Thực hư tên lửa siêu thanh của Triều Tiên sánh ngang với Nga và Trung Quốc?

07/01/2022 08:15

Triều Tiên tuyên bố thử nghiệm tên lửa siêu thanh thứ 2, giữa lúc Nga - Trung là hai quốc gia duy nhất được cho sở hữu loại vũ khí siêu tối tân này.

Triều Tiên lên tiếng xác nhận nước này đã cho phóng thử một tên lửa siêu thanh hôm 5/1. Đây là vụ thử tên lửa siêu thanh thứ 2 dưới thời lãnh đạo của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un.

Trước đó, vào tháng 9/2021, Triều Tiên đã lần đầu tiên thử nghiệm một tên lửa siêu thanh. Song giới phân tích đều tỏ ra thận trọng khi đưa ra những đánh giá liên quan tới thông tin Triều Tiên đã sở hữu loại vũ khí tối tân mà ít quốc gia trên thế giới có.

Thực hư tên lửa siêu thanh của Triều Tiên sánh ngang với Nga và Trung Quốc?
Các nhà phân tích chưa thể xác định tên lửa mà Triều Tiên phóng có phải là tên lửa siêu thanh hay không. (Ảnh: Rodong Sinmun)

“Tên lửa siêu thanh có thể vượt qua các hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân sẽ là nhân tố làm thay đổi cuộc chơi, nếu như nó còn được tích hợp đầu đạn hạt nhân. Nhưng việc có vũ khí siêu thanh và muốn có vũ khí siêu thanh là hoàn toàn khác nhau”, ông Drew Thompson, cựu quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh sau vụ phóng tên lửa siêu thanh của Triều Tiên vào tháng 9/2021.

Còn sau vụ phóng hôm 5/1, ông Cheong Seong-chang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Triều Tiên tại Viện Sejong, cho hay cần có thêm thời gian và sự cải tiến trước khi Bình Nhưỡng có thể sử dụng vũ khí siêu thanh.

“Triều Tiên sẽ cần thêm ít nhất là 2 – 3 vụ phóng thử trong tương lai để hoàn thiện tên lửa siêu thanh”, ông Cheong nói.

Di chuyển trong bầu khí quyển với tốc độ nhanh hơn 5 lần tốc độ âm thanh (khoảng 6.200 km/h), vũ khí siêu thanh trở thành thách thức đối với các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện thời. Cho tới nay, chỉ có hai quốc gia là Nga và Trung Quốc được cho đang sở hữu các tên lửa siêu thanh triển khai được.

Hồi tháng 12/2019, Nga tuyên bố hệ thống tên lửa siêu thanh mang tên Avangard đã được đưa vào biên chế. Trong bài phát biểu trước Quốc hội Nga vào năm 2018, Tổng thống Vladimir Putin khẳng định hệ thống Avangard vượt qua được mọi hệ thống phòng không của phương Tây.

Tới tháng 1/2020, Tổng thống Putin còn tham gia giám sát vụ thử nghiệm hệ thống tên lửa siêu thanh thứ hai có tên Kinzhal và được phóng ngoài khơi bán đảo Crimea.

Tiếp tục vào tháng 11/2021, Nga cho biết nước này đã phóng thử thành công tên lửa siêu thanh Zircon.

Trong khi đó, hồi tháng 8/2021, quân đội Mỹ cho biết Trung Quốc đã thử nghiệm  phương tiện lướt siêu thanh (HGV) có thể mang đầu đạn hạt nhân và phóng một quả tên lửa bay giữa không trung ở Biển Đông. Một số chuyên gia nhận định, tên lửa phóng từ HGV của Trung Quốc là tên lửa không đối không, và cũng có thể là vật ngụy trang để gây rối các hệ thống phòng thủ tên lửa.

Về phần mình, Trung Quốc đã phủ nhận cáo buộc trên và khẳng định cái Mỹ gọi là vụ phóng tên lửa siêu thanh chỉ là “cuộc thử nghiệm thường xuyên nằm trong chương trình vũ trụ”.

Trước đó, trong cuộc diễu binh quân sự vào năm 2019, Trung Quốc đã cho trình làng tên lửa DF-17, loại tên lửa có thể triển khai HGV. Báo cáo từ Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược dẫn lời các quan chức quốc phòng Mỹ cho hay DF-17 có phạm vi tấn công là 2.500 km.

Báo cáo hồi năm ngoái từ Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí ở Washington, DC cho biết Mỹ đang nghiên cứu 8 loại vũ khí siêu thanh. Song Cơ quan Chỉ đạo các Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ thừa nhận quân đội Mỹ chưa thử nghiệm thành công bất cứ vũ khí siêu thanh nào.

Tuyên bố của Triều Tiên có đáng tin?

Triều Tiên thực hiện vụ phóng vụ phóng tên lửa hôm 5/1 và tới ngày 6/1, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cho công khai hình ảnh. Song các chuyên gia nghiên cứu tên lửa khẳng định nhìn vào các bức ảnh, họ chưa thể chắc chắn đây là tên lửa siêu thanh.

“Tên lửa Triều Tiên mang theo đầu đạn hồi quyển cỡ lớn có khả năng cơ động (MaRV). Triều Tiên quảng cáo đó là ‘siêu thanh’ cũng không sai, nhưng để nói rõ hơn thì nó không có nghĩa là tên lửa siêu thanh”, ông Joshua Pollack, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury ở Calfornia nhận định.

“Tên lửa của Triều Tiên được xếp vào HGV hay MaRV hiện chưa thể xác định”, ông Joseph Dempsey, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế cho biết thêm.

Trên thực tế, MaRV là công nghệ mà quân đội Mỹ đã triển khai hàng thập niên qua và Hàn Quốc cũng đã sử dụng từ lâu, theo ông Pollack.

MaRV có tính năng tương tự như HGV nhưng khả năng cơ động kém hơn và chủ yếu bay theo quỹ đạo cố định ở giai đoạn giữa hành trình. Chúng có thể đột ngột tăng độ cao khi lao tới mục tiêu và di chuyển theo đường bay trồi sụt nhằm giúp tăng tầm bắn, điều chỉnh hướng bay và gây khó hơn cho hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương.

Còn trong tuyên bố, KCNA cho hay trong vụ phóng hôm 5/1, “đầu đạn lướt siêu thanh” đã tách rời khỏi tên lửa đẩy và di chuyển chiều ngang 120 km trước khi “tấn công chính xác” mục tiêu nằm cách xa 700 km.

KCNA nhấn mạnh thêm, tên lửa đã thể hiện khả năng kiểm soát đường bay và năng lực hoạt động trong mùa đông giá rét.

Thực hư tên lửa siêu thanh của Triều Tiên sánh ngang với Nga và Trung Quốc?
Triều Tiên tuyên bố thực hiện vụ phóng tên lửa siêu thanh thứ 2 dưới thời lãnh đạo của Chủ tịch Kim Jong-un. (Ảnh: EPA)

Chuyện gì tiếp theo?

Phó Giáo sư Leif-Eric Easley tại Đại học Nữ Ewha ở Seoul cho rằng, “Thay vì thể hiện sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán giải trừ hạt nhân, hoặc quan tâm tới tuyên bố chấm dứt chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, chính quyền Bình Nhưỡng muốn phát đi tín hiệu rằng cả biến chủng Omicron và tình trạng thiếu hụt lương thực trong nước sẽ không thể ngăn quốc gia này phát triển tên lửa”.

Ông Cheong cũng cho hay trên thực tế, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un không trực tiếp tham gia giám sát vụ phóng thử tên lửa hôm 5/1. Điều này chứng tỏ Bình Nhưỡng muốn thể hiện đây chỉ là một phần trong hoạt động bình thường phát triển năng lực quốc phòng. Nói cách khác, Triều Tiên sẽ còn có thêm hành động tương tự trong tương lai.

“Vụ phóng tên lửa nằm trong kế hoạch phát triển quốc phòng 5 năm được thông qua trong đại hội lần thứ 8 của đảng Lao động Triều Tiên”, ông Park Won-gon, Giáo sư nghiên cứu Triều Tiên tại Đại học Nữ Ewha nói.

“Đây còn được xem là yêu cầu của Triều Tiên đối với cộng đồng quốc tế về việc từ bỏ tiêu chuẩn kép liên quan tới hoạt động phát triển vũ khí của quốc gia này. Triều Tiên muốn chứng minh các cuộc thử nghiệm của họ không khác gì hoạt động phát triển tên lửa của Hàn Quốc”,  ông Park kết luận.

Minh Thu (lược dịch)

Theo infonet.vietnamnet.vn
https://infonet.vietnamnet.vn/the-gioi/trieu-tien-dua-che-tao-ten-lua-sieu-thanh-voi-nga-trung-my-bi-thua-402259.html
Copy Link
https://infonet.vietnamnet.vn/the-gioi/trieu-tien-dua-che-tao-ten-lua-sieu-thanh-voi-nga-trung-my-bi-thua-402259.html
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Thực hư tên lửa siêu thanh của Triều Tiên sánh ngang với Nga và Trung Quốc?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO