Nhiều ngày qua, mạng xã hội xuất hiện thông tin, hình ảnh về một đoạn cống thoát nước khá lớn nằm trên mặt đất. này được xác định nằm ở huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi).
Nhiều người cảm thấy khó hiểu khi cống thoát nước lại nổi trên mặt đất. Việc xây dựng cống thoát nước có đường kính lên đến 1,5m trên mặt đất được người dân cho là điều bất thường.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Đình Hùng - Trưởng Ban quản lý dự án huyện Lý Sơn - cho biết hình ảnh trên mạng xã hội chính là một đoạn cống thoát nước nằm trong dự án đường trục chính trung tâm huyện Lý Sơn. Tuy nhiên, đây là hình ảnh hiện trạng của hệ thống cách đây đã lâu. Hiện đoạn cống này đã có sự điều chỉnh hợp lý hơn.
Ông Hùng lý giải chiều dài toàn tuyến của dự án gần 3km. Trong đó có một đoạn dài khoảng 100m đi qua khu vực có độ cao chênh lệch so với xung quanh gần 2m.
Khu vực này có nhiều đá tảng khá lớn do đó không thể đào hào đặt cống. Phương án phù hợp nhất là đào lớp đất bề mặt để hạ độ cao. Sau khi hạ độ cao sẽ tiến hành thi công đoạn cống thoát nước qua khu vực này. Việc thi công hệ thống thoát nước trước vẫn phù hợp.
Ông Hùng cho biết, do khu vực này được hạ độ cao sau đó đặt cống mà chưa san lấp đất nên nhìn trong ảnh tưởng như hệ thống cống thoát nước sẽ nằm trên mặt đất.
"Theo phương án lúc đầu, đơn vị thi công đào đất hạ độ cao sau đó lắp cống thoát nước. Khi thi công cống xong sẽ tiến hành san lấp đất rồi thi công nền đường", ông Hùng nói và cho biết, với phương án này thì đoạn cống cao hơn khoảng 1,8m so với xung quanh.
Tuy nhiên, trong quá trình thi công, người dân kiến nghị hạ độ cao đoạn cống. Tiếp thu ý kiến người dân, đơn vị thiết kế đã có những điều chỉnh phù hợp. Hiện đoạn cống này đã được hạ cao độ, chỉ còn cao hơn khu vực xung quanh khoảng 60-70cm.
"Trong quá trình thi công người dân có những kiến nghị hợp lý nên chúng tôi đã điều chỉnh phù hợp", ông Hùng nói thêm.
Liên quan đến việc thi công cống thoát nước trước, san nền sau, anh Huỳnh Phong - kỹ sư xây dựng tại TP Quảng Ngãi - cho biết biện pháp thi công này vẫn đảm bảo kỹ thuật.
Theo anh Phong, thông thường sẽ đắp đất san nền đến cao trình thiết kế. Sau đó đào móng, đặt cống rồi đắp đất. Tuy nhiên, biện pháp thi công hệ thống thoát nước trước, san nền sau vẫn được sử dụng trong một số trường hợp.
"Có thể chưa có nguồn đất đắp nên họ thi công hệ thống cống trước. Cách làm này vẫn đảm bảo kỹ thuật. Thi công cống trước cũng có ưu điểm là đất cát không tràn vào cống", anh Phong nói.