Chính sách hỗ trợ nhà ở với người lao động là một nội dung được tập trung trong cuộc gặp gỡ, đối thoại của Thủ tướng Phạm Minh Chính với 4.500 công nhân lao động sáng 12/6.
Trước khi nghe công nhân lao động nêu ý kiến, câu hỏi, Thủ tướng thông báo tin vui tới toàn thể công nhân lao động sáng nay (12/6), Chính phủ đã ban hành Nghị định 38 quy định mức lương tối thiểu vùng với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, chiểu theo nguyện vọng của anh chị em công nhân. Theo đó, từ ngày 1/7/2022, mức lương tối thiểu vùng tăng 6% so với mức hiện tại.
Nhiều chính sách chưa từng có tiền lệ, ban hành với tốc độ nhanh nhất
Nêu câu hỏi tại buổi đối thoại, công nhân Lê Nguyễn Ngọc Thủy (Công ty TOTO) chia sẻ, trong những năm qua, Trung ương và địa phương đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ công nhân, người lao động. Để đảm bảo đời sống cho công nhân và người lao động, chị Thủy mong muốn, đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đôn đốc giải quyết chế độ, chính sách cho công nhân lao động bị nhiễm Covid-19.
"Đề nghị Chính phủ thúc đẩy thực hiện chính sách trợ cấp đối với trẻ mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp, chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân lao động vì đến nay còn nhiều người chưa được hưởng, nhất là tiền hỗ trợ thuê nhà", chị Thủy nêu.
Giải đáp băn khoăn của chị Lê Nguyễn Ngọc Thủy, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung cho biết, 2 năm qua, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quyết liệt trong việc chỉ đạo ban hành các chính sách liên quan đến người lao động, các đối tượng yếu thế.
Bộ LĐ-TB&XH phối hợp rất chặt chẽ với các bộ, các ủy ban, nhất là Ủy ban Xã hội của Quốc hội và Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước đã tham mưu cho Chính phủ ban hành rất nhiều chính sách liên quan, hỗ trợ người lao động. Đặc biệt, trong đó có nhiều chính sách chưa từng có tiền lệ, ban hành với tốc độ nhanh nhất, sớm nhất và có hiệu quả.
Đặc biệt Nghị quyết 68 được hỗ trợ người lao động trong phòng chống dịch; Nghị quyết 116 về hỗ trợ người lao động từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Cho đến nay, tổng kết việc thực hiện 2 Nghị quyết này cho thấy, đã có 55 triệu lượt người được thụ hưởng với 81.000 tỷ đồng. Đây là con số chưa từng có trong lịch sử.
Cho đến nay Nghị quyết 68 với 12 nhóm chính sách chỉ còn một nhóm chính sách duy nhất là hỗ trợ đào tạo đến ngày 30/6 sẽ kết thúc. Còn lại 11 nhóm chính sách về hỗ trợ người lao động đã kết thúc. Nghị quyết 116 hỗ trợ từ bảo hiểm thất nghiệp, cho đến nay chỉ còn lại 2 đối tượng là các cơ sở thuộc đơn vị sự nghiệp sẽ hỗ trợ nốt.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định, các chính sách đã được bao phủ tương đối rộng rãi. Đối với công nhân lao động, con em công nhân lao động bị ảnh hưởng Covid-19 là nội dung rất được quan tâm trong xây dựng chính sách. Tất cả các trẻ em mồ côi cha, mẹ đều có chính sách hỗ trợ riêng. Việt Nam được các đối tác nước ngoài đánh giá là một trong những quốc gia tổ chức chăm sóc trẻ em mồ côi tốt nhất thế giới.
Về chính sách hỗ trợ tiền thuê trọ cho người lao động, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội cũng như chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau dịch là một trong những chính sách được triển khai nhanh nhất, sớm nhất.
Hiện nay, chỉ có 2 tỉnh không có đối tượng hỗ trợ là Điện Biên và Lai Châu. Còn 61 tỉnh thành đã tập hợp xong danh sách. Theo số liệu do địa phương tổng hợp, có 3,4 triệu lượt người được hỗ trợ. Trong đó, phân thành 2 nhóm gồm hỗ trợ những người kiên trì bám trụ sản xuất, nhóm 2 là hỗ trợ người lao động sản xuất.
Về lý do tiền chưa giải ngân nhiều, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, hiện nhiều địa phương có thêm thủ tục do đặc thù từng tỉnh thành. Một số tỉnh muốn chi trả tiền hỗ trợ tròn 3 tháng, một số địa phương lại lấy từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương để hỗ trợ cho người lao động.
Chỉ đạo thêm nội dung này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết hỗ trợ người lao động. Các chính sách an sinh với người lao động được thực hiện rất khẩn trương, trong vòng ít tháng đã có hơn 55 triệu lượt người được thụ hưởng với tổng kinh phí 81.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Thủ tướng băn khoăn là có nơi, có lúc chưa thực hiện triệt để, kịp thời chính sách hỗ trợ tiền thuê trọ. Ngày 11/6, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Tài chính đã xin ý kiến Chính phủ về hướng giải quyết những vướng mắc với việc này. Thủ tướng đề nghị hai Bộ phối hợp với các địa phương, các địa phương cũng chủ động hơn thực hiện việc này tại địa bàn.
"Tiền đã có rồi, các địa phương căn cứ các quy định để triển khai sớm, tiếp tục hoàn thiện thủ tục, không để anh chị em công nhân lao động băn khoăn, lo lắng", Thủ tướng chia sẻ.
"Cán bộ lao động làm việc không kể ngày đêm vì công nhân"
Công nhân Nguyễn Thị Thúy Hà (Hợp tác xã Mây Tre Lá Ba Nhất, Quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, hiện nay, Luật Bảo hiểm xã hội còn nhiều bất cập, nhất là thời gian đóng rất dài mới được hưởng lương hưu. Trong khi nhiều doanh nghiệp tìm mọi cách chấm dứt hợp đồng lao động với công nhân khi chúng cháu mới 40 - 45 tuổi.
Chị Nguyễn Thị Thúy Hà đề nghị Chính phủ sửa đổi pháp luật để bảo đảm quyền lợi của công nhân lao động, hạn chế tình trạng công nhân rút bảo hiểm xã hội 1 lần. "Chúng tôi đều biết rút bảo hiểm thì khi về già không có lương hưu nhưng nhiều anh, chị, em khó khăn quá và thời gian đóng dài nên vẫn rút", chị Hà chia sẻ.
Trước khi trả lời câu hỏi của người lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ, ngày 11/6, các thành viên Chính phủ đã trực tiếp bỏ phiếu để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định về tăng lương tối thiểu vùng.
"Chúng tôi làm việc không kể ngày đêm vì công nhân", Bộ trưởng Dung nói.
Đáp lại thắc mắc của người lao động liên quan tới việc rút bảo hiểm xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phân tích, cả nước có 55 triệu lao động trong đó có 20 triệu người lao động có giao kết hợp đồng lao động. Trong đó, 15 năm qua, quá trình phát triển bảo hiểm xã hội ở Việt Nam là một thành tích đáng nể.
Dù vậy, Bộ trưởng xác nhận, trong quý I, quý II/2022, có tình trạng một tỷ lệ người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần. Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, điều này có khả năng gây hệ lụy lâu dài với người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu.
Để tránh tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, Bộ trưởng Dung cho rằng, trước tiên phải nâng cao đời sống, phúc lợi của công nhân, người lao động.
Cùng với đó, ông Dung cho biết, Chính phủ đã giao Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, sửa đổi Luật BHXH phù hợp với tình hình thực tế.
Hiện nay, Bộ đã tiếp thu, tổng hợp 11 nhóm chính sách để đổi mới, theo hướng phù hợp với tình hình thực tế. Trong đó, có nhóm chính sách về giảm dần thời gian đóng bảo hiểm xã hội để người lao động theo được quá trình đóng bảo hiểm xã hội. Theo đó, dự kiến thời gian đóng bảo hiểm xã hội rút xuống còn 15 năm (trước đây là 20 năm) và tiến tới còn đóng bảo hiểm xã hội 10 năm.
Nhóm chính sách tiếp theo đó là tăng thêm sự liên kết giữa các nhóm bảo hiểm xã hội. Có những cơ chế, chính sách để khuyến khích người lao động tham gia bảo hiểm xã hội. Cùng với đó, sẽ xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng khó khăn để mua bán sổ bảo hiểm xã hội của người lao động.
Bộ trưởng Dung cũng thông tin thêm, cho đến nay, tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần đã giảm đi đáng kể so với quý 1/2022.
Sau phần trả lời của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói thêm Việt Nam đã có Luật Bảo hiểm xã hội. Quá trình thực thi luật đến nay đã phát sinh những điểm chưa phù hợp với thực tế. Sắp tới, tinh thần sửa Luật Bảo hiểm xã hội là tiếp thu ý kiến của công nhân, người lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam để điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp.
Vừa qua, Chính phủ đã trình với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) vào chương trình xây dựng luật năm 2023 để Quốc hội thảo luận và xem xét thông qua tại những kỳ họp tới đây cho phù hợp với tình hình thực tế.
"Các chủ thể liên quan phải có trách nhiệm thực hiện luật pháp một cách nghiêm túc nhất. Trên cơ sở đó có cái gì để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người lao động" - Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu.