Tập đoàn Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang vừa công bố báo cáo hợp nhất quý III với những điểm sáng trong lĩnh vực bán lẻ.
Theo đó, The CrownX (TCX), nền tảng tiêu dùng bán lẻ của Masan hợp nhất WinCommerce (WCM) và Masan Consumer Holdings (MCH) đạt lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA) 9 tháng đầu năm 2021 là 4.774 tỷ đồng, tăng 185,5% so với mức 2.569 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2020.
WinCommerce (WCM) của Masan Group đã có lãi trong mảng bán lẻ nhu yếu phẩm sau khi mua VinCommerce từ Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng năm 2019 và gần đây đổi tên thành WinCommerce.
Đây là một dấu ấn nổi bật khi mà cả Bách Hoá Xanh của Thế giới Di động vẫn đang lỗ nặng.
Việc tích hợp kiosk trà sữa Phúc Long tại các điểm bán WCM đã giúp số lượng hóa đơn/ngày trung bình tăng 16%. Masan tiếp tục triển khai thí điểm mô hình cửa hàng tích hợp WinMart+ (nhu yếu phẩm), kiosk Phúc Long (trà và cafe), dược phẩm Phano và điểm giao dịch Techcombank và gặt hái những kết quả thành công bước đầu. Đây chính là động lực để doanh nghiệp tiếp tục tăng tốc nhân rộng mô hình này trong hệ thống bán lẻ của Masan.
Tin chứng khoán ngày 29/10: Lọt top 3 nhóm “tỷ USD bán lẻ”, tỷ phú Nguyễn Đăng Quang bứt phá, đại gia Nguyễn Đức Tài gặp khó |
Masan đã bổ sung mảnh ghép mới vào hệ sinh thái tiêu dùng Point of Life (“PoL”) với thương vụ mua lại Công ty Cổ phần Mobicast (“Mobicast”), một doanh nghiệp startup trong lĩnh vực mạng di động ảo (“MVNO”).
Doanh thu của WinCommerce trong quý III đạt 9.529 tỷ đồng, tăng trưởng 21% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp tăng từ mức 17,8% lên 21,1%. Biên EBITDA đạt 5,5%, so với mức 3% cùng kỳ năm ngoái.
Trong 9 tháng đầu năm, doanh thu của WCM đạt 23.996 tỷ đồng, nằm trong số ít công ty bán lẻ vượt ngưỡng doanh thu tỷ USD của Việt Nam cùng với Thế giới Di động (MWG) và Saigon Coop.
Chiến lược dài hạn của WCM là trở thành hệ sinh thái tiêu dùng Point of Life, tiếp cận 80% ngân sách tiêu dùng của người dân.
Trong vài phiên gần đây, dòng tiền đổ mạnh vào các cổ phiếu lớn, qua đó giúp chỉ số VN-Index liên tục lập đỉnh.
Cổ phiếu Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang tăng mạnh trong thời gian gần đây và hiện ở mức cao kỷ lục mọi thời đại. Giá MSN đã lên trên ngưỡng 150.000 đồng/cp (giá điều chỉnh). Masan có vốn hóa thị trường đạt hơn 173 nghìn tỷ đồng (7,8 tỷ USD).
Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang có tài sản quy từ cổ phiếu trị giá tròn 2 tỷ USD tính đến hết ngày 28/10.
Thê Giới Di Động (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài cũng tăng khá mạnh trong vòng một năm qua, từ mức 70.000 đồng/cp lên trên 130.000 đồng/cp như hiện tại. MWG có vốn hóa hơn 91 nghìn tỷ đồng. Ông Nguyễn Đức Tài có khối tài sản quy ra từ cổ phiếu MWG trị giá gần 8,4 nghìn tỷ đồng.
Biến động chỉ số VN-Index. |
Chỉ số chứng khoán VN-Index ngày 29/10
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), nhiều cổ phiếu điều chỉnh nhẹ. VN-Index quanh đỉnh lịch sử, trên ngưỡng 1.435 điểm.
Theo BSC, thị trường tiếp tục thiết lập đỉnh mới nhờ dư âm tích cực từ ngày 17/10 dù đôi lúc trong phiên hôm qua VN-Index điều chỉnh do gặp phải áp lực chốt lời tại vùng giá cao. Độ rộng thị trường nghiêng về phía tích cực với số mã tăng điểm nhiều gấp đôi số mã giảm. Trong 15/19 ngành tăng điểm, ngành viễn thông có mức tăng vượt bậc gần 7%, tăng gấp đôi ngành xếp ở vị trí thứ hai là điện, nước & xăng dầu khí đốt. Trong phiên cuối tuần 29/10, VN-Index có thể điều chỉnh nhưng vẫn duy trì nhịp vận động quanh ngưỡng 1.420 điểm.
Theo MBS, thị trường có 3 phiên tăng liên tiếp và đà tăng diễn ra mạnh mẽ cùng thanh khoản cải thiện. Đáng chú ý, dòng tiền có dấu hiệu quay trở lại nhóm bluechips khi vẫn thấp hơn đỉnh lịch sử, trong khi midcap và smallcap ngày càng lập mức cao kỷ lục mới. Đà tăng của thị trường sau phiên vượt đỉnh đang rất mạnh mẽ, các nhịp rung lắc trong phiên cũng nhanh chóng được hấp thụ với dòng tiền mạnh.
Chốt phiên chiều 28/10, chỉ số VN-Index tăng 14,99 điểm lên 1.438,01 điểm. HNX-Index tăng 1,66% lên 411,07 điểm. Upcom-Index tăng 1,67% lên 104,38 điểm. Thanh khoản đạt 32,5 nghìn tỷ đồng trên cả 3 sàn.
V. Hà