chị Ngọc Huyền, chủ cửa hàng nails (làm đẹp móng tay, chân) đang điều hành 3 chi nhánh trên địa bàn TPHCM. Trước đây, mỗi cửa hàng đem lại cho chị doanh thu 20 triệu đồng/ngày, thì giờ đây chỉ còn 10 triệu đồng.
"Lượng khách giảm một nửa, doanh thu hàng tháng chỉ huề vốn, hoạt động theo kiểu cầm chừng. Lúc trước tôi có đến 4 mặt bằng, nhưng sau Tết không gồng nổi nên đã trả bớt 1 cái rồi. Cứ đà này, tôi e rằng phải cắt giảm thêm nhân sự hoặc thậm chí là trả thêm 1 mặt bằng nữa", chị Huyền ngán ngẩm.
Mỗi tháng, một mặt bằng có giá thuê từ 2.000 - 4.000 USD (khoảng 46,9 triệu - 94 triệu đồng). Chị Huyền phải gồng gánh để chi trả cho tiền thuê mặt bằng, chi phí khác cho cả 3 chi nhánh tại các đường trên địa bàn quận 1, quận 3.
"Tình hình kinh tế năm nay rất khó khăn. Trước đây, phải nói rằng kinh doanh dễ hơn rất nhiều, chỉ cần chạy quảng cáo với cùng mức chi phí là đã đạt được ý muốn. Còn hiện tại phải tốn chi phí gấp 2, 3 lần nhưng hiệu quả lại không được bao nhiêu", chị Huyền bộc bạch.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, dọc trên các tuyến đường như Lê Lợi, Hai Bà Trưng, Điện Biên Phủ, Trương Định, Lý Tự Trọng,… mặt bằng "nghìn đô" treo biển cho thuê hàng loạt. Nhiều mặt bằng bỏ trống trên các tuyến đường trung tâm quận 1 (TPHCM) vẫn không có khách thuê mặc dù được giảm giá 30%.
Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tính từ tháng 1 đến tháng 5/2023, cả nước đã có khoảng 88.000 doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động. Con số này tăng 22,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung bình một tháng, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 17.600.