Chuyên gia dinh dưỡng chỉ ra 3 bộ phận của tôm ăn không tốt, dễ nhiễm ký sinh trùng, ngộ độc

Ngọc Hân| 02/04/2021 16:00

Việt BáoĐầu, vỏ và đường chỉ đen trên lưng con tôm là 3 bộ phận bạn nên loại bỏ khi chế biến để tránh nhiễm ký sinh trùng, ảnh hưởng tiêu hóa.

Theo thạc sĩ dinh dưỡng Trương Nhật Khuê Tường, Khoa Dinh dưỡng – Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, tôm là thực phẩm có nhiều giá trị dinh dưỡng như selen, vitamin B12, omega-3, canxi giúp tái tạo năng lượng, tăng cường hệ miễn dịch, tốt cho xương khớp, tim mạch. Thực phẩm này còn dễ ăn, chế biến được nhiều món khác nhau.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng từ viện Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), trong thịt tôm có hàm lượng protein cao, ngoài ra còn rất giàu canxi, photpho, acid béo và nhiều khoáng chất khác nữa.

Còn theo hướng dẫn chế độ ăn uống 2010 của USDA cho người Mỹ, khuyến cáo nên tăng lượng hải sản ăn vào bằng cách thay thế thịt hoặc gia cầm bằng thủy sản trong đó có tôm. Tuy nhiên, có ba bộ phận này của tôm chúng ta không nên ăn để tránh nhiễm ký sinh trùng, ảnh hưởng tiêu hóa.

Đầu tôm

Nhiều người cho rằng đầu tôm rất bổ dưỡng, trong đó mắt tôm giúp sáng mắt, tốt cho não. Vì vậy, nhiều người sử dụng bộ phận này của tôm để nấu canh, chiên bơ tỏi hay nướng… Tuy nhiên, đây là việc làm sai lầm.

Theo thạc sĩ Tường, đầu tôm là phần chứa chất thải của con tôm và tích tụ nhiều kim loại nặng như asen rất có hại cho cơ thể. “Không nên ăn đầu tôm, nhất là đối với phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ vì nó rất nguy hiểm, dễ dẫn đến dị tật thai nhi hoặc dọa sảy thai” thạc sĩ Tường khuyến cáo.

Khi mua tôm, bạn nên quan sát kỹ phần đầu của nó, nếu thấy đầu tôm chuyển màu đen thì khả năng nhiễm kim loại, các chất độc hại và ký sinh trùng nhiều. Khi mua tôm về, tốt nhất bạn nên chế biến sạch, loại bỏ đầu để đảm bảo an toàn.

Chỉ đen trên lưng tôm

Đường chỉ đen đậm nằm ngay sát trên lưng tôm thường thấy những con tôm lớn. Đây là đường tiêu hóa chứa dạ dày và đại tràng của chúng.

Theo thạc sĩ Tường, thực chất khi nấu tôm chín, đường chỉ này cũng không gây hại. Tuy nhiên để đảm bảo vệ sinh và thẩm mỹ cho món ăn, người dân nên làm sạch đường chỉ trước khi chế biến.

Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, ăn đường chỉ đen trên lưng tôm không có hại cho sức khỏe bởi các vi khuẩn hầu như đã chết khi chế biến ở nhiệt độ cao. Tuy nhiên, để đảm bảo và yên tâm khi ăn bạn nên loại bỏ bộ phận này sẽ tốt hơn.

Vỏ tôm

Nhiều người tin rằng vỏ tôm là nơi chứa nhiều canxi tốt cho xương. Một số bà mẹ thậm chí ép con ăn tôm nguyên vỏ. Tuy nhiên, theo thạc sĩ Tường, vỏ tôm không chứa canxi như nhiều người lầm tưởng. Thành phần chính của vỏ tôm là kitin, một dạng polymer tạo nên vỏ của các loại giáp xác.

"Ngược lại, việc ăn vỏ tôm, nhất là trẻ nhỏ, dễ gây hóc xương, khó tiêu hóa", thạc sĩ Tường lưu ý.

GS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cũng cho rằng vỏ tôm không chứa nhiều canxi như tất cả những gì chúng ta nhầm tưởng. Tôm chứa nhiều canxi và lượng canxi này chủ yếu ở thịt, chân và càng tôm.

Những lưu ý khi ăn tôm

+ Tôm nên được hấp hay luộc chín để hạn chế nhiễm giun sán và ký sinh trùng gây ngộ độc.

+ Sản phụ vừa sinh con nên hạn chế ăn tôm vì có thể bị khó tiêu hoặc hình thành sẹo lồi. Trẻ em không được ăn vỏ tôm do dễ bị hóc hoặc tổn thương cổ họng.

+ Người đang bị ho, dị ứng, đau mắt đỏ, hen suyễn cũng hạn chế ăn tôm.

+ Ngoài ra, không nên chế biến kết hợp tôm với các loại rau, củ, quả nhiều vitamin C. Lý do là khi vitamin C gặp các độc tố có sẵn trong tôm sẽ phát tán độc tố dẫn đến ngộ độc thực phẩm.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Chuyên gia dinh dưỡng chỉ ra 3 bộ phận của tôm ăn không tốt, dễ nhiễm ký sinh trùng, ngộ độc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO