Thua lỗ triền miên, tàu cá nằm bờ vì không giữ nổi ngư phủ

12/12/2022 09:36

Sóc Trăng - Thời gian gần đây, nghề khai thác, đánh bắt thủy sản đã không còn mang lại lợi ích kinh tế ổn định cho ngư dân như lúc trước, nhất là giá dầu liên tục tăng cao trong khi giá các mặt hàng hải sản không tăng, sản lượng khai thác ngày càng thấp. Lợi nhuận bị ảnh hưởng, nhiều chủ tàu cá không đủ sức để giữ chân lao động; nhiều ngư dân bỏ nghề để tìm công việc khác.

Tàu cá nằm bờ vì thiếu ngư phủ

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, nhiều chủ tàu ở cửa biển Trần Đề (Sóc Trăng) than thở: Từ tháng 4.2022 đến nay, có khoảng 30 tàu cá được chủ cho nằm bờ. Nguyên nhân là do thiếu ngư phủ và một phần bà con ngán ngại với giá dầu khá cao, thấy khó có lời nên quyết định neo tàu.

 
Ngư dân Nguyễn Văn Thơ chia sẻ cùng phóng viên. Ảnh: Văn Sỹ

“Năm nay thật sự là một năm khó khăn nhất đối với ngư dân chúng tôi. Vấn đề thiếu ngư phủ không chỉ mới đây mà tồn tại khoảng 3, 4 năm nay rồi. Nhưng khó khăn nhất là từ giữa năm 2021 đến nay. Biết khan hiếm nên họ (ngư phủ - PV) cũng có những “yêu sách” này kia mới chịu đi với mình.

Tuy nhiên, chủ tàu chúng tôi đã đối mặt với thua lỗ do giá dầu tăng, giá tôm cá đánh bắt được thì nằm một chỗ. Vậy nên không dám thuê nhân công với mức giá theo yêu cầu của họ và đành tạm ngưng ra khơi 8 tháng nay”, ông Nguyễn Văn Thơ, lão ngư gần 40 năm gắn bó với nghề khai thác thủy sản ở huyện Trần Đề chia sẻ.

 
Hàng chục tàu cá được chủ cho neo đậu nhiều tháng tại cửa biển Trần Đề (Sóc Trăng). Ảnh: Văn Sỹ

Còn theo chia sẻ của một số chủ tàu ở cửa biển Gành Hào (huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu), để có đủ lao động đi biển, họ phải nhờ “cò” tìm người, giá thuê lao động hơn 7 triệu đồng/người/tháng. Đa phần lao động này là người địa phương khác, thậm chí là chưa từng đi biển nên chưa có kinh nghiệm cũng như năng suất lao động không cao.

Tuy nhiên, vì thiếu nguồn lao động nên chủ tàu buộc phải thuê và nhờ các ngư phủ kinh nghiệm trên thuyền hướng dẫn thêm trong quá trình đánh bắt. Thế nhưng, nhiều người đã gắn bó lâu năm ăn chia theo phần % lợi nhuận với chủ tàu gần đây cũng bỏ tàu đi tìm việc khác khá nhiều. Nguyên nhân là do hiệu quả khai thác thấp, các chuyến biển thưa dần khiến thu nhập của họ bị sụt giảm.

 
Những tàu cá được chủ cho neo đậu để tránh bị thua lỗ vì thiếu ngư phủ và chi phí ra khơi đánh bắt tăng cao. Ảnh: Văn Sỹ

“Nghề đi biển vất vả lại tiềm ẩn nhiều rủi ro, do đó, khi nguồn thu nhập bị giảm, nhiều ngư phủ đành phải bỏ nghề để tìm công việc khác. Ví dụ như trước đây, giá dầu thấp, mỗi chuyến ra khơi 3 tháng,ngư phủ được chia 40 đến 60 triệu đồng. Còn gần đây lợi nhuận giảm, thậm chí có chuyến đi hòa vốn, chủ tàu vẫn gồng gánh trả chừng 7 triệu/tháng thì ngư phủ chê ít và đi tìm việc khác. Không chỉ tàu của gia đình tôi mà nhiều chủ tàu ở đây đều mệt mỏi và đau đầu trước khó khăn đang bủa vây với nghề đi biển như hiện nay”, ông Đặng Quốc Thùy, chủ tàu cá ở thị trấn Gành Hào bày tỏ.

Trăn trở về nghề biển

Đối với những lão ngư có vài chục năm gắn bó với nghề khai thác đánh bắt, những khó khăn họ đang đối mặt không chỉ là nỗi lo về đời sống, kinh tế của chủ tàu, ngư phủ mà còn là sự trăn trở sâu xa hơn.

 
Dù đối mặt với không ít khó khăn do giá dầu tăng cao và thiếu ngư phủ, nhiều tàu cá ở Bạc Liêu vẫn vươn khơi bám biển. Ảnh: Văn Sỹ

“Giá dầu cao, giá hải sản thấp, rồi thêm thiếu bạn (ngư phủ) theo tàu,… phải nói chưa bao giờ nghề biển lại gặp khó như hiện nay. Thế nhưng, việc người trẻ bây giờ không chịu nối nghiệp cha ông là một điều đáng lo ngại. Mình bám biển, ngoài kinh tế thì có một điều thiêng liêng hơn, là bảo vệ vùng biển của Tổ quốc”, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, chủ tàu cá ở cửa biển Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu trăn trở.

 
Một tàu cá vừa cặp cảng ở cửa biển Nhà Mát, TP Bạc Liêu sau chuyến ra khơi dài ngày. Ảnh: Văn Sỹ

Theo ông Hồ Thanh Tuấn - Trưởng Phòng NNPTNT huyện Đông Hải (tỉnh Bạc Liêu), Đông Hải là một trong những địa phương khai thác thủy sản trọng điểm của Bạc Liêu khi chiếm hơn 60% tổng sản lượng khai thác toàn tỉnh. Việc ngư dân bỏ nghề để tìm việc làm trên bờ đã tạo sức ép không nhỏ về hoạt động phát triển kinh tế cho ngành khai thác thủy, hải sản của huyện.

Bên cạnh đó, nguồn lao động tại địa phương hạn chế do người trẻ không mặn mà bám biển là những nguyên nhân khiến ngành khai thác hải sản địa phương đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động.

“Trước những khó khăn của ngư dân đã và đang gặp phải, chúng tôi cũng đã có báo cáo đề xuất lên cấp trên và đề xuất những giải pháp để có chính sách hỗ trợ về lâu dài giúp cho nghề biển phát triển bền vững hơn.

Trước mắt, chúng tôi khuyến khích chủ tàu thành lập tổ, đội khai thác để tăng hiệu quả đánh bắt. Đồng thời thông tin định hướng, tìm đầu ra để tăng giá các mặt hàng ngư dân khai thác được giúp ổn định nguồn thu trong các chuyến đánh bắt”, ông Tuấn thông tin thêm.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Thua lỗ triền miên, tàu cá nằm bờ vì không giữ nổi ngư phủ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO