Người dân ở đất rừng U Minh Hạ cũng không biết chính xác nghề gác kèo ong hình thành từ bao giờ. Chỉ biết ông cha họ từ nhiều đời trước đã biết gác kèo ong và cứ thế truyền lại cho con cháu. Mỗi hộ dân có truyền thống hành nghề sẽ có những bí quyết riêng, nhưng cũng có những nguyên lý chung rất cơ bản.
Để thu hút ong về làm tổ thì vị trí đặt kèo phải có cây sậy mọc, ánh mặt trời buổi sáng và buổi chiều đều có thể chiếu vào được tổ. Có những ổ ong gắn bó với người thợ nghề năm này qua tháng nọ và người “ăn ong” rất quý trọng những đàn ong.
Trong khi chờ tới chu kỳ thu hoạch cây tràm, người dân đất rừng U Minh Hạ sống nhờ những sản vật trù phú dưới tán rừng, mà mật ong là nguồn thu chính giúp bà con duy trì cuộc sống.
Mật ong rừng U Minh Hạ từ lâu đã là sản vật rất nổi tiếng của tỉnh Cà Mau. Từ năm 2012, sản phẩm “Mật ong rừng U Minh hạ” đã được Cục Sở hữu - Trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể.
Đến năm 2019, nghề “Gác kèo ong” được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Mới đây, người dân đất rừng U Minh còn được xác lập kỷ lục “Tổ ong lớn nhất nước".
Ngày càng có nhiều người biết tới nghề “ăn ong” của tỉnh Cà Mau. Nhiều điểm du lịch sinh thái trong vùng rừng U Minh Hạ đã lấy nghề gác kèo ong là sản phẩm du lịch chính. Họ tôn tạo, đưa những tán rừng tràm trở lại gần nhất với thiên thiên để thuận lợi cho việc dẫn dụ ong về, đáp ứng nhu cầu của du khách.
Du khách được giới thiệu về nghề truyền thống lâu đời và trải nghiệm thực tế cách người dân địa phương nuôi, khai thác mật ong. Thưởng thức mật ngay tại chỗ và mua mật vừa lấy ra từ rừng về để làm quà tặng.
Nếu đến thăm đất rừng U Minh Hạ mà không trải nghiệm nghề di sản “Gác kèo ong” là chưa trọn vẹn. Cũng nhờ du lịch trải nghiệm phát triển mạnh những năm gần đây mà giá trị mật ong không ngừng tăng và giúp người dân sống được với rừng.