Đây là quan điểm được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Romania, trưa 22/1 (giờ địa phương).
Theo người đứng đầu Chính phủ, Việt Nam và Romania có truyền thống hợp tác 75 năm, trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử song điều quan trọng nhất là lòng tin chính trị giữa hai nước được nâng lên.
Cảm ơn sự giúp đỡ của Romania dành cho Việt Nam trong suốt 75 năm qua, Thủ tướng cho rằng sự giúp đỡ ấy cùng với lòng tin chính trị là một cơ sở vững chắc để thúc đẩy môi trường đầu tư hợp tác giữa hai nước.
Nhấn mạnh những định hướng lớn của Việt Nam trong quá trình đổi mới, Thủ tướng đề cập việc xây dựng 3 trụ cột chính.
Đó là xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, huy động sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, mọi chính sách đều hướng tới nhân dân; xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tôn trọng quy luật khách quan nhưng có sự điều tiết của Nhà nước khi cần thiết.
Xuyên suốt quá trình đó, Thủ tướng nhấn mạnh yếu tố con người là trung tâm và chủ thể, là mục tiêu, động lực, nguồn lực cho sự phát triển. Ông một lần nữa nhắc lại quan điểm "không hy sinh an sinh xã hội, không hy sinh môi trường để đổi lấy tăng trưởng đơn thuần".
Người đứng đầu Chính phủ cho biết Việt Nam đang thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực.
Trong đó, thể chế phải thông thoáng, phù hợp xu thế phát triển của thế giới, cải cách thủ tục hành chính để không làm phiền hà, làm tăng chi phí tuân thủ của người dân, doanh nghiệp.
Hạ tầng chiến lược cũng phải được quan tâm nhằm giảm các chi phí liên quan.
Bên cạnh đó, tạo đột phá về nguồn nhân lực vì con người là yếu tố quyết định. "Chúng tôi đang tập trung xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng các ngành kinh tế mới nổi hiện nay", theo lời Thủ tướng.
Ông khái quát lại 3 đột phá chiến lược này trong thông điệp "thông thoáng về chính sách, thông suốt về hạ tầng và thông minh về quản trị".
Thủ tướng cũng nhấn mạnh phải giữ vững độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ để nhà đầu tư yên tâm đầu tư lâu dài.
"Phải đảm bảo môi trường hòa bình, hợp tác, phát triển trong khu vực vì chẳng ai đến đầu tư ở nơi có xung đột, có chiến tranh", theo lời Thủ tướng.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam kêu gọi doanh nghiệp hai nước làm mới lại các động lực tăng trưởng như tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư; bổ sung các động lực mới, bao gồm các ngành mới nổi như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn…
Trong lĩnh vực đào tạo, lãnh đạo Chính phủ chia sẻ rất vui khi nhiều trường đại học đã ký kết hợp tác, thể hiện sự sẵn sàng tập trung cho đột phá đào tạo nguồn nhân lực.
Kêu gọi doanh nghiệp vào Việt Nam đầu tư, Thủ tướng định hướng tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ và cho biết Việt Nam có chính sách ưu tiên cho các doanh nghiệp lớn đầu tư vào công nghệ.
Dù Việt Nam và Romania còn trở ngại về khoảng cách địa lý song Thủ tướng cho rằng việc này sẽ được tháo gỡ bằng chuyển đổi số, thương mại điện tử, các phương tiện giao thông hiện đại…
Thể hiện tinh thần lạc quan vào mối quan hệ hai nước, Thủ tướng kêu gọi doanh nghiệp cùng các bộ, ngành, địa phương hai bên cùng hành động, quyết tâm nâng quan hệ Việt Nam - Romania lên tầm cao mới thực chất, hiệu quả hơn, đi thẳng vào vấn đề trọng tâm như kinh tế, thương mại, đầu tư, góp phần vào sự phát triển hùng cường, thịnh vượng của hai đất nước.
Hoài Thu (Từ Bucharest, Romania)