Khi người dùng tạo một tài khoản TikTok và bắt đầu tìm nội dung để xem, tại ô tìm kiếm ngay phía dưới là hàng loạt nội dung gợi ý liên quan, đặc biệt là những video đang được xem nhiều (trend). Cứ thế, người dùng liên tục lướt và dần đắm chìm trong nền tảng, không dứt ra được.
Một nhà nghiên cứu tâm lý học tại TP.HCM cho biết, đối với Facebook hay YouTube thì mọi hoạt động đề xuất nội dung cho người dùng xoay quanh sở thích và hành vi. Tuy nhiên, với TikTok thì mọi hoạt động đề xuất nội dung tập trung vào đám đông, theo đó nhiều người đang xem gì thì nền tảng sẽ đề xuất nội dung đó, bất chấp việc người dùng có thích hoặc quan tâm hay không.
Có thể nói đây là một thuật toán thao túng tâm lý về lâu dài, làm con người giảm khả năng tập trung chú ý rất nhiều, đồng thời nó gây nghiện khi người dùng càng xem nội dung nào nhiều càng được nền tảng gợi ý video tương tự tiếp theo. Những người nghiện TikTok thường giảm khả năng giao tiếp với thế giới xung quanh. Trong các nghiên cứu tâm lý học thì thuật toán này là một dạng nguy hiểm. Thậm chí, đôi lúc nền tảng còn chèn vào nội dung thương mại. Thực tế, trên TikTok xuất hiện nhiều trend “không giống ai” và người đưa nội dung lên cũng không hiểu tại sao nó thành trend.
“Đây là một điều rất nguy hiểm, đặc biệt là đối với trẻ em, thuật toán này dễ dàng kéo các em tập trung vào những video gợi ý, lướt xem không ngừng nghỉ để gây nghiện và giảm khả năng giao tiếp”, vị chuyên gia chia sẻ.
Cũng theo vị chuyên gia này, với thuật toán như trên, tình trạng lan truyền tin giả xuất hiện ngày càng nhiều trên TikTok. Chưa kể, lợi dụng vào thuật toán, tin giả có thể dễ dàng được tạo ra bởi TikTok không hạn chế việc tạo tài khoản của người dùng; muốn lập một "trend" (xu hướng) mới, chỉ cần dùng các tài khoản ảo lan truyền sẽ đạt được mục đích.
Đồng quan điểm, ông Nhân Nguyễn, CEO của NhanNguyen Digital, đưa ra phân tích, thuật toán của TikTok giúp cho tin giả dễ đến với người xem hơn. YouTube hay Facebook có nút chia sẻ, người dùng khi lan truyền nội dung sẽ nhấn vào nút này từ bản gốc, nếu thông tin sai sự thật xuất hiện sẽ nhanh chóng được kiểm soát khi bản gốc biến mất. Nhưng TikTok lại không có nút chia sẻ này, vì thế các video được người dùng tải về sau đó up lên lại để lan truyền.
Theo ông Nhân Nguyễn, thuật toán của TikTok liên quan đến "trending" (xu hướng), khi vào nút tìm kiếm mặc dù chưa gõ ký tự gì người dùng đã được gợi ý các nội dung đang được xem nhiều. Nghĩa là TikTok đề xuất luôn cho người dùng các nội dung đang được lan truyền nhiều và họ không biết đâu là tin thật hay tin giả, cứ thế vào xem. Hậu quả là tin giả được lan truyền một cách nhanh chóng.
“Đây là một điểm hạn chế của TikTok, rõ ràng tôi không tìm kiếm thông tin gì về lãnh đạo F88, nhưng vừa vào nền tảng đã tự đề xuất thông tin của doanh nghiệp này và ngay phía dưới còn có cả thông tin sai sự thật là ông này bị bắt”, ông Nhân cho biết.
Không chỉ ở Việt Nam, thuật toán của TikTok đã bị nhiều chuyên gia trên thế giới lên án bởi các nội dung “độc hại” mà nền tảng này mang lại. Điển hình là tháng 7/2022, Trung tâm luật pháp nạn nhân mạng xã hội Mỹ đã nộp đơn kiện TikTok lên toà án Los Angeles vì lan truyền trào lưu Blackout (thử thách nghẹt thở) khiến 7 trẻ em thiệt mạng.
Chuyên gia Johnanes Eichstaedt về AI tại Viện Stanford Mỹ từng nhận định trên Wired: “Động lực thực sự của TikTok không phải giải trí mà là lợi nhuận. Thuật toán AI của nền tảng đang cố giữ chân người dùng bằng nội dung được cho là hấp dẫn, bất chấp nó nguy hiểm hoặc phản cảm ra sao”.
Catherine Wang, chuyên gia AI tại Google cũng phân tích, mấu chốt của TikTok là không thiên vị người đăng video có ảnh hưởng hay không. Thay vào đó, thuật toán sẽ tự phân bổ đến người dùng, nếu càng nhiều người tương tác nó càng lan rộng trong thời gian ngắn mà không cần biết nội dung độc hại hay hữu ích.