Thừa Thiên-Huế: Bóc mẽ chiêu thức lừa đảo bằng hình thức tuyển CTV

06/03/2022 10:52

Cơ quan chức năng khuyến cáo, người dân cần nâng cao cảnh giác, phòng ngừa đối với hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

Ngày 6/3, thông tin từ PhòngAn ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, thời gian gần đây, tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng có dấu hiệu gia tăng, các đối tượng hoạt động ngày càng tinh vi với các thủ đoạn lừa đảo như vay tiền qua app, tuyển cộng tác viên (CTV) làm việc online.

Theo cơ quan công an, các đối tượng sử dụng mạng xã hội, mạng internet quảng cáo dịch vụ vay tiền online với các thủ tục nhanh gọn, đơn giản. Ngay sau khi có "con mồi" liên hệ, các đối tượng sẽ hướng dẫn bị hại truy cập vào các web, app... để cung cấp thông tin theo yêu cầu và đề nghị nạn nhân chọn số tiền muốn vay.

Tiếp đó, các đối tượng sẽ yêu cầu nạn nhân đóng phí bảo hiểm cho khoản vay của mình, khi các nạn nhân đã chuyển tiền đóng phí thì các đối tượng sẽ thông báo rằng bị hại đã cung cấp sai thông tin về tài khoản ngân hàng, họ tên hoặc số CMND nên hệ thống báo lỗi, không thể giải ngân. Ngay sau đó, các đối tượng đề nghị bị hại nộp thêm phí bảo đảm và cam kết giải ngân đầy đủ cả số tiền muốn vay và phí bảo đảm đã nộp sau khi đáp ứng đủ điều kiện. Tuy nhiên, khi bị hại chuyển tiền xong, các đối tượng liền chiếm đoạt và chặn tất cả các liên hệ.

An ninh - Hình sự - Thừa Thiên-Huế: Bóc mẽ chiêu thức lừa đảo bằng hình thức tuyển CTV

Bà D. chia sẻ với phóng viên về quá trình bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng.

Tương tượng với thủ đoạn trên, các đối tượng lừa đảo sử dụng mạng xã hội để đăng bài tuyển CTV làm việc online, khi có nạn nhân liên hệ, các đối tượng sẽ hướng dẫn nạn nhân qua tài khoản Zalo ảo về cách thức làm việc. Cụ thể, các đối tượng sẽ yêu cầu nạn nhân mua hàng tăng doanh số trên Lazada, Shopee, Tiki... với thu nhập hưởng hoa hồng từ 10 - 20% giá trị đơn hàng. Điều kiện để tham gia làm việc vô cùng đơn giản chỉ cần nạn nhân có điện thoại, máy tính và tài khoản ngân hàng.

Theo đó, các đối tượng sẽ gửi cho nạn nhân hình ảnh, thông tin và giá trị về một sản phẩm bất kỳ, sau đó, các đối tượng yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào số tài khoản mà đối tượng cung cấp. Tiếp đến, khi nạn nhân đã chuyển tiền vào tài khoản thì các đối tượng sẽ thông báo với bị hại quá trình thực hiện giao dịch đã bị lỗi, để có thể nhận được lại số tiền đã chuyển và khoản tiền hoa hồng, nạn nhân cần tiếp tục chuyển tiền vào tài khoản trước đó. Tuy nhiên, số tiền chuyển khoản lần tiếp theo các đối tượng sẽ yêu cầu nạn nhân chuyển gấp đôi.

Cứ thế, sau mỗi lần bị hại chuyển khoản thành công, các đối tượng lại đưa ra lý do để buộc các nạn nhân tiếp tục chuyển tiền nếu không thì số tiền trước đó sẽ không thể hoàn lại.

Bà T.H.D. (43 tuổi), một nạn nhân cho biết, trước đó, do có nhu cầu tìm kiếm việc làm trong thời gian dịch Covid-19, bà đã liên hệ vào một Fanpage tìm kiếm việc làm trên Facebook. Sau khi liên hệ, bà được hướng dẫn làm CTV online.

Theo bà D., lúc đầu, các đối tượng hướng dẫn bà mua hàng trên hệ thống Lazada với mỗi sản phẩm bà sẽ được hưởng 10% giá trị. Sản phẩm đầu tiên mà các đối tượng gửi cho bà thanh toán có giá trị là 300.000 đồng, sau khi thanh toán thành công, khoảng 10 phút sau, bà D. được các đối tượng chuyển khoản lại 330.000 đồng vào tài khoản của mình.

"Tiếp đó, tôi được các đối tượng gửi cho một sản phẩm có giá trị là 3 triệu đồng, tuy nhiên, khi tôi chuyển khoản thành công thì họ thông báo quá trình giao dịch của tôi đã bị lỗi. Khi tôi hỏi họ bây giờ phải làm sao để nhận lại được số tiền đã chuyển cùng hoa hồng, họ đề nghị tôi tiếp tục thực hiện lại giao dịch, thế nhưng mỗi lần tôi thực hiện giao dịch chuyển tiền thành công qua tài khoản thì các đối tượng lại thông báo tôi đã làm sai các bước chuyển tiền nên hệ thống không xử lý được", bà D. kể lại.

Cũng theo bà D., sau nhiều lần thực hiện theo yêu cầu của các đối tượng, số tiền trong tài khoản của bà cũng dần cạn kiệt, khi bà thông báo với các đối tượng bà không còn khả năng để thực hiện giao dịch thì các đối tượng lập tức chặn tất cả các liên hệ với bà. Lúc này, bà mới biết được bản thân đã bị lừa nên bà nên làm đơn trình báo gửi cho cơ quan chức năng.

Qua các vụ việc kể trên, cơ quan công an khuyến cáo, người dân cần nâng cao cảnh giác, phòng ngừa, tuyên truyền cho người thân, bạn bè. Đồng thời, thông báo ngay cho cơ quan công an gần nhất khi phát hiện hoặc nghi ngờ hoạt động có dấu hiệu lừa đảo để cơ quan công an kịp thời ngăn chặn, xử lý.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên-Huế: Bóc mẽ chiêu thức lừa đảo bằng hình thức tuyển CTV
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO